Âm nhạc cổ đại không chỉ có lịch sử lâu đời mà còn ẩn chứa quy luật vận hành của trời đất. Thời cổ đại, có rất nhiều âm nhạc gia chỉ nghe làn điệu của ca khúc đã đủ để biết trước điều gì sắp xảy đến, nhỏ là đối với cá nhân người sáng tác hay người hát, lớn hơn là tương lai của thiên hạ, quốc gia. Vậy trong ca khúc rốt cuộc có dấu hiệu huyền bí gì mà các âm nhạc gia thời cổ lại có thể nghe mà biết trước được tương lai?

Nghe nhạc biết thiên hạ sắp đại loạn

Trong “Thần Tiên thập di” có ghi chép: Vạn Bảo Thường là nhà soạn nhạc, sống vào triều đại nhà Tùy, từ nhỏ đã có thiên phú về âm nhạc. Có một lần ông gặp được một vị Thần Tiên điểm hóa, truyền cho pháp Bát âm diễn tấu – một loại hình âm nhạc sắp bị thất truyền. Ngoài ra, ông còn được vị Thần Tiên dạy cho âm nhạc của các triều đại, đồng thời sửa lại cho những chỗ sai lệch trong các khúc nhạc. Vạn Bảo Thường bởi vì được vị Thần Tiên truyền dạy nên từ đó về sau ông trở thành người tinh thông tất cả các loại nhạc ở nhân gian.

Trong “Tùy Thư. Vạn Bảo Thường truyện” viết: Vào năm đầu Tùy Văn Đế lên ngôi, đã phái quốc công Trịnh Dịch chỉnh sửa lại nhạc luật trong cung đình. Sau khi chỉnh sửa, Tùy Văn Đế triệu kiến Vạn Bảo Thường và hỏi xem Trịnh Dịch sửa nhạc như vậy đã được chưa. Vạn Bảo Thường đáp: “Đây là âm nhạc vong quốc, cũng không phải loại âm điệu Bệ hạ nên nghe”. Đồng thời Vạn Bảo Thường cũng cực lực phản đối loại âm nhạc này.

Lúc ấy, Tùy Văn Đế đã hạ chiếu yêu cầu Vạn Bảo Thường sáng tác một khúc nhạc mới khác. Khúc nhạc mới do Bảo Thường sáng tác có âm điệu tao nhã, bình thản nhưng người thời đó không thích nghe, nhiều người còn bài xích nhạc của ông.

Một lần, Vạn Bảo Thường nghe được Đại thường tự (nhóm nhạc công của triều đình nhà Tùy) diễn tấu một ca khúc. Sau khi nghe xong, ông rơi lệ mà khóc. Mọi người thấy vậy liền hỏi ông vì sao mà khóc. Ông đáp: “Ca khúc này âm thanh vừa phóng túng vừa dâm lệ mà bi ai, biểu thị rằng không lâu nữa người trong thiên hạ sẽ tự giết hại lẫn nhau, hơn nữa mọi người gần như bị giết sạch”.

Lúc ấy đúng vào thời kỳ nhà Tùy đang hưng thịnh, thiên hạ thái bình nên mọi người nghe thấy Bảo Thường nói như vậy, ai nấy đều không tin, thậm chí cho rằng ông nói xằng bậy. Tùy Văn Đế trị vì đến năm 604 thì bị con là Tùy Dạng Đế sát hại chiếm ngôi. Trong những năm đầu trị vì, Tùy Dạng Đế đã lập nhiều công trạng nhưng càng về sau, ông ta càng bỏ bê chính sự, trọng dụng gian thần, xa lánh trung lương, lại tăng thuế nhằm phục vụ cho việc xây dựng những cung điện, vườn ngự xa hoa làm nơi hưởng lạc, bóc lột sức dân xây thành đắp sông, tuyển mộ hàng loạt tú nữ vào cung, say đắm vào tửu sắc, lại nhiều lần mở các cuộc chiến tranh khiến quân tướng tổn hao, lòng dân oán hận. Cuối thời Tùy Dạng Đế, quần hùng nổi dậy, triều Tùy dần đi vào con đường suy vong. Đây quả nhiên đúng như lời của Bảo Thường tiên đoán.

Không chịu thần phục, Cao Câu Ly đánh bại 1,1 triệu quân "Thiên Triều"
Tùy Dạng Đế. (Tranh qua Wikipedia)

Trong “Lô Thị tạp thuyết” có ghi chép rằng, Tùy Dạng Đế là vị vua thứ hai của nhà Tùy. Ông đặc biệt thích đi tuần du bên ngoài kinh thành Lạc Dương. Khi Tùy Dạng Đế sắp đi ngao du ở Giang Đô, Dương Châu. Người con trai của nhạc công Vương Lệnh Ngôn từ cung trở về nhà. Vương Lệnh Ngôn hỏi con trai rằng: “Hôm nay con đã trình diễn cho Hoàng Thượng nghe ca khúc gì?”

Con trai của ông trả lời: “Là ca khúc ‘An công tử’.”

Vương Lệnh Ngôn bảo con trai diễn tấu ca khúc đó một lần. Sau khi nghe xong, ông nói: “Con đừng theo Hoàng đế đi đến Giang Đô. Trong ca khúc này không có cung thanh, mà cung đại biểu cho Vua, nên Hoàng thượng nhất định sẽ không trở về!”

Về sau, sự việc diễn ra đúng như lời Vương Lệnh Ngôn nói, Tùy Dạng Đế bị ám sát bỏ mạng ở Giang Đô.

Tiếng nhạc bất hòa báo trước có tai họa

Trong “Đường Ngữ Lâm” có ghi chép: Vào những năm cuối niên hiệu Khai Nguyên triều nhà Đường, đô đốc Tây Lương phủ đã hiến dâng lên Hoàng đế Đường Huyền Tông một ca khúc. Hoàng đế Đường Huyền Tông liền mở tiệc chiêu đãi để cho các chư vương cùng thưởng thức. Sau khi ca khúc kết thúc, tất cả mọi người đều nói lời chúc mừng nhưng chỉ có anh trai của Đường Huyền Tông là Ninh Vương im lặng không nói lời nào.

Hoàng đế Đường Huyền Tông liền hỏi duyên cớ, Ninh Vương đáp:

“Làn điệu này tuy rằng đẹp đẽ, nhưng thần nghe nói, một bản nhạc nên là bắt đầu từ cung âm và kết thúc bằng cung thương, ở giữa là các âm giốc, chủy, vũ, phối hợp phải ăn khớp. Nhưng khúc nhạc này, đoạn mở đầu thì không phải cung điệu, ở giữa cũng dùng rất ít âm chủy, mà điệu thương thuyên chuyển hỗn độn, hơn nữa còn có xu thế mạnh mẽ.

Thần còn nghe nói, trong ngũ âm, cung là đại biểu cho quân vương, thương là đại biểu cho hạ thần. Một bản nhạc mà cung điệu không mạnh tức thì thế lực của quân vương yếu ớt, thương điệu quá mạnh thì là có dấu hiệu tác loạn phạm thượng. Những sự tình có trong âm luật, thể hiện ở trong lời ca thì cuối cùng cũng có ngày ứng nghiệm ở đời thường. Thần e là sẽ có loạn thần tác loạn, e rằng Bệ hạ sẽ bị nạn phải sống lưu lạc. Những điều ấy đều được báo trước trong ca khúc này!”

Hoàng đế Đường Huyền Tông vốn tinh thông âm luật nghe xong những lời của Ninh Vương thì trầm mặc, không nói lời nào. Sau đó không lâu, quả nhiên có loạn An Sử xảy ra, chứng thực lời tiên đoán của Ninh Vương.

Trong “Ngọc Đường Nhàn thoại” có ghi: Vào năm đầu niên hiệu Thanh Thái thời cuối nhà Đường, Vương Nhân Dụ nhậm chức ở đất Lương Uyển. Lúc ấy, Phạm Duyên Quang canh giữ ở vùng đất này. Đầu xuân năm Thanh Thái thứ nhất, Phạm Duyên Quang dẫn những người phụ tá đến vùng ngoại ô làm lễ tiễn biệt sứ thần, trong buổi lễ có tấu nhạc góp vui. Nhưng làn điệu của ca khúc lại rất hỗn loạn, không hài hòa.

Vương Nhân Dụ nghe xong cảm thấy rất bất an. Ông nói với vị quan viên ngồi cạnh mình: “Hôm nay nhất định sẽ có việc xảy ra. Đây là điềm báo phát ra từ tiếng nhạc bất hòa. Khúc nhạc vừa rồi đều mang âm điệu vũ, chỉ có duy nhất một nhạc cụ phát ra cung thanh. Vũ là thủy, cung là thổ, khí hậu tương khắc như thế, có thể không khiến người ta lo lắng sao?”

Sau khi buổi lễ tiệc tan, sứ thần của triều đình đi về phía tây. Phạm Duyên Quang dẫn các vị tân khách đi săn. Trên đường đi, ông bị ngã mà rơi vào hôn mê. Sau nhiều canh giờ ông mới tỉnh dậy.

Văn Thiên Tường nghe ca khúc biết vận mệnh triều Nam Tống

Trong tác phẩm “Chí Chính Trực Ký” viết: Năm 1278, triều đại Nam Tống bại trận, thừa tướng Văn Thiên Tường bị quân Nguyên áp giải vào kinh. Lúc ấy, quân Mông Cổ đánh thắng trận nên mọi người cùng nhau ca bài “A Lạt Lai”. Văn Thiên Tường nghe ca khúc này, trong lòng chấn động vô cùng liền hỏi một quan quân Mông Cổ: “Ca khúc này đến từ đâu?”

Quan quân Mông Cổ đáp: “Ca khúc này bắt nguồn từ phương bắc, là ca khúc của triều chúng ta.”

Văn Thiên Tường nghe xong liền thở dài nói: “Đây đúng là âm Hoàng Chung, người Nam Tống sẽ không bao giờ phục hưng được nữa!”

Hoàng Chung là âm cung, đại biểu cho quân vương. Quân Mông Cổ hát ca khúc ấy thì đại biểu họ đã là quân vương ở đất Nam Tống rồi. Văn Thiên Tường nghe ca khúc ấy thì hiểu rằng vận mệnh của triều đại Nam Tống diệt vong từ đây.

Một chuyện cổ kỳ lạ về tiếng đàn siêu phàm thoát tục
(Tranh: Tống Huy Tông, Wikipedia, Public Domain)

Trong “Nhạc Ký” viết, âm nhạc trị thế thường an ổn tường hòa, âm nhạc loạn thế thường oán giận phẫn nộ, âm nhạc mất nước thì bi thương hoài niệm. Trong “ngũ âm”, cung là Vua, thương là thần, giốc là dân, chủy là sự, vũ là vật. Một ca khúc sẽ bắt đầu từ cung âm, ở giữa là cung giốc, chủy, vũ và kết thúc bằng cung thương. Điều này có ý nghĩa rằng, quân vương dẫn dắt đất nước, lấy dân chúng, sự việc làm trung tâm, văn thần võ tướng theo sau bảo vệ quốc gia, như vậy tắc thì dân an nước mạnh. Cho nên, các bậc thánh vương minh quân thời cổ đại đều tận sức đề xướng đức âm nhã nhạc, coi trọng lễ nhạc giáo hóa mà đạt được quốc thái dân an.

Trong “Hoàng Đế Nội Kinh” viết: “Giốc vi mộc âm thông vu can, trưng vi hỏa âm thông vu tâm, cung vi thổ âm thông vu tì, vũ vi thủy âm thông vu thận, thương vi kim âm thông vu phế.” (tạm dịch: Gốc là mộc, tương thông với gan. Chủy là hỏa, tương thông với tim. Cung là thổ, tương thông với tì. Vũ là thủy, tương thông với thận. Thương là kim, tương thông với phổi). Ngũ âm đối ứng với ngũ hành, ngũ tạng và có mối liên hệ với vạn sự vạn vật trong thiên nhiên. Âm nhạc gia thời cổ đại căn cứ vào sự biến hóa của ngũ âm sẽ đoán biết được sự hưng suy của đất nước. Nếu ngũ âm hài hòa, thuận theo sự vận hành của trời đất thì quốc gia hưng thịnh và ngược lại. Trong “Nhạc ký” viết: “Muốn biết tình trạng chính trị của một quốc gia chỉ cần xem âm nhạc của quốc gia ấy là có thể biết”. Bởi vậy có thể thấy được tầm ảnh hưởng của âm nhạc đối với xã hội là to lớn phi thường, đồng thời cũng thấy được âm nhạc cổ đại Trung Hoa thật vô cùng huyền bí.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: