Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”

Tiếp nối kỳ V, sau khi Dante viếng thăm tầng địa ngục thứ tư và được Virgil giải thích về ý nghĩa sự xuất hiện của Chư Thần, Virgil nhắc nhở Dante rằng: “Những vì sao đã lặn, Và chúng ta không được dừng lại quá lâu.” Chính vì thế, cả hai tiếp tục lên đường:

Từ trên cao một dòng suối chảy xuống,
Đổ vào cái khe rồi từ đó chảy ra.
Nước đen như bồ hóng hơn là màu xanh đậm,
Chúng tôi đi theo dòng nước đen ấy,
Vào sâu hơn bằng một lối khó đi.
Con khe buồn thảm đó chảy xuống,
Tới chân những vách đá xanh lạnh lẽo,
Hoà vào cái đầm tên là Xtigiê.

Đầm lầy Styx (Xtigiê) là một đầm lầy rộng lớn, nơi năm con sông Styx, Phlegethon, Acheron, Lethe, và Cocytus hội tụ. Trong năm con sông này, thì dòng sông Styx có lẽ là dòng sông nổi tiếng nhất. Nó là một dòng sông vô cùng linh thiêng trong Thần thoại Hy Lạp, là thứ chia cắt nhân gian và địa ngục. Cũng chính dòng sông này là kẻ kiến chứng vĩ đại cho mọi lời thề trang nghiêm nhất của con người cũng như Chư Thần trong Thần thoại Hy Lạp. Không ai dám làm trái lời thề đối với dòng sông Styx: Thần Zeus đã phải đau đớn thực hiện lời thề của mình với Semele và giết chết nàng; Thần mặt trời Helios cũng nhắm mắt đưa Phaeton lên cỗ xe mặt trời dù biết chắc con trai không thể sống sót…

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng - Kỳ IX: Cái chết của con trai Thần Mặt Trời
Bức “The Fall of Phaeton”, 1703-1704, miêu tả cảnh Thần Jupiter phóng sét vào cỗ xe Mặt Trời, sau khi Thần Mặt trời cho phép con mình lái cỗ xe tuân theo lời thề trước dòng sông Styx (Họa sĩ: Sebastiano Ricci)

Và đứng trước đầm lầy Styx, Dante được chứng kiến một cảnh tượng ngập ngụa – Những con người trần truồng đang vật lộn trong đầm lầy, cắn xé lẫn nhau:

Và tôi nhìn chăm chú,
Những con người, vấy đầy bùn dơ,
Tất cả đều trần truồng và mặt mày giận dữ.
Họ đánh lẫn nhau, nhưng không phải bằng tay
Mà bằng đầu, bằng ngực và bằng chân,
Và dùng răng đớp nhau từng miếng một

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VI: Hỏa ngục - Tầng địa ngục thứ năm và những kẻ giận dữ
Đứng trước đầm lầy Styx, Dante được chứng kiến một cảnh tượng ngập ngụa – Những con người trần truồng đang vật lộn trong đầm lầy, cắn xé lẫn nhau (Ảnh: Wikipedia)

Lần này, không đợi Dante hỏi, Virgil đưa lời giải thích:

Thầy của tôi nói: – “Con ơi bây giờ con đã thấy,
Linh hồn những kẻ mà sự cuồng nộ thắng thế,
Nhưng ta còn muốn con biết rằng:
Dưới nước kia còn có những kẻ đang thở dài.
Làm bong bóng sủi lên.
Cho con biết nơi chúng đang ẩn nấp”.
Đứng trong bùn họ nói:
– “Xưa chúng tôi đã sống buồn chán.
Mặc không khí dịu êm và ánh mặt trời rạng rỡ
Vì chúng tôi mang trong mình những luồng khói u buồn.
Bây giờ chúng tôi lại sống buồn hơn trong bùn đen”.

Tới đây vậy là đã rõ, tầng địa ngục thứ năm chính là đầm lầy Styx, và các linh hồn phải chịu trừng phạt ở đây bao gồm hai loại người: những kẻ cuồng nộ và những kẻ buồn chán. Trong khi ở tầng địa ngục thứ tư, Dante kể về hai nhóm linh hồn tham lam và keo kiệt, vốn là hai thái cực mà con người nhìn nhận tiền bạc của cải, thì ở đầm lầy Styx, Virgil lại giảng cho nhà thơ về hai thái cực của cùng một tâm lý: giận dữ. Vấn đề sắc thái của giận dữ như cuồng nộ hay buồn chán cũng được bàn tới rất nhiều trong văn hóa phương Tây thời bấy giờ. Kẻ cuồng nộ cắn xé lẫn nhau là đại biểu cho sự giận dữ bộc phát ra bên ngoài, còn kẻ buồn chán sưng sỉa chìm ở dưới bùn đen là đại biểu cho cơn bất bình quá mức ở bên trong. Một lần nữa, chúng ta lại thấy được sự tương ứng sâu sắc giữa hình phạt và tội lỗi mà người ta gây ra.

Xem thêmHỏa ngục – Tầng địa ngục thứ tư và ý nghĩa sự xuất hiện của Chư Thần

Trong văn hóa phương Đông có quan niệm rằng, con người đều có tồn tại Phật tính và ma tính, chính là “thiện ác cùng tại”. Khi người ta giận dữ, không lý trí, chính là lúc ma tính bộc phát. Ngày nay chúng ta vẫn thường nói về các sai lầm trong khi giận dữ như “mất kiểm soát”, “giận quá mất khôn”, “phút nông nổi”, v.v. Tất cả đều chỉ ra rằng, khi người ta giận dữ là lúc Thiện niệm bị lấn át, lý trí bị che mờ. Vì thế, người giận dữ có thể làm ra nhiều hành động nguy hiểm, và điều đó được coi là một tội lỗi.

Quay lại Thần Khúc, Dante và Virgil đi quanh khu đầm lầy hôi thối tới một ngọn tháp, và được “chào đón” bởi một người lái đò thứ hai, bên cạnh người lái đò Charon mà họ đã gặp ở ngay cổng vào Địa ngục:

Mũi tên từ dây cung bay đi,
Xé rách bầu không khí,
Cũng chỉ nhanh bằng chiếc thuyền nhỏ đang lao tới.
Trong nháy mắt, đã xé nước, đến trước chúng tôi.
Trên tay lái, chỉ một thuỷ thủ đang gào lên,
“Mày đã đến rồi ư, hỡi âm hồn bị đày ải!”

Đó chính là Phlegyas, con trai của Thần chiến tranh Ares. Câu chuyện đằng sau người lái đò này cũng thật là đau thương. Trong khi con gái Phlegyas là Coronis có mang với con trai Thần Apollo là Thần y học Asclepius, thì Coronis lại đem lòng yêu và ngoại tình với Ischys. Chính vì thế, Apollo đã nhờ người em sinh đôi là nữ Thần Artemis tới trừng phạt Coronis, chỉ lưu lại đứa trẻ trong bụng cô ta. Đau lòng vì mất con gái, trong phút nóng giận, Phlegyas đã đốt đền thờ Apollo tại Delphi. Trong trường ca Aeneid của Virgil, hình phạt của Phlegyas chính là phải ở dưới Địa ngục để khuyên nhủ người đi qua không được khinh nhờn Thần linh, còn trong Thần Khúc, Dante lại để Phlegyas lái đò trên đầm lầy Styx, như một lời cảnh tỉnh về sự giận dữ đến mù quáng của con người.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VI: Hỏa ngục - Tầng địa ngục thứ năm và những kẻ giận dữ
Trong một số phiên bản, Apollo đã trực tiếp trừng phạt Coronis (Ảnh: Wikia.com)

Cũng tương tự như khi gặp Charon, Virgil đứng ra mở lời với người lái đò:

Thầy tôi liền nói: “Phờlêgiát, Phờlêgiát,
Gào to làm chi cho vô ích!
Anh chỉ việc chở chúng tôi qua sông bùn này.”

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VI: Hỏa ngục - Tầng địa ngục thứ năm và những kẻ giận dữ
Phlegyas chở hai thầy trò Virgil và Dante qua đầm lầy Styx (Ảnh: Wikipedia)

Ngay lập tức, Phlegyas trở nên dịu lại, và đồng ý chở hai thầy trò Virgil và Dante qua đầm lầy. Và khi chiếc thuyền đang nhanh chóng băng qua Styx, Dante gặp một người quen cũ:

Trong lúc thuyền còn lướt trên làn nước chết,
Trước mắt tôi hiện ra một âm hồn bùn bê bết,
Hắn hỏi tôi: – “Anh là ai, sao lại đến trước giờ?”
Tôi đáp: – “Tôi đến nhưng sẽ không ở lại,
Còn anh, anh là ai mà trông ghê như vậy?”
Hồn đáp: – “Anh thấy đấy, tôi là một trong những kẻ đang khóc than”.
Tôi đáp: – “Hãy ở lại mà khóc than với tang tóc,
Hỡi âm hồn đáng nguyền rủa.
Ta đã nhận ra ngươi, dù bùn đen nhem nhuốc”.

Argenti, một người quen của Dante trên dương thế đã lại gần thuyền. Trong mâu thuẫn ở đô thành Florence những năm đầu thế kỷ 14 được nhắc tới tại tầng Địa ngục thứ 3, chúng ta đã biết rằng Dante nằm trong phe ủng hộ Hoàng đế. Còn Argenti mà nhà thơ gặp tại tầng Địa ngục này thì theo phe ủng hộ Giáo hoàng. Lẽ dĩ nhiên, cả hai là đối thủ chính trị của nhau. Argenti đã từng tát Dante, còn em trai ông ta thì tịch thu tài sản của Dante khi nhà thơ bị trục xuất khỏi Florence. Trong Decameron, một tập truyện của tác giả Ý Giovanni Boccaccio vào thế kỷ 14, Argenti đã được miêu tả với tính cách nóng giận và hung bạo, đã bóp cổ một người đàn ông vì mâu thuẫn giữa hai người.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VI: Hỏa ngục - Tầng địa ngục thứ năm và những kẻ giận dữ
Dante đối thoại với Argenti (Ảnh: Wikipedia)

Tuy nhiên, việc Argenti xuất hiện cũng không phải là ngẫu nhiên…

Hắn giơ cả hai tay về phía chiếc thuyền,
Nhưng Thầy tôi đã gạt đi:
“Hãy cút khỏi đây, với những con chó khác”.
Rồi Thầy ôm cổ tôi và hôn,
“Hỡi tâm hồn kiêu hãnh,
Cầu Chúa phù hộ cho người đã thai nghén ra con!
Gã này, trên trần thế, là một tên kiêu ngạo,
Trong lòng nó không một chút tình nhân ái,
Nên ở đây nó cũng giận dữ điên khùng…

Ý nghĩa của đoạn thơ này nằm ở chính chi tiết Virgil ôm hôn Dante, và nói: “Cầu Chúa phù hộ cho người đã thai nghén ra con!”. Điều này tương đương với một nghi thức rửa tội. Tại sao Argenti xuất hiện và bị lôi cuốn tới con thuyền chở Dante? Đó chính là vì không chỉ Argenti có nội tâm hung bạo giận dữ, mà ngay bản thân Dante cũng đang tồn tại tâm lý bất bình. Argenti cướp lấy tài sản của Dante, còn nhà thơ thì lại bị sự uất ức cướp mất tâm trí. Chính trong khoảnh khắc đó, nhờ Virgil nhắc nhở, Dante đã nhận ra tội lỗi của mình. Và để học trò thấm thía hơn, Virgil đã nhấn mạnh:

… Bao kẻ trên kia tự xem là những đức vua vĩ đại,
Mà xuống đây là đàn lợn trong chuồng phân,
Chỉ còn được sự khinh bỉ kinh người”.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VI: Hỏa ngục - Tầng địa ngục thứ năm và những kẻ giận dữ
Virgil ngăn Argenti tiếp cận Dante (Ảnh: Wikipedia)

Xem thêm: Chuyên đề Tìm hiểu văn hóa phương Tây qua nghệ thuật Phục Hưng

Sau khi nhận ra điều sai trái, Dante hy vọng được nán lại một lúc để nhìn linh hồn Argenti, và Virgil đồng ý:

Chỉ sau chốc lát, tôi thấy cuộc tra tấn,
Đám âm hồn bùn bê bết khắp đầu,
Khiến tôi đến nay vẫn còn thầm cảm ơn Thượng đế
Cả bọn gào lên: “Ê, thằng Philíppô Ácgiăngti”
Và tên Phirenxe điên khùng,
Cứ nhè đúng thân mình mà cắn!
Chúng tôi bỏ mặc hắn và xin không nói nữa,
Ập vào tai tôi, những lời nức nở khóc than,
Khiến tôi phải chăm chăm nhìn về phía trước.

Chứng kiến hình phạt của Argenti, Dante âm thầm cảm ơn Thượng đế, vì đã cho mình cơ hội để nhìn ra sai lầm trước khi quá muộn. Trong suốt tầng Địa ngục này, chúng ta thấy sự chuyển biến trong tư tưởng của Dante. Tại những tầng Địa ngục trước, mỗi khi gặp cảnh các linh hồn bị trừng phạt, nhà thơ lại cảm thấy vô cùng bi thương và đồng cảm với họ. Tuy nhiên dần dần, Dante đã nhìn ra được và hiểu được gốc rễ và sự xấu xa của tội lỗi mà những linh hồn phạm phải. Chính vì thế, nhà thơ ít thể hiện sự đồng cảm hơn, mà thay vào đó, là sự thấu hiểu và thay đổi bản thân mình.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ VI: Hỏa ngục - Tầng địa ngục thứ năm và những kẻ giận dữ
Virgil và Dante vượt qua đầm lầy Styx (Ảnh: Wikipedia)

Tận cùng của tầng Địa ngục thứ năm, Virgil và Dante tới thành phố Dis:

Vị ân sư của tôi liền bảo:
“Đã đến gần thành phố Đitê,
Với một lũ đông đúc, bị đầy ải nặng nề”.
Tôi nói: “Thưa Thầy, con đã thấy những nhà thờ.
Hiện lên rất rõ đàng xa, trong thung lũng.
Rực hồng lên trong lửa đỏ”.
Người đáp: – “Đó là ngọn lửa vĩnh hằng,
Rực cháy bên trong và tỏa ra màu hồng,
Như con thấy nơi Địa ngục thẳm sâu này”.

(Còn tiếp)

Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.

Quang Minh

Xem thêm: