Thời cổ đại, “Nhân” trở thành nội dung căn bản và quan trọng trong hệ thống đạo đức truyền thống. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, hành vi và hình thái xã hội của người xưa. Nhưng người chỉ có lòng nhân mà không có trí thì thường dễ trở nên mù quáng, bị người khác lừa gạt và khó để thực sự hành “nhân”. Cho nên tu dưỡng “trí” là điều quan trọng và song hành với lòng nhân, người quân tử cũng được xưng là bậc trí giả.

Bậc trí giả trong lý niệm của cổ nhân
(Tranh minh họa: Tranh thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Trong chữ Hán cổ thì “Trí” (智) là chữ Hội ý được cấu tạo từ hai chữ là “Tri” (知) chỉ sự hiểu biết và “Nhật” (日) chỉ mặt trời, sự sáng suốt, tỏ tường. Như vậy, chữ “Trí” có thể hiểu là điều gì cũng minh bạch, không gì là không biết.

Chữ “Tri” (知) lại bao gồm chữ “Thỉ” (矢) đứng ghép với chữ “Khẩu” (口). Trong đó “Thỉ” có nghĩa là mũi tên, nghĩa rộng là chỉ sự chính trực, ngay thẳng, nghiêm chỉnh. Kết hợp với chữ “Khẩu” (口) để chỉ lời nói ra là không có hối hận, hối tiếc.

“Tri” là chữ cổ của chữ “Trí”. Phải thông hiểu đạo của Trời Đất, hiểu thâm sâu cái lý của nhân gian thì mới được gọi là “Trí”, cũng được gọi là “Tri”. Hơn nữa “Tri” “Trí” chân chính (sự thông hiểu chân chính) nhất định phải là chân lý, nhất định là chân tướng, cũng nhất định là không đi chệch khỏi đạo đức nhân nghĩa. “Trí” bởi vậy còn mang ý nghĩa chỉ bản tính không ác, có lỗi thì nhất định sẽ sửa chữa, gặp việc thiện thì nhất định sẽ làm, chuyên tâm học tập bậc thánh hiền, tế thế cứu người. Đây vừa là tiêu chuẩn, vừa thể hiện vẻ đẹp của “Trí”.

“Trí giả bất hoặc”, bậc trí giả thì không bị mê. Người có kiến thức sâu rộng, biết quan sát và phân biệt, có năng lực phán đoán sự vật, nhìn xa trông rộng thì được xưng là người có trí.

Trí lực của con người là có cao thấp. “Đa kiến nhi thức chi, trí chi thứ dã”, tức là thấy nhiều mà biết được thì chỉ là hạng “Trí” bình thường. “Hảo trí bất hảo học, kì tệ dã đãng”, một người mong muốn bản thân mình có trí tuệ, nhưng lại không thích học tập thì sẽ trở thành người khôn vặt, phóng túng và không có gốc.

“Lí nhân vi mĩ, trạch bất xử nhân, yên đắc trí”, nơi có đức nhân là nơi tốt đẹp, chọn ở nơi không có nhân, sao được gọi là “trí”? Tu dưỡng của con người là nằm ở cảnh giới “nhân”. Nếu một người mà không hiểu “nhân” là cảnh giới tinh thần mà mình cần đạt đến, thì sao có thể được xem là bậc trí giả được?

“Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân”, chính là muốn nói rằng, người “nhân” ở vào hoàn cảnh giàu hay nghèo, khổ hay vui, thì họ đều không lung lay, dao động. Chỉ có bậc trí giả mới có thể nhìn thấy chỗ tốt của đạo “nhân”, mới có thể cố gắng đạt được tiêu chuẩn của “nhân” và phổ biến nó. “Nhân” là cái gốc của trí tuệ, còn trí tuệ là để thi hành đạo nhân.

“Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị trí hĩ”, người làm vua, làm quan thì phải cố gắng dẫn dắt dân chúng theo đạo nghĩa, tôn kính Thần linh nhưng không sa vào việc nhờ cậy Thần linh mù quáng, mà phải biết làm tròn phận sự của vua quan một nước.

Người bình thường mong muốn đạt tới cảnh giới của bậc trí giả thì cũng phải biết người, hiểu người, phân biệt rõ chính và tà, đạo và phi đạo để kết giao, hành xử thì mới được xem là người trí tuệ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: