Vương Dương Minh là một nhà giáo dục của triều Minh, một nhà Nho văn võ song toàn, tên tuổi sánh cùng Mạnh Tử, Chu Hy. Chuyện kể rằng từng có hai cha con nảy sinh kiện tụng, tìm tới ông để phân định đúng sai. Vương Dương Minh chỉ nói vài lời mà họ đã xấu hổ ra về. Có người hỏi, Vương Dương Minh bèn đáp: “Ta nói vua Thuấn luôn tự thấy mình bất hiếu, còn cha của Thuấn thì luôn cảm thấy mình là kẻ nhân từ.” Kỳ thực vua Thuấn là một người trong Nhị thập tứ hiếu – 24 tấm gương hiếu thảo của Trung Hoa. Vậy thì vì sao lại nói ông luôn tự thấy mình bất hiếu?

Vua Thuấn được coi là một trong những thuỷ tổ của nền văn hoá Trung Hoa, đặt nền móng cho những giá trị đạo đức xuyên suốt hàng nghìn năm. Sách sử chép rằng Vua Nghiêu gả hai con gái cho Thuấn, hai con gái đều không kiêu mạn, giữ đạo làm vợ. Chín người con trai của vua Nghiêu tiếp xúc với Thuấn đều ngày một thuần hậu, kính cẩn. Thuấn cày ở Lịch Sơn thì người Lịch Sơn đều nhường bờ ruộng; bắt cá ở Lôi Trạch thì người Lôi Trạch đều nhường chỗ ở; làm gốm ven Hoàng Hà thì đồ gốm ven Hoàng Hà đều không còn thứ thô xấu. Sử ký chép rằng: “Sau một năm thì nơi Thuấn ở thành thôn xóm, sau hai năm thành thành ấp, sau ba năm thành đô thị”.

Vì sao vua Thuấn hiểu thảo luôn tự thấy mình bất hiếu?
Vua Thuấn cày ruộng ở Lịch Sơn. (Tranh: Họa sĩ Utagawa Kuniyoshi, British Museum, Public Domain)

Vua Thuấn cũng nổi tiếng là người hiếu thuận. Năm 12 tuổi, sự hiếu thuận của ông đã lưu truyền tiếng thơm khắp các vùng. Cha của Thuấn tên là Cổ Tẩu. Thân mẫu của vua Thuấn mất sớm, mẹ kế lại độc ác. Bà sinh ra một người con trai, đặt tên là Tượng, cũng cao ngạo hư hỏng.

Mẹ kế thường nói xấu Thuấn trước mặt Cổ Tẩu, nên ba người nhiều lần nghĩ cách muốn hãm hại Thuấn. Họ từng gọi Thuấn tới sửa kho gạo, sau đó phóng hoả đốt, còn bảo Thuấn đi đào giếng và thừa cơ ném đá xuống lấp giếng làm nấm mồ chôn sống ông… Nhưng Thuấn được Trời cao bảo hộ, lần nào cũng thoát khỏi tai hoạ một cách thần kỳ.

Mặc dù bị ngược đãi như vậy, nhưng Thuấn vẫn dùng đức báo oán, vẫn cung kính tận lễ với cha mẹ, không chút oán thán hay biếng nhác. Ông vẫn chung sống với Tượng rất mực yêu thương, nhân từ. Tượng từng tưởng rằng mưu sát Thuấn thành công, vội tới nhà Thuấn chuẩn bị cướp hai vợ của ông cùng sản nghiệp của ông. Vậy mà khi Thuấn về tới nhà vẫn đối xử chan hòa với người em cùng cha khác mẹ.

Tương truyền lòng hiếu thuận của Thuấn đã cảm hóa cả thiên nhiên. Khi ông cày ruộng ở Lịch Sơn, voi đến xới đất giùm, chim chóc bay về giúp nhổ cỏ.

Vua Nghiêu trực tiếp tới gặp Ngu Thuấn lúc ông đang làm đồng, mời ông về để quan sát sự đức độ, mong muốn truyền ngôi.

Vậy vì sao Vương Dương Minh lại nói “vua Thuấn luôn tự thấy mình bất hiếu, còn cha của Thuấn thì luôn cảm thấy mình là kẻ nhân từ”? Vương Dương Minh giải thích rằng:

Thuấn thường tự cho rằng mình vô cùng bất hiếu nên mới có thể hiếu thuận. Cổ Tẩu thường cho rằng mình là người cha nhân từ, nên mới không nhân từ.

Cổ Tẩu vẫn luôn nghĩ rằng: Thuấn do mình nuôi nấng từ nhỏ đến lớn, sao bây giờ lại không khiến mình vui vẻ? Nhưng ông lại không biết rằng mình đã bị vợ lẽ bưng bít. Ông cho rằng mình vốn rất nhân từ, đó là lý do tại sao ông không thể nhân từ.

Thuấn chỉ nghĩ, khi mình còn nhỏ cha đã thương yêu mình thế nào, hiện giờ không thương yêu mình nữa, là vì mình chưa tận hiếu. Nên hàng ngày ông suy nghĩ về những điểm mình còn chưa thể tận hiếu, vậy nên ông lại càng trở nên hiếu thuận.

Cuối cùng sau này, Thuấn khiến Cổ Tẩu, mẹ kế, và em hiểu ra, trong tâm vô cùng hối hận. Từ đó mà Thuấn đã trở thành bậc đại hiếu cổ kim.

Vương Dương Minh lấy câu chuyện này khuyên nhủ hai cha con nhà nọ, khiến mỗi người có thể quay lại nhìn nhận bản thân, làm con liệu mình có từng nghĩ mình bất hiếu chưa, làm cha liệu có từng nghĩ tới hoàn cảnh của con chưa, từ đó cả hai đều nhận ra sai sót của mình.

Kỳ thực trong cách chúng ta đối nhân xử thế cũng là đạo lý này. Khi gặp mâu thuẫn, chúng ta thường tìm những thiếu sót của người khác, nhưng lại không thể như Thuấn, dẫu gặp phải chuyện gì cũng đều chỉ tìm sự thiếu sót của bản thân và những điều mình đã sai. Gặp mâu thuẫn mà cho rằng “mình đúng, người sai” thì làm sao có thể hóa giải mâu thuẫn được? Khi một người có thể xoay ngược vấn đề, đứng ở cơ điểm “người đúng, ta sai”, có thể tìm lỗi của bản thân, làm được như vậy thì mâu thuẫn dẫu lớn tới đâu cũng sẽ được hoá giải.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: