Trong cuộc sống, khi gặp lúc thất bại, thoái chí nản lòng, người ta thường than thân trách phận rằng: Vì sao số phận của mình lại hẩm hiu như vậy? Tại sao mình lại không được may mắn bằng người khác? Nhưng trong đại đa số trường hợp, vận khí tốt xấu không phải chỉ là do số phận mà còn là do tự bản thân mình.

Ngẫm chuyện người vận khí tốt, người vận khí xấu
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Xưa kia, Tể tướng Tiêu Tử Lương triều nhà Lương từng hỏi Phạm Chẩn: “Cớ sao có người sinh ra đã có vận khí tốt, giàu sang phú quý, có người lại có vận khí kém, nghèo hèn?”

Phạm Chẩn trả lời ý tứ rằng: “Vận khí của một người giống như chiếc lá cây bị gió thổi bay, có chiếc được gió thổi bay đến rơi xuống một tấm đệm, có chiếc lại rơi xuống bùn lầy.”

Cách nói của Phạm Chẩn vẫn luôn được nhiều người công nhận. Nhưng kỳ thực, một người nếu như cả đời đều cảm thấy bản thân ở vào tình cảnh xấu, cảm thấy khó khăn khổ sở chất chồng, không may mắn, thì người ấy đã bị chính tâm lý của mình cầm tù rồi.

Các cụ già từng trải có thể chiêm nghiệm được rằng hành vi của một người sẽ cho thấy tương lai của người ấy, hơn nữa thường thường là chuẩn xác. Phật gia cũng cho rằng cảnh ngộ của một người là có nhân quả, do nghiệp và đức của người ấy quyết định, vậy nên Phật gia giảng Thiện, dùng cái Thiện để đối xử với mâu thuẫn, lấy thiện tâm mà xem xét hoàn cảnh bản thân, như vậy sẽ có thể thấu hiểu ý nghĩa nhân sinh, cảm thấy hạnh phúc và tự tại.

Con người trong xã hội hiện đại thì điểm yếu lớn nhất chính là “vị kỷ”. Chính vì “vị kỷ” nên mới thường xuyên thấy bản thân kém may mắn, mới thường xuyên thấy người may, ta rủi…

Thời cấp ba, tôi học ở một phòng học cao tầng. Cửa ra vào phòng học có hai cánh lớn. Mùa đông, gió chỉ thổi qua một cái là ai nấy đều lạnh buốt. Ngồi cạnh cánh cửa ra vào là một bạn nam mới chuyển đến. Mỗi lần có bạn quên không đóng cửa, bạn nam ấy lại đứng dậy khẽ đóng cửa lại. Lâu dần, động tác ấy trở thành thói quen, và thế là mỗi ngày bạn ấy phải đứng lên rất nhiều lần để đóng cửa cho mọi người đỡ lạnh.

Về sau này, bạn nam ấy dán lên cánh cửa tờ giấy có ghi dòng chữ: “Xin hãy tiện tay đóng cửa!” Nhưng kết quả là vẫn có người quên không đóng cửa.

Bạn nam ấy lại thay tờ giấy đó bằng một tờ giấy to hơn. Thời gian đầu, cách làm này rất hữu hiệu, nhưng không lâu sau thì mọi việc lại diễn ra như cũ. Luôn có người, cho dù là có nhắc nhở như thế nào đi nữa, cũng vẫn cứ quên không đóng cửa lại.

Sau này tôi mới hiểu rằng, trong cuộc sống, quả thực có một số người làm việc gì cũng luôn luôn suy nghĩ, cân nhắc cho người khác, hiểu được làm như thế nào để tiết kiệm được tâm trí và thời gian cho đối phương. Nhưng trái lại, có một số người lại hoàn toàn không hiểu, cũng không để ý.

Kỳ thực, có những người không phải là thật sự không hiểu mà là bởi vì ích kỷ nên mới “không hiểu”. Bởi vì ích kỷ, cho nên người ta không muốn cố gắng vì người khác. Họ khiến người khác phải mất thêm chút sức lực, mất thêm chút thời gian, thậm chí mang đến phiền toái cho người khác chính từ sự “vị kỷ” của họ. Khi cùng người khác làm việc, nếu một số việc không có sự phân chia rõ ràng, họ liền cho rằng việc đó không thuộc về bản thân mình. Rất nhiều sự tình là nhỏ nhặt, nhưng chính bởi vì là việc nhỏ mới càng dễ dàng bộc lộ rõ ra tính cách, nhân phẩm, đạo đức riêng của mỗi người.

Người ích kỷ nhiều khi không phải người kém thông minh, thậm chí nhiều người trong số họ là người rất khôn khéo. Nhưng người ích kỷ thông thường không bao giờ muốn chịu thiệt về mình. Họ thậm chí luôn cảm thấy bản thân là người thiệt thòi, luôn than vãn, luôn nói bản thân vận khí không tốt.

Người “vị kỷ” như vậy người khác tự nhiên sẽ không muốn có quan hệ gì với họ nữa, không muốn hợp tác, không muốn làm bạn, không muốn trao cho họ cơ hội… Ở bên họ cũng sẽ chỉ là những người “buộc phải chịu đựng”, hoặc là những người lợi dụng họ mà thôi.

Cổ nhân giảng: “Chịu thiệt là phúc”. Chịu thiệt cũng không phải là chuyện gì xấu cả, bởi vì khi bạn đối xử tốt với người khác thì chính là đang tích phúc khí cho mình, cuối cùng cũng sẽ được đền đáp thỏa đáng. Người xưa có câu: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, nhà nào tích luỹ điều thiện thì tất có thừa phúc. Cái Thiện tất nhiên còn có rất nhiều ý nghĩa sâu xa, nhưng một ý nghĩa dễ cảm thụ nhất chính là biết suy nghĩ cho người khác, biết vì người khác.

Trên thực tế, cơ hội, duyên phận, vận khí tốt xấu của một người chính là do nhân quả của tự bản thân người ấy. “Gió thổi lá bay”, xem ra là chuyện ngẫu nhiên thôi, nhưng thế gian này không có điều gì là không có quy luật của nó. Đạo mà Đạo gia bàn, Pháp mà Phật gia giảng, thậm chí vật lý học trong khoa học hiện đại, tất cả đều là thể hiện của các quy luật chi phối vũ trụ này. Thế nên những chuyện là “tự nhiên”, là “ngẫu nhiên”, xét đến cùng đều là có lý do của nó.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: