Dù người Pháp đã cố gắng thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng nhưng ông cương quyết từ chối vì không muốn làm Vua bù nhìn. Người Pháp liền đưa Vua đi lưu đày.

Học hỏi văn hóa, khoa học phương Tây

Ngày 3/11/1916, vua Duy Tân cùng vua cha Thành Thái và gia đình bắt đầu chuyến hải trình ra nước ngoài, ngày 20/11 thì đến đảo La Réunion ở châu Phi. Tại đây gia đình ông được cấp cho một biệt thự, tuy nhiên vua Duy Tân từ chối biệt thự này. Ông thuê một căn nhà ở thành phố Saint-Denis và sống giản dị như những người dân khác ở đây.

Người Pháp nghĩ rằng đày vua Duy Tân ra nước ngoài sẽ không phải lo gì nữa giống như vua Hàm Nghi trước đây. Tuy nhiên vua Duy Tân vẫn không từ bỏ ước vọng. Trong thời gian lưu đày, ông vẫn học hỏi văn hóa cũng như kỹ thuật của phương Tây.

Ông đặc biệt yêu thích và ghi tên học vô tuyến điện, rồi mở tiệm Radio – Laboratoire bán hàng sửa chữa máy, công việc này đã giúp ông mưu sinh.

vua duy tan radio
Nghe radio ở đảo La Réunion. (Ảnh: Nguyễn Văn Vinh, Flickr)

Ông cũng theo học và thi tú tài ở trường trung học Leconte de Lisle, rồi học thêm ngoại ngữ và luật. Ông cũng có nhiều bài viết và thơ được đăng ở các báo Le Peuple (Dân chúng), Le Progrès (Tiến bộ) dưới bút danh Georges Dry. Trong đó bài viết “Variations sur une lyre briée” (Những biến tấu của một cây đàn lia gãy vỡ) được giải nhất văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion năm 1924.

Vua Duy Tân
Vua Duy Tân đang cùng nghe radio với các bạn. (Ảnh: Nguyễn Văn Vinh, Flickr)

Gia nhập quân đội

Từ năm 1936 đến 1940, vua Duy Tân nhiều lần gửi thư cho chính phủ Pháp xin được gia nhập quân đội nhưng đều bị từ chối. Đến sau này người ta mới biết Bộ thuộc địa đã phê rằng: “Có vẻ khó mua chuộc, rất độc lập, mưu đồ rời khỏi đảo La Réunion để tái lập ngôi báu ở An Nam”.

Tuy nhiên đến năm 1939, chiến tranh thế giới nổ ra, Đức tấn công đánh bại và chiếm đóng nước Pháp trong một cuộc chiến chớp nhoáng, chính phủ Pháp phải đầu hàng. Năm 1940, tướng Pháp De Gaulle chạy sang Anh, tập hợp quân đội, kêu gọi người Pháp tham gia kháng chiến.

Vua Duy Tân tham gia lời kêu gọi này, ông gia nhập quân đội và xem tướng De Gaulle là hình mẫu của mình, bởi De Gaulle cũng là người bị mất nước nên phải ra nước ngoài tập hợp quân đội chống lại Đức.

Năm 1945, quân đồng minh giải phóng nước Pháp, tướng De Gaulle trở về nước, sau đó vua Duy Tân nhận được lệnh đến Paris làm việc ở phòng Quân sự của tướng Charles de Gaulle.

Mong muốn trở lại ngôi Vua nhằm mang tới quyền tự chủ cho dân tộc

Tướng De Gaulle muốn đưa vua Duy Tân về nước – đó là một bước nằm trong kế hoạch để Pháp tái chiếm Đông Dương. Tháng 9/1945, De Gaulle thăng chức cho vua Duy Tân từ đại úy lên thiếu tá. Vua Duy Tân cũng muốn nhận được sự ủng họ để trở lại ngai vàng. Ông dự định rằng với kinh nghiệm tích lũy lâu nay của mình, ông sẽ từng bước đưa đất nước giành lại quyền tự chủ.

Vua Duy Tân cũng hiểu rất rõ người Pháp lợi dụng mình để tái chiếm Đông Dương. Trong một cuộc gặp gỡ với du học sinh người Việt tại Pháp, ông đã nói với ý rằng: Người Pháp cần sự hợp tác của chúng ta để tái chiếm Đông Dương, họ có thể cho phép chúng ta thành lập quốc gia tự trị trong Liên hiệp Pháp, dần dần chúng ta yêu cầu thêm và khi đủ mạnh sẽ tự chủ.

Ngày 24/12/1945, vua Duy Tân lên máy bay từ Paris đến đảo La Réunion thăm gia đình trước khi về nước. Tuy nhiên khi đến làng Bassako ở Cộng hòa Trung Phi thì máy bay bị rơi khiến ông tử nạn.

Đến năm 1970, một người bạn thân của vua Duy Tân là E.P Thébault đã có bài viết: “Destin tragique d’un Empereur d’Annam: Vĩnh San – Duy Tân” đăng trong “Revue France-Asie”, trong có đoạn tiết lộ rằng:

“Ngày 17 tháng 12 năm 1945 – mười hôm trước khi tử nạn – Duy Tân có linh cảm tính mạng ông bị đe dọa. Khi cả hai đi ngang – lần chót – vườn Tuileries, cựu hoàng nắm tay Thébault nói: Anh bạn già Thébault của tôi ơi! Có cái gì báo với tôi rằng tôi sẽ không trị vì. Anh biết không, nước Anh chống lại việc tôi trở về Việt Nam. Họ đề nghị tặng tôi 30 triệu quan nếu tôi bỏ ý định ấy”.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng đây là âm mưu ám sát của người Anh, vì việc vua về nước có thể gây khó khăn cho người Anh đối với vấn đề trao trả các thuộc địa.

Đến năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được gia đình đưa về Huế, an táng ở An Lăng bên cạnh vua cha Thánh Thái.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: