Trong “Chinh phụ ngâm”, một thi phẩm khá nổi tiếng của Đặng Trần Côn nói về cảm xúc của người con gái có chồng đi đánh trận, trong đó có một đoạn nói về “Mạch thượng tang” (Dâu bên bờ ruộng) thế này:

Thanh thanh mạch thượng tang
Mạch thượng tang, mạch thượng tang
Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường

Dịch là:

Chỉ thấy ngàn dâu xanh xanh bên bờ.
Ôi! ngàn dâu! Ngàn dâu xanh.
Ý thiếp lòng chàng ai dài, ai ngắn?

Đoàn Thị Điểm diễn Nôm là:

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Cuộc sống của người phụ nữ thời xưa gắn với công việc hái dâu nuôi tằm, nên hình ảnh dâu bên bờ ruộng là chỉ về phận người con gái. Nhưng ở đây, “Mạch thượng tang” còn liên quan đến một tích về tấm lòng chung thủy của Tần La Phu, là điều mà phần dịch thơ hay diễn Nôm của “Chinh phụ ngâm” không thoát ý được.

Về một chi tiết đẹp ít người biết trong Chinh phụ ngâm
Tần La Phu trong cuốn “Họa Lệ Chu Thúy Tú”, tranh Hác Đạt triều Thanh, chủ đề Lương Thi.

Trong Nhạc Phủ thời nhà Hán có một bài thơ tự sự tuyệt đẹp tên là “Mạch thượng tang”, kể về một giai nhân tên là Tần La Phu. Tần La Phu không chỉ có dung mạo kiều diễm, nàng còn rất thông minh, dẫu đứng trước quyền quý cũng không cúi mình khuất phục, một lòng một dạ, chung thủy sắt son với tình yêu.

Theo cuốn “Cổ Kim Chú” của Thôi Báo chép lại, La Phu là người Hàm Đan, là vợ của Vương Nhân, một người cùng ấp. Sau này Vương Nhân làm thuộc hạ cho Triệu Vương.

Một hôm, La Phu đang hái dâu bên đường, Triệu Vương đăng đài quan sát từ xa bắt gặp nàng, siêu lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên, muốn chiếm nàng làm của riêng.

La Phu biết chuyện, bèn làm bài thơ “Mạch thượng tang”, bày tỏ chí nguyện của mình.

Thơ như vậy:

Mạch thượng tang

Nhật xuất đông nam ngung,
Chiếu ngã Tần thị lâu.
Tần thị hữu hảo nữ,
Tự danh vi La Phu.
La Phu hỉ tàm tang,
Thái tang thành nam ngung.
Thanh ty vi lung hệ,
Quế chi vi lung câu.
Đầu thượng oa đoạ kết,
Nhĩ trung minh nguyệt châu.
Tương ỷ vi hạ quần,
Tử ỷ vi thượng nhu.
Hành giả kiến La Phu,
Hạ đảm loát tỳ tu.
Thiếu niên kiến La Phu,
Thoát mạo trước tiếu đầu.
Canh giả vong kỳ sừ,
Sừ giả vong kỳ sừ.
Lai quy tương nộ oán,
Đãn toạ quan La Phu.

Sứ quân tòng nam lai,
Ngũ mã lập trì trù.
Sứ quân khiển lại vãng,
Vấn “thị thuỳ gia thù?”
“Tần thị hữu hảo nữ,
Tự danh vi La Phu.”
“La Phu niên kỷ hà?”
“Nhị thập thượng bất túc,
Thập ngũ phả hữu dư.”
Sứ quân tạ La Phu:
“Ninh khả cộng tải bất?”
La Phu tiền trí từ:
“Sứ quân nhất hà ngu!
Sứ quân tự hữu phụ,
La phu tự hữu phu.”

“Đông phương thiên dư kỵ,
Phu tế cư thượng đầu.
Hà dụng thức phu tế?
Bạch mã tòng ly câu.
Thanh ty hệ mã vĩ,
Hoàng kim lạc mã đầu.
Yêu trung lộc lô kiếm,
Khả trị thiên vạn dư.
Thập ngũ phủ tiểu sử,
Nhị thập triều đại phu,
Tam thập thị trung lang,
Tứ thập chuyên thành cư.
Vi nhân khiết bạch tích,
Liêm liêm phả hữu tu.
Doanh doanh công phủ bộ,
Nhiễm nhiễm phủ trung xu.
Toạ trung sổ thiên nhân,
Giai ngôn phu tế thù.”

Dịch là:

Mặt trời mọc đông nam,
Chiếu xuống lầu họ Tần.
Họ Tần có người đẹp,
Tên gọi là La Phu.
La Phu nuôi tằm giỏi,
Bên nam thành hái dâu.
Tơ xanh dây buộc giỏ,
Quế chi làm móc câu.
Trên đầu rủ tóc búi,
Dưới tai cài minh châu.
Quần lụa thêu vàng nhạt,
Áo tơ dệt tím màu.
Hành giả thấy La Phu,
Dừng gánh, tay vuốt râu.
Thiếu niên thấy La Phu,
Rơi khăn, nón đội đầu.
Người đi cày quên bừa,
Người đi bừa quên bừa.
Trở về gây cáu giận,
Bởi mải nhìn La Phu.

Sứ quân từ nam lại,
Năm ngựa đứng chần chừ.
Sứ quân gọi người hỏi,
“Kia con gái nhà ai?”
“Họ Tần có người đẹp,
Tên gọi là La Phu.”
“La Phu nay bao tuổi?”
“Hai mươi, còn chưa đủ,
Mười lăm, lại hơi dư.”
Sứ quân hỏi La Phu:
“Muốn chở nàng được chăng?”
La Phu trước xe đáp:
“Sứ quân sao quên ư!
Sứ quân đã có vợ,
La Phu có trượng phu.”

“Phía đông hơn ngàn ngựa,
Có chồng thiếp dẫn đầu.
Sao nhận ra chồng thiếp?
Bạch mã cùng ly câu.
Tơ xanh buộc đuôi ngựa,
Vàng quấn ở trên đầu.
Kiếm lộc lô lưng giắt,
Trị giá ngàn vạn dư.
Mười lăm làm tiểu lại,
Hai mươi thành đại phu.
Ba mươi quan thị trung,
Bốn mươi giữ thành to.
Là người có da trắng,
Mai dài, một chút râu.
Điềm tĩnh sai phủ lại,
Ung dung bước lẹ mau.
Nơi ngồi mấy ngàn vị,
Đều nói khó kiếm đâu.”

(Bản dịch của Diệp Luyến Hoa đăng trên Thi Viện)

La Phu mở đầu bài thơ bằng hình ảnh cuộc sống đời thường, kể một câu chuyện hư cấu về vị Thái Thú ái mộ mỹ sắc, vừa có thể giữ được thể diện cho Triệu Vương, lại khéo léo biểu đạt chí nguyện không lay chuyển trước quyền quý, chung thủy với hôn nhân của mình. Trong từng dòng chữ, La Phu đã dùng giọng điệu nhẹ nhàng, hài hòa, biến một chủ đề nặng nề, nghiêm trọng, trở thành một vở hài kịch đầy ý vị hài hước, khiến người đọc phải bái phục người con gái cao quý này trong tiếng cười ý nhị.

Trong một buổi sớm ánh nắng chan hòa, Tần La Phu xuất hiện vô cùng mỹ lệ. Vì giỏi nuôi tằm, nên công việc mỗi ngày của nàng bắt đầu từ việc hái dâu. Cô gái hái dâu này, không chỉ có dung nhan kiều diễm, mà chiếc giỏ trúc trong tay, phục sức trên người nàng, mọi thứ đều toát lên sự chỉn chu và truy cầu cái đẹp. Dẫu là dáng vẻ hay cách phối màu, đều mang theo nét độc đáo rất tinh tế. Dù không nhìn vào dung mạo của nàng, cũng có thể biết được đây là một giai nhân.

Vậy nên, kẻ bộ hành thôi gồng gánh, ngước mắt ngắm nhìn nàng; người trẻ bất giác chỉnh trang lại dung nhan, dáng vẻ của mình; người cày ruộng quên mất đường cày; kẻ cuốc đất quên cả nhát cuốc, công việc cấy cày bỗng nhiên ngưng lại. Nàng vừa xuất hiện đã trở thành vì sao sáng thu hút mọi ánh nhìn, khó trách vị Thái Thú qua đường cũng chẳng thề kìm lòng, mà dừng bước, hỏi thăm danh tính, tuổi tác của nàng La Phu, còn nặng lòng mời nàng cùng lên xe, đưa nàng về nhà.

“Sử quân nhất hà ngu! Sử quân tự hữu phụ! La Phu tự hữu phu.” (Quan Thứ Sử ngài sao nhất thời mê muội! Quan ngài đã có thê tử, La Phu cũng có phu quân.) La Phu không hề do dự cự tuyệt, nói rõ thân phận của mình là gái đã có chồng. Tiếp đó, nàng dùng rất nhiều lời thơ ca ngợi thần thái, tiền đồ quan tước, cùng phẩm hạnh và dung mạo của phu quân, với thân thế tôn quý và uy danh hiển hách.

La Phu nói rằng, chồng mình làm quan tại phương Đông, có hàng ngàn tùy tùng người ngựa theo sau. Chàng cưỡi một chú tuấn mã màu trắng, dây cương bằng vàng kim, tơ biếc quấn đuôi ngựa, lưng đeo kiếm đen làm từ sừng hươu, đáng giá ngàn vạn quan tiền. Con đường quan vận của chàng vô cùng rộng mở. Năm 15 tuổi chàng bắt đầu làm tiểu lại, 20 tuổi làm đại phu, 30 tuổi làm Thị Trung Lang, 40 tuổi đã là vương của một tòa thành. Khuôn mặt trắng trẻo với râu quai hàm, chàng thong dong từng bước vạn trượng, đích thực là một vị quân tử nho nhã. Hèn chi hàng ngàn người giao thiệp với chàng, đều khen ngợi chàng xuất chúng.

Lời thơ tiếng hát khép lại, tấm chân tình của La Phu dành cho chồng mình, cùng sự giãi bày hàm xúc và kiên định với Triệu Vương, cũng được biểu đạt một cách hoàn mỹ. Chúng ta biết rằng, trên thực tế, Vương Nhân, phu quân của nàng, là thuộc hạ của Triệu Vương, không hề xuất chúng như trong lời thơ miêu tả. Nhưng điều đó có can hệ gì? Trong tim của La Phu, phu quân là bầu trời của nàng, là người đàn ông tốt nhất mà nàng từng gặp. Triệu Vương chứng kiến tình nghĩa thu phê sâu sắc như biển rộng, hà tất lại dùng quyền thế mà chiếm đoạt tình yêu, chẳng phải tự thấy cụt hứng hay sao?

Triệu Vương nghe xong cũng hiểu ý nàng, gặp ải mà phải thoái lui, còn lại chỉ có sự khâm phục.

Thiên Cầm

Xem thêm:

Mời xem video: