Trong các cuộc chiến chống quân Nguyên bảo vệ đất nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh. Trong những người đó có Tả Phó Đô Ngự Sử Bạt Hải Hữu Tướng Quân Vũ Hải, ông đã dũng cảm hy sinh khi quyết xông thẳng vào lâu thuyền nhằm bắt sống Ô Mã Nhi.

Vũ Hải: Vị tướng quân nhà Trần hy sinh khi quyết tiến vào lâu thuyền bắt Ô Mã Nhi
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Chống quân Nguyên lần 2: Chặn đánh thủy quân Toa Đô

Vũ Hải sinh năm 1252 thời nhà Trần ở vùng đất Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Miền đất này nổi tiếng trong sử Việt là nơi xuất sinh những danh tướng như Trương Nữu phò tá Phùng Hưng, tướng quân Vũ Hội thời vua Lê Uy Mục, Võ Trạng nguyên Mạc Đăng Dung – người lập ra nhà Mạc.

Vũ Hải không chỉ giỏi võ nghệ mà còn có tài văn chương, có sức khỏe địch muôn người. Năm1269 khi 17 tuổi, ông lên Kinh thành tham gia cuộc thi võ và đỗ võ tướng, được lĩnh chức Đô Chỉ huy Thiêm sự.

Năm 1285, quân Nguyên tiến đánh Đại Việt lần thứ hai, 50 vạn đại quân (tính cả phu phen) rầm rộ từ phía bắc tiến xuống. 20 vạn quân của Toa Đô sau khi bị sa lầy ở Chiêm Thành cũng đánh ngược từ phía nam lên. (Xem bài: Quá trình Chiêm Thành cầm cự trước đội quân hùng mạnh nhất thế giới)

Bấy giờ, tướng Trần Kiện không đánh mà đem quân ra hàng, rồi dẫn quân Nguyên đánh úp quân Đại Việt. Việc Trần Kiện phản bội khiến quân Đại Việt không giữ được mà phải rút khỏi Nghệ An và Thanh Hóa, Toa Đô dễ dàng chiếm Bố Chính (Quảng Bình ngày nay), Nghệ An và Thanh Hóa.

Đại Việt hai đầu thọ địch, Hưng Đạo Vương cho quân chủ lực tránh đi nhằm bảo toàn lực lượng, Toa Đô đưa quân truy bắt vua Trần.

Sau khi củng cố lực lượng, Hưng Đạo Vương quyết định phản công, không để cho quân của Toa Đô và Thoát Hoan liên kết được với nhau. Trận quyết chiến này diễn ra ở Hàm Tử – Tây Kết. Vũ Hải được giao chỉ huy một đội thủy binh chặn đánh thủy quân của Toa Đô. Trong trận này quân Nguyên bị đánh bại, Toa Đô tử trận.

Sau khi chiến thắng quân Nguyên, Vũ Hải nhờ góp công lớn nên được phong làm Tả Phó Đô Ngự Sử.

Chống quân Nguyên lần 3: Quyết bắt sống Ô Mã Nhi

Cuối năm 1287, Thoát Hoan thống lĩnh 50 vạn quân và phu phen tiến đánh Đại Việt lần thứ 3. Lần này Vũ Hải được phong làm Bát Hải Hữu Tướng Quân, đem hơn 5000 quân thủy trấn giữ ở Bình Than, ông cũng về quê nhà ở trang Du Lễ tìm trai tráng giỏi nghề bơi lội tham gia chống giặc.

Bấy giờ Ô Mã Nhi chỉ huy thủy binh quân Nguyên đi qua Vân Đồn. Trần Khánh Dư nhận thấy quân Nguyên có 650 chiến thuyền, quân mình chỉ có 100 thuyền, tất không thể chặn nổi, liền để quân Nguyên đi qua rồi chuẩn bị đánh thuyền chở quân lương đi sau. Ô Mã Nhi tiến quân không thấy có ai cản thì cho quân tiến nhanh đến Thăng Long khiến đội thuyền lương của Trương Văn Hổ tụt lại phía sau.

Đầu năm 1288, thuyền lương của Trương Văn Hổ đến Vân Đồn thì bị quân của Trần Khánh Dư ra đánh. Toàn bộ 70 vạn thạch lương bị đánh đắm xuống biển. (Xem bài: Chiến công trọng yếu tại Vân Đồn của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư)

Không có lương thực, lại bị các cánh quân nhỏ của Đại Việt đánh liên tục, trong khi quân chủ lực của Đại Việt không biết ở đâu. Sau 3 tháng bị hết lương thực và sa lầy ở Đại Việt, quân Nguyên quyết định rút về nước qua 2 đường thủy bộ.

Vũ Hải nhận lệnh chặn thủy quân Ô Mã Nhi ở sông Bạch Đằng. Trong trận Bạch Đằng nổi tiếng này, Vũ Hải dẫn quân đánh sâu vào đội hình quân Nguyên truy tìm Ô Mã Nhi. Bị quân Nguyên chặn lại, ông vẫn nhắm hướng lâu thuyền của Ô Mã Nhi tiến đến trước sự ngăn cản quyết liệt của quân Nguyên.

Vũ Hải: Vị tướng quân nhà Trần hy sinh khi quyết tiến vào lâu thuyền bắt Ô Mã Nhi
Tái hiện bãi cọc ngầm trận Bạch Đằng. (Ảnh: Goodmorninghpvn, Wikipedia, Public Domain)

Trước sự tấn công của Vũ Hải, Ô Mã Nhi bị thương phải nhảy xuống sông bỏ trốn. Quân Nguyên cũng khiến Vũ Hải bị thương nặng và hy sinh. Ô Mã Nhi dù nhảy xuống sông nhưng cũng không thoát được và bị bắt sống.

Tướng quân Vũ Hải được vua Trần Nhân Tông truy phong là Bát Hải Đại Vương, cho lập đền thờ ông ở quê nhà. Tại trang Du Lễ, nhân dân gọi Đền thờ Vũ Hải là Miếu Đông để phân biệt với Miếu Đoài (phía tây) của tướng quân Trương Nữu. Ông được dân chúng tôn làm Thành Hoàng của làng.

Năm 1994, Miếu Đông thờ Thành Hoàng Vũ Hải được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay trong Miếu thờ vẫn còn lưu giữ 5 đạo sắc phong của các triều Vua phong cho ông là Thượng đẳng phúc Thần cho Bát Hải Đại Vương Vũ Hải. Tên Vũ Hải được đặt cho con đường ở trung tâm thành phố Hải Phòng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Người biết đủ là người giàu có và hạnh phúc nhất”: