Nguyễn Sư Mạnh sinh năm 1458 ở làng Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Tây. Ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa thi Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) đời vua Lê Thánh Tông. Ông được bổ làm quan Thượng thư Bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu.

Thời đấy quan hệ giữa Đại Việt và nhà Minh có nhiều bất hòa. Là người tài giỏi lại hiểu biết rộng, Nguyễn Sư Mạnh được vua giao cho đi sứ sang nhà Minh vào năm 1500.

Vị sứ thần kỳ tài khiến vua Minh khâm phục phong lưỡng quốc thượng thư
Nhà thờ lưỡng quốc thượng thư Nguyễn Sư Mạnh. (Theo gia phả họ Nguyễn Sư Mạnh, Ba Vì, Hà Nội)

Khi đến kinh thành yết kiến vua nhà Minh, Nguyễn Sư Mạnh sơ ý không cài khuy áo, để hở cả bụng. Hoàng đế nhà Minh giận lắm, cho rằng sứ thần Đại Việt dám khi quân, thất lễ, định trục xuất về nước. Nguyễn Sư Mạnh liền tâu rằng: ”Vì đường sá xa xôi, bụng thần đầy chữ, nhiều ngày đi đường âm u, ẩm ướt, sợ khú mất chữ thánh hiền, thần xin được phanh áo ra hong, mong nhà vua đại xá”.

Thấy sứ của Đại Việt đã thất lễ lại còn mồm mép, Hoàng đế nhà Minh bèn nghĩ cách thử tài, cũng là lấy lý do để trị tội, nên liền ban chiếu chỉ: ”Nếu sứ thần nước Nam là người hay chữ thì hãy giúp thiên triều chép lại thiên ‘Vi Chính’ trong sách ‘Luận ngữ’ mới bị thất lạc”. Nhà vua cũng yêu cầu rằng “Trong 30 ngày phải hoàn tất”.

Trong 30 ngày này, Nguyễn Sư Mạnh bị giữ trong dinh trại không được ra ngoài, Hoàng đế nhà Minh cũng cho người giám sát, tiên đoán ông sẽ không làm nổi và sẽ mang ra trị tội.

Lạ thay Nguyễn Sư Mạnh không hề lo lắng hay vội vàng gì cả, suốt ngày vẫn vui vẻ và chơi cờ. Đến ngày thứ 25, Hoàng đế nhà Minh phải cho người nhắc nhở. Bấy giờ Nguyễn Sư Mạnh liền trả lời rằng: “Ngày mai thần sẽ viết”.

Đến ngày thứ 29, Nguyễn Sư Mạnh dâng thiên “Vi Chính” cho Hoàng đế nhà Minh. Nhà vua kinh ngạc khi thấy vị sứ thần của Đại Việt chép lại không khác gì bản chính cả. Nhưng Hoàng đế nhà Minh cũng quyết tìm ra một lỗi gì nhỏ nhất để bắt tội, nên dò lại chi tiết đến từng nét chữ, cuối cùng cũng phát hiện được chữ “công” có viết thừa một dấu chấm.

Khi bị Hoàng đế nhà Minh hạch tội thừa một dấu chấm, Nguyễn Sư Mạnh cũng khẳng khái nói rằng: ”Nếu thần viết thừa dấu chấm thì chắc chắn bản gốc của thượng quốc cũng thừa.”

Hoàng đế nhà Minh liền cho đối chiếu với bản gốc thì thấy rằng đúng là bản gốc có thừa một dấu chấm thật. Đến lúc này Hoàng đế nhà Minh quá phục tài sứ thần Đại Việt. Biết ở Đại Việt Nguyễn Sư Mạnh giữ chức thượng thư, Hoàng đế nhà Minh bèn phong cho ông chức thượng thư của nhà Minh nữa. Vậy nên Nguyễn Sư Mạnh đã trở thành ”Lưỡng quốc thượng thư”.

Vị sứ thần kỳ tài khiến vua Minh khâm phục phong lưỡng quốc thượng thư
Khu mộ nơi lưỡng quốc thượng thư Nguyễn Sư Mạnh an nghỉ. (Theo gia phả họ Nguyễn Sư Mạnh, Ba Vì, Hà Nội)

Sau khi về nước, Nguyễn Sư Mạnh được vua Lê tin dùng, được ban quốc tính (tức họ của Vua), được gả công chúa và phong chức Vinh Lộc Đại Phu, trông coi Viện Hàn lâm, kiêm Đông các Đại học sĩ. Tuy vậy, ông vẫn sống giản dị, cửa nhà đơn sơ, thọ đến 82 tuổi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: