Dù trí tưởng tượng có phong phú đến đâu, người ta cũng không thể ngờ rằng giới trẻ, trẻ em tuổi mới lớn hay thậm chí là những em bé nhỏ tuổi hơn lại phải đối diện với những cuốn “dâm thư”, ngay trong không gian mà người lớn dành cho chính các em…

Nếu là dân nghiền đủ các thể loại sách và hay dạo chơi trên các phố sách, người ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng những cuốn tiểu thuyết kích dục hoặc có tình tiết gợi dục thô thiển đang bày bán tràn lan và công khai trên các giá sách, nấp dưới đủ kiểu vỏ bọc: tác phẩm văn học thế giới, truyện chưởng, truyện ngôn tình… Không ai quản lý, không ai ngăn cấm.

Người tiêu thụ những cuốn sách đó là ai?

Xin thưa, phần rất lớn là những cô cậu học sinh vẫn đang trong độ tuổi đến trường.

Bố mẹ các em, vì bận bịu, và cũng vì chiều lòng con, mà bỏ tiền ra mua những tác phẩm đó – hẳn là với mong muốn để con phát triển khả năng đọc, hay chí ít cũng là giải trí sau những giờ “nhồi kiến thức” quá khô khan.

Nhưng có một sự thật về một phần không nhỏ trong các cuốn tiểu thuyết mà các em thích đọc: chúng là những cuốn “dâm thư”.

Có ai thật sự nhận ra ảnh hưởng sâu sắc về tâm sinh lý mà những cuốn sách ấy mang lại cho lứa tuổi học trò? Quan hệ sớm, giành giật người yêu và những cái thai phải phá…

Chưa hết, những cuốn tiểu thuyết ấy có thể khiến một cô bé học sinh cấp 2 tự hào tuyên bố rằng: “Em là một con hủ nữ” (ám chỉ rằng cô bé mê đọc chuyện đồng tính nam). Không biết bố mẹ em sẽ nghĩ gì khi biết rằng chính những cuốn sách mà họ tặng em đã góp phần khiến em mắc bệnh trầm cảm.

Tất nhiên, sẽ có không ít người biện minh cho sự tồn tại của những loại sách này. “Xã hội phát triển rồi”, “Tây cũng thế”… Đó đâu phải là phát triển, mà chính là đảo lộn đúng sai, lấy xấu thành đẹp, lấy nhơ nhuốc thành mỹ miều.

Ngày nay, có nhiều nhà văn nổi tiếng, là nhà văn được yêu thích tầm cỡ thế giới, thậm chí là ứng viên Nobel, viết về đề tài tính dục. Có rất nhiều người liệt kê những tác phẩm ăn khách thuộc dạng “dâm thư” ấy để làm thước đo. Nhưng các vị phụ huynh có nhận ra hay không? Đằng sau những tác phẩm đó là tâm lý gì? Các nhân vật trong đó lại mang tâm sinh lý gì? Và tác giả phải đưa bản thân vào trạng thái nào để viết ra được những thứ đó? Không ít nhà văn ăn khách ngày nay đang viết tiểu thuyết với “mặt tối của tâm hồn”.

Tâm người như vật chứa, đưa vào thứ gì thì sẽ thành ra thứ đó. Một bình đựng đầy nước bẩn, dù bề ngoài có đẹp đẽ tới đâu, thì vẫn là một “bình nước bẩn”. Một đứa trẻ trường kỳ tiếp xúc với những thứ này liệu có thể trở thành một đứa trẻ tốt được không?

Mà không chỉ sách.

Còn nhớ mấy năm trước, ngay tại cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội, người ta đã công khai bày bán loại “bánh tờ rim” mang hình ảnh bộ phận sinh dục của nam giới, không thiếu khách hàng là trẻ em mua thử để ăn.

Các phụ huynh có nên quan tâm không?

Đâu là điểm dừng?

Ninh Sơn

Xem thêm:

Mời xem video: