Vạn sự vạn vật trên thế gian, nhìn như rối ren, mỗi sự vật đều vận hành theo một cách riêng biệt, nhưng kỳ thực ở bên dưới đều có sự liên hệ mật thiết và tuân theo các quy luật vô cùng chi tiết và có trật tự. Do đó trong nền văn minh cổ đại có xuất hiện rất nhiều học thuyết như Thái Cực, Bát Quái, Ngũ Hành, v.v.. Những học thuyết này không chỉ hàm chứa vũ trụ quan của người xưa, mà kỳ thực còn hết sức đúng đắn và sâu sắc. Một điều đặc biệt là những điều này không chỉ tồn tại ở dạng lý thuyết, mà còn được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống như thói quen sinh hoạt, lựa chọn đất đai, xây dựng nhà cửa, làm việc làm người… Việc vận dụng ngũ hành trong kiến trúc là một ví dụ.

Người xưa giảng, Trời Đất vận động theo quy luật thống nhất, Đạo gia gọi đó là Đạo, Phật gia gọi đó là Pháp. Vật lý học hiện đại đã phát hiện được rằng ở hồng quan thì các dải thiên hà, tinh tú và vì sao đều vận hành theo quỹ đạo và quy luật của nó; ở mức vi quan, thế giới xung quanh chúng ta được cấu tạo bằng các loại nguyên tố khác nhau, mỗi nguyên tố lại được cấu tạo bằng cách sắp xếp nguyên tử, điện tử, v.v. rất có quy luật và khoa học. Đây chính là một thể hiện của Đạo.

Từng có một bảng so sánh và sắp xếp các nguyên tố vào phạm trù Ngũ Hành, không hề sai lệch. Điều đó để nói lên rằng học thuyết Ngũ Hành là tương hợp với khoa học hiện đại. Văn minh cổ đại cho rằng Ngũ Hành cấu thành nên vũ trụ chúng ta, khoa học ngày nay cũng cho rằng các nguyên tố hóa học cấu thành nên thế giới mà con người nhận thức được.

Xét về mặt thâm sâu và khái quát, nền văn minh cổ đại đã tiến rất xa so với khoa học hiện đại. Người cổ đại hiểu biết về mối quan hệ đối ứng giữa Trời, Đất và con người, gọi là Thiên-Địa-Nhân. Trời, Đất và con người, là không thể tách rời nhau. Vạn vật trong Trời Đất đều dựa vào trật tự mà hành. Con người không có quyền lực và năng lực vượt qua sự chế ước của “tương sinh tương khắc” Ngũ Hành và tính thống nhất giữa Trời, Đất và con người. Do đó, tất cả sinh hoạt của con người nên là tuân theo quy luật của trời đất.

Cũng vì thế, trong những kiến trúc quan trọng thời cổ đại, đặc biệt là các kiểu kiến trúc lớn như Hoàng cung, thì đều có bóng dáng của học thuyết Ngũ hành. Điều này thì từ Tử Cấm Thành của Trung Hoa cho đến Cố Đô Huế của nhà Nguyễn đều xuất hiện.

Ngũ hành trong kiến trúc của người xưa
Cố đô Huế. (Ảnh: WichitS, Shutterstock)

Cũng cần nói sơ qua về ý nghĩa của từng hành trong Ngũ Hành và khái niệm tương ứng về phương hướng trong kiến trúc học thời cổ đại. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong Ngũ hành là đối ứng với năm loại màu sắc, các mùa và phương hướng.

“Mộc” đối ứng với hướng đông, mùa xuân và màu xanh. Điều này tương ứng với một sự khởi đầu, vạn vật sinh sôi nảy nở, ôn hòa hướng về phía trước giống như thời điểm mặt trời bắt đầu mọc ở phương đông.

“Hỏa” đối ứng với hướng nam, mùa hạ và màu đỏ. Điều này tương ứng với sự nóng bức, hướng lên trên, hướng về phía trước, thịnh vượng và phát triển, giống như khi mặt trời đã nhô lên trên không trung.

“Kim” đối ứng với hướng tây, đối ứng với mùa thu và màu trắng. Điều này tương ứng với sự mát lạnh, đìu hiu và suy thoái, giống như mặt trời lặn ở phương tây.

Ngũ hành trong kiến trúc của người xưa
Tranh vẽ Tử Cấm Thành với ba vòng thành, tựa như chốn thiên đình, thể hiện hàm ý Thiên Nhân hợp nhất. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

“Thủy” đối ứng với hướng bắc, đối ứng với mùa đông và màu đen. Điều này tương ứng giá rét, lạnh lẽo và hướng xuống phía dưới, đêm khuya dài đằng đẵng.

“Thổ” đối ứng với trung tâm, chỗ giữa nhất, đối ứng với giữa mùa hè và màu vàng. Điều này tương ứng với sự dưỡng dục lâu dài và bền chắc.

Chính vì thế mà ở Hoàng cung, người ta chỉ lựa chọn màu xanh, màu vàng, màu đỏ để biểu thị và mong muốn điều may mắn, đại cát đại lợi. Đồng thời cách chọn hướng cũng tuân theo các màu này.

Chẳng hạn, màu xanh đối ứng với sinh cơ bừng bừng, tinh thần phấn chấn mạnh mẽ hướng lên trên. Bởi vậy vào thời đầu triều nhà Minh, ở cung điện phía đông của Tử Cấm Thành người ta lợp ngói lưu ly màu xanh.

Đến năm Gia Tĩnh, vì để biểu thị ý nghĩa kéo dài sự tôn quý của Hoàng triều nên người ta thay toàn bộ ngói lưu ly màu xanh thành ngói lưu ly màu vàng.

Màu xanh đối ứng với “Mộc” và mùa xuân nên phù hợp với sự lớn lên, hướng về phía trước của thanh thiếu niên. Vì thế cung điện của Thái tử được gọi là Đông Cung và mái được lợp bằng ngói lưu ly màu xanh.

Màu đỏ đối ứng với “Hỏa”, sự náo nhiệt, rực rỡ, hợp với ý tứ “quang minh chính đại”. Bởi vậy mà cung tường và điện trụ ở Tử Cấm Thành đều có màu đỏ.

Ngu hanh trong kien truc nguoi xua 03
Một góc Cố Cung buổi chiều tà. (Ảnh: YiYuanXinju, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Văn Uyên Các là thư phòng, nơi lưu trữ sách, hồ sơ quan trọng nên mái được lợp ngói màu đen và bức tường cũng không có màu đỏ mà là màu đen. Đó là bởi vì màu đen đại biểu cho “thủy”, “thủy” lại đại biểu cho mùa đông, mang ý cất giấu, sưu tầm, bảo tồn. Ngoài ra còn mang ý nghĩa màu đen là thuộc “thủy”, “thủy” khắc “hỏa” nên là nơi lưu trữ sách an toàn.

Màu vàng thuộc “thổ”, đại biểu cho sự trung tâm, mang ý nghĩa “chí tôn chí đại” (tôn quý nhất, to lớn nhất), có uy lực điều khiển, khống chế tứ phương. Vì vậy mà các vật dụng hàng ngày, đồ trang sức, cung điện của Hoàng cung đều có màu vàng.

Dựa theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: