Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu, hay Phú Sát hoàng hậu, là vợ của Hoàng đế Càn Long, cũng là một trong ba vị hoàng hậu nổi tiếng nhất của lịch sử nhà Thanh. Mặc dù thiếu đi những thành tựu như của Hiếu Trang Văn Hoàng Hậu hay quyền lực như Từ Hy Thái hậu, nhưng cuộc đời ngắn ngủi của Phú Sát hoàng hậu gần như hoàn hảo. Bà được công nhận là vị hoàng hậu hiền đức nhất triều Thanh.

Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu có gia thế hiển hách. Bà xuất thân từ danh tộc Phú Sát thị ở Sa Tế, thuộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ. Tổ phụ của bà là Thượng Thư Bộ Hộ thời Khang Hy, cha bà là quan nhất phẩm, và bá phụ bà là một trọng thần của triều đình. Đồng thời bà còn sở hữu một vẻ đẹp đoan trang, dịu dàng, tao nhã.

Khi bà còn là cách cách, Ung Thân vương (sau này là Hoàng đế Ung Chính) đến thăm cha bà đã vô cùng ấn tượng với tài hoa của bà, từ việc thông thạo kinh văn, thơ phú, đến tài thư pháp. Sau này, Hoàng đế Ung Chính chỉ định bà cho hoàng tử Hoằng Lịch. Khi Ung Chính băng hà, Hoằng Lịch lên ngôi, lấy niên hiệu là Càn Long, lập bà làm hoàng hậu.

Trong thơ Càn Long thường khen tặng vợ là “tư dung yểu điệu”, không chỉ là khen vẻ ngoài mỹ lệ của hoàng hậu mà còn chỉ vẻ đẹp của nội tâm mỹ hảo.

Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu và Càn Long hoàng đế có nhiều sở thích chung. Khi ở bên nhau, họ thường cùng nhau làm thơ, vẽ tranh và chơi đàn tranh. Bà lắng nghe hoàng đế ngâm vịnh, cùng Càn Long chia sẻ niềm vui và nỗi buồn và cùng ông đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Khi có hạn hán, họ cùng nhau cầu nguyện được ban phúc lành từ thiên thượng. Khi có mưa hay tuyết rơi, họ cùng nhau ăn mừng. Hoàng hậu chăm sóc hoàng đế từng chút một. Bất cứ khi nào hoàng đế ngã bệnh, bà đích thân chăm sóc cho đến khi ông hoàn toàn bình phục.

Dù hậu cung có 3000 giai lệ, người mà Càn Long yêu nhất vẫn là Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu. Người đời mô tả hoàng hậu là người tốt bụng và khiêm tốn. Bà theo truyền thống, sống một cuộc đời thanh đạm, cài hoa lên tóc thay vì cài trâm vàng, trâm bạc hay ngọc trai.

Vị hoàng hậu hiền đức nhất triều Thanh

Có một lần hoàng đế Càn Long kể cho bà nghe câu chuyện về khó khăn thời sáng nghiệp của tiên đế: vì quá nghèo không thể may y phục từ vải, tiên đế đã sử dụng da hươu, không giống y phục trong cung lúc bấy giờ được thêu chỉ vàng chỉ bạc. Sau đó hoàng hậu đã may một cái túi bằng da hươu dâng tặng hoàng đế. Càn Long khi nhận được rất cảm động, từ đó về sau luôn mang cái túi theo bên mình. Nhìn cái túi, hoàng đế liền nhớ đến tiên đế gian khổ gây dựng cơ nghiệp, nhắc nhở mình không được quên bản sắc tổ tông, và cái túi cũng gợi cho ông về tình cảm phu thê sâu sắc.

Biết Càn Long coi trọng hiếu đạo, hoàng hậu thay hoàng đế hiếu kính với thái hậu, làm tròn bổn phận người con. Đối với sinh mẫu của Càn Long – hoàng thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị – bà đối đãi như với mẹ đẻ, sớm tối thỉnh an, hỏi han ân cần. Khác với hoàng hậu, thái hậu xuất thân hàn vi, tính cách khác biệt, nhưng Phú Sát hoàng hậu lại đối với mẹ chồng hết sức khiêm nhường, một chút kiêu căng cũng không có. Thái hậu gặp ai cũng khen con dâu hiếu thuận, một ngày cũng không chịu rời xa hoàng hậu.

Chuyện nội chính trong cung đều do hoàng hậu chủ trì. Càn Long khen ngợi bà “trị sự tinh tường”, “nặng nhẹ khéo léo”, khiến lục cung trên dưới từ phi tần đến cung nhân đều cảm phục, vui vẻ phục tùng. Bà lấy đức phục nhân, đối với thuộc hạ luôn bình hòa, lễ độ, công bằng.

Hoàng hậu tính tình ôn nhu, xây dựng hậu cung trên dưới hòa hợp giúp Càn Long yên tâm trị quốc. Càn Long cho rằng đế nghiệp của ông có phần công lao của hoàng hậu nên ban cho bà danh hiệu “cổ kim hiền hậu”.

Theo truyền thuyết, Luy Tổ vợ vua Huỳnh Đế là hoàng hậu đầu tiên dạy người dân trồng dâu và nuôi tằm để dệt tơ lụa. Sách Tùy thư – Lễ nghi chí cũng gọi bà là Tiên tằm. Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu trở thành hoàng hậu Thanh triều đầu tiên chủ trì nghi thức lễ tế Tiên tằm cùng đương kim hoàng đế. Khi tơ tằm nhiều, bà sai người dệt tơ nhuộm lụa may thành long bào tự mình dâng lên hoàng đế. Càn Long đánh giá rất cao ngự phục từ tơ lụa của hoàng hậu, thường mặc chúng khi tế lễ và thiết triều.

Tuy hoàng hậu xuất thân cao quý, mỹ lệ từ ngoại hình đến nội tâm, sống trong phú quý, quyền lực, lại được hoàng đế hết lòng sủng ái, nhưng cuộc đời con người vốn không dĩ vẹn toàn. Ông Trời thường không trao cho ai cái gì quá nhiều, cũng không lấy đi của ai quá nhiều.

Kết hôn được một năm thì hoàng hậu hạ sinh một công chúa, nhưng không lâu sau thì đứa bé chết.

Đứa con trai đầu lòng của hoàng hậu tên là Vĩnh Liễn, 7 tuổi đã được bí mật định làm hoàng thái tử. Càn Long khen tiểu hoàng tử “thông minh quý trọng, khí tự bất phàm”. Chẳng ai ngờ 2 năm sau, tức là khi Vĩnh Liễn được 9 tuổi thì đột nhiên mắc phong hàn rồi chết non.

Mấy năm sau hoàng hậu lại sinh hạ được một hoàng tử. Càn Long khen đứa bé thông minh hơn người, đặt tên là Vĩnh Tông, ý là đứa bé sẽ kế thừa đại nghiệp Đại Thanh. Nhưng chưa đầy 2 năm thì Vĩnh Tông mắc bệnh đậu mùa rồi chết.

Trong vòng vỏn vẹn 8 năm, hoàng hậu đã 2 lần chịu đựng nỗi đau mất con. Bà sinh hạ 4 đứa con thì có 3 đứa đã chết non. Liên tiếp chịu đả kích khiến hoàng hậu đau buồn sinh bệnh.

3 tháng sau khi ấu tử qua đời, Càn Long và thái hậu cần đi đông tuần Sơn Đông. Hoàng hậu bệnh nặng mới khỏi lại không màng an nguy của bản thân, khăng khăng đòi tùy giá phụng dưỡng. Bà nói bà mơ thấy Thái Sơn thần nữ Bích Hà Nguyên Quân, bệnh khỏi sẽ đi Thái Sơn lễ tạ thần. Càn Long đã đáp ứng thỉnh cầu của hoàng hậu.

Trên đường đi đoàn đông tuần của hoàng gia đã đến tế miếu Khổng Tử, yết Khổng Lâm, tham quan thắng cảnh núi Thái Sơn rồi đến Tế Nam du lãm suối Bác Đột. Khi trên thuyền rồng xem cá, hoàng hậu đã nhắc tới một điển cố của Trang Tử: “Ta không phải là cá, làm sao biết cá có vui?”

Trên đường hồi kinh, vì những vất vả trên đường đi, hoàng hậu nhiễm phong hàn mà chết, hưởng niên 37 tuổi.

Càn Long đau đớn, ông không cho phép phi tần nào đến sống ở Trường Xuân Cung nơi hoàng hậu từng ở. Đồ đạc quần áo trang sức hoàng hậu từng dùng qua đều được giữ nguyên trạng trong hơn 40 năm, mỗi năm hoàng đế đều đích thân tới viếng.

Càn Long đế đích thân đặt thụy hiệu cho Phú Sát hoàng hậu là Hiếu Hiền hoàng hậu, Thanh triều trước đây chưa từng có tiền lệ. Ông nhớ lại di nguyện lúc sinh thời của hoàng hậu. Ngày trước Hoàng quý phi Cao Giai thị mất được ban tên thụy là Tuệ Hiền. Hoàng hậu ở bên cạnh nói rằng: “Thiếp ngày nào đó băng ngự quy thiên, có thể lấy hai chữ Hiếu Hiền làm thụy hiệu chăng?”

“Hiếu Hiền” là sự hình dung cả đời thục đức của hoàng hậu.

Càn Long cả đời viết bốn vạn bài thơ, nhưng thật sự có thể lưu truyền tới hậu thế chỉ có một trăm bài, hầu hết đều là vì thương tiếc Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu mà sáng tác.

Ví dụ như: “Cửu ngự hàm bị vị, đối chi hu nhược không.” Nghĩa là tam cung lục viện phi tần tề đủ cả, nhưng đối diện với họ cũng giống như đối diện với hư không.

Hoặc: “Nhẫn tụng quan sư tập, chu cầm dĩ đoạn huyền.” Ý nghĩa là ta từ đây không đành lòng đọc lại Thi kinh trong tập thơ ‘Quan sư’ nữa, bởi đàn của ta đã đứt dây rồi.

Năm Càn Long 80 tuổi lại một lần nữa đến bái trước mộ vợ, viết: “Tam thu biệt hốt nhĩ, nhất thưởng điện toan nhiên. Hạ nhật đông chi dạ, viễn kỳ chỉ trập niên.” Xa cách ba năm, đến cung nàng không nhịn được lại khóc. Ta tuổi đã già, cũng không muốn sống đến trăm năm, điều duy nhất an ủi chính là chục năm nữa lại có thể cùng nàng gặp nhau.

Mỗi năm ngày kị của hoàng hậu Càn Long đều đích thân tới, lần cuối cùng là năm ông 86 tuổi. Ông ngồi liền trên ghế cả nửa ngày. Mỗi khi có đại sự hay việc quan trọng, ông đều đến trước linh vị của hoàng hậu.

Thanh Phong

Xem thêm: