Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Lời tựa
Tranh vẽ Dante đang cầm tác phẩm Thần khúc, và cảnh báo con người về những gì mà họ sẽ gặp phải tại Địa ngục, 1465, họa sĩ Domenico di Michelino

Thần khúc (tiếng Ý: Divina Commedia) là một trường ca của nhà thơ Ý thời Trung cổ Dante Alighieri (1265-1321). Tác phẩm được sáng tác trong thời gian Dante bị trục xuất khỏi quê hương Florence, từ khoảng năm 1308 đến năm 1320. Nó được hoàn thành chỉ một năm trước ngày ông qua đời.

Xem thêm: Thần thoại Hy Lạp: Tình yêu vô bờ của nàng Alcestis

Thần khúc được xếp vào hàng những bản trường ca ưu việt của nền văn học Ý cũng như của thế giới, sánh ngang với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Tác phẩm được chia làm ba phần: Hỏa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso) (Được dịch là: Địa ngục, Tĩnh thổ và Thiên đường trong bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn), mỗi phần có 33 khúc, thêm một khúc khai mở là vừa tròn 100. Với Thần khúc, Dante đã thể hiện cho người xem một vũ trụ quan to lớn được truyền tải thông qua tín ngưỡng đối với Chư Thần.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Lời tựa
Một trang trong tác phẩm Thần khúc được xuất bản sau này

Có một câu chuyện cũng rất đặc biệt về Thần khúc như thế này. Ngay sau khi Dante hoàn thành tác phẩm của mình, ông phải đứng ra để giải quyết một vụ việc nghiêm trọng xảy ra giữa Venice và Ravenna. Trước khi rời đi, Dante đã cất giữ 13 khúc thơ cuối cùng của mình bên trong một chiếc tủ ly vì chưa có thời gian sao lại chúng cho hoàn chỉnh. Ông hẳn đã rất mãn nguyện khi hoàn thành được tác phẩm lớn của cuộc đời…

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Lời tựa
Tranh vẽ Dante đang cầm tác phẩm Thần khúc, mở ra ở phần Thiên đường, vẽ khoảng năm 1530, họa sĩ Agnolo Bronzino

Giải quyết được mâu thuẫn chính trị giữa Venice và Ravenna, Dante trở về. Tuy nhiên, ông bị nhiễm sốt rét trong chuyến đi và qua đời vào sớm ngày 14 tháng 9 năm 1321, trong khi chưa kịp nói với ai về những khúc thơ cuối cùng của mình. Sau đám tang cha, hai người con Dante là Pietro và Jacopo đã giúp sắp xếp những vần thơ của Dante theo thứ tự. Họ phát hiện ra rằng 13 khúc thơ của phần Paradiso (Thiên đường) bị thất lạc.

Xem thêm: 3 câu đố của công chúa Turandot trong tập truyện cổ “Ngàn lẻ một ngày”

Pietro và Jacopo đã dò hỏi khắp nơi, lần theo thói quen gửi thơ của Dante tới quý tộc Can Grande della Scala, nhưng tất cả đều vô ích. Các bạn bè đã khuyến khích hai con Dante tự hoàn thành nốt tác phẩm của cha, nhưng Pietro và Jacopo biết rằng đó là một điều nằm ngoài tầm với của họ, dù họ đã rất quen thuộc với tác phẩm Thần khúc.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Lời tựa
Tranh minh họa cho cảnh Dante và Beatrice nói chuyện với Piccarda và Constance trên Thiên đường, 1817-1827, họa sĩ Philipp Veit

Sau 8 tháng truy tầm, một đêm nọ, Jacopo bỗng nhiên nằm mộng thấy cha mặc áo trắng, xuất hiện trong ánh hào quang. Anh vội hỏi cha về Thần khúc, và Dante đã chỉ dẫn cho con nơi cất giữ 13 khúc thơ cuối cùng. Sau giấc mơ đó, trước sự chứng kiến của một vị luật sư làm chứng, Jacopo tìm được phần còn lại của Paradiso (Thiên đường) tại chiếc tủ ly đặt ngầm trong tường.

Vậy là nhân loại đã không mất đi một bản trường ca vĩ đại.

Mời độc giả đón xem loạt bài “Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante” và cùng Trí Thức VN chiêm ngưỡng vũ trụ quan trong tín ngưỡng phương Tây qua Thần khúc của Dante, một bản trường ca về thế giới được Chư Thần sáng tạo.

Quang Minh