Từ xưa đến nay, có rất nhiều bậc quân vương đều giương khẩu hiệu “nhân nghĩa” để trị vì thiên hạ, nhưng có mấy người thực sự “nhân nghĩa” đây? Nếu như miệng nói lễ nghĩa mà trong lòng lại “háo sắc vong thân” giống như vua Kiệt của nhà Hạ, vua Trụ của nhà Thương thì đã không có khái niệm “đức trị”. Lật xem sách sử cổ xưa, những minh quân nào có thể kính sợ Trời đất, biết thuận theo mệnh, ham học sách Thánh hiền, có thể tu thân thì mới có thể trị vì được dân chúng. Bách tính cũng nhờ có một vị quân vương nhân đức mà được hưởng cuộc sống mưa thuận gió hòa, sung túc an vui. Nếu nói về tu dưỡng bản thân thì Hoàng đế Khang Hy chính là một vị minh quân làm được điều ấy. Ông là một người hiếu học, giản dị, kính trọng bậc Thánh hiền, hiếu thuận với người bề trên. Những điều này đều trải dài và xuyên suốt trong cuộc đời ông, từ khi còn nhỏ cho đến lúc băng hà.

Vài nét về sự tu dưỡng của Hoàng đế Khang Hy
Hoàng đế Khang Hy. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Hoàng đế Khang Hy là một vị minh quân “sùng Nho trọng Đạo”. Năm 14 tuổi, ông đã tự mình xử lý việc triều chính, chấp nhận đề nghị của quan lại người Hán, dẫn đầu trăm quan đến trường Thái học cử hành lễ tế Khổng Tử một cách long trọng.

Ông lần đầu đi tuần miền Nam thì đến miếu Khổng Tử ở Khúc Phụ, Sơn Đông để tế lễ. Ông làm đại lễ “Tam quỳ cửu lạy” và còn đích thân viết bốn chữ “Vạn thế sư biểu” treo ở trong điện. Điều này cho thấy Khang Hy quyết tâm lấy Nho làm gốc để trị quốc.

Các sỹ phu người Hán và các Nho sinh trong thiên hạ biết tin, ai nấy đều vô cùng cảm động. Họ cho rằng Hoàng đế Khang Hy so với những vị Hoàng đế người hán trước đó không có gì khác biệt. Sự mâu thuẫn sắc tộc bởi vậy cũng giảm đi rất nhiều.

Khang Hy rất nghiêm khắc với bản thân. Lúc mới 5 tuổi, ông đã vào thư phòng đọc sách, đọc cả ngày lẫn đêm, cho dù là thời tiết giá lạnh hay nóng bức, ông đều đọc đến mức quên ăn quên ngủ. Ông đọc thuộc lòng từng chữ trong “Tứ thư”. Khang Hy còn rất yêu thích thư pháp, mỗi ngày ông đều viết hơn ngàn chữ, chưa bao giờ gián đoạn.

Trên đường đi tuần tra, đêm khuya đi thuyền, hoặc ở hành cung, ông đều thường xuyên giữ thói quen đọc sách, làm thơ, viết văn. Cho đến khi đã ở độ tuổi ngoài 60, ông vẫn thường không rời khỏi sách.

Khang Hy tinh thông rất nhiều ngành học như văn học, lịch sử, địa lý, toán học, y học, v.v.. Học thức của ông phong phú đến mức rất nhiều vị học giả cũng không bằng.

Ông tổ chức biên soạn các bộ “Minh sử”, “Toàn Đường thi”, “Khang Hy tự điển”, lưu lại cho người đời sau nhiều văn hóa quý giá. Từ khi tự mình xử lý triều chính cho đến trước lúc băng hà, mỗi ngày ông đều kiên trì ngự điện nghe báo cáo và quyết định việc chính sự. Một năm 4 mùa, không kể là ngày giá lạnh hay ngày nóng bức, ông đều chưa bao giờ bỏ bê. Chỉ trừ những lúc bị bệnh, gặp chuyện quốc gia đại sự, hoặc biến cố to lớn ra, thì không có ngày nào là ông không lên điện để nghe việc chính sự.

Về đời sống, Khang Hy ủng hộ tiết kiệm. Ông nói về quần áo của bản thân mình: “Ta từ khi lên ngôi đến nay, lo liệu hết thảy sự việc lớn nhỏ, đều đề xướng tiết kiệm. Y phục mà ta đang mặc trên người là quần áo bình thường, tất mà ta đang đi cũng chính là loại thông thường”.

Vài nét về sự tu dưỡng của Hoàng đế Khang Hy
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Một người Pháp từng đến Trung Hoa đã viết thư gửi Hoàng đế nước Pháp rằng:

“Ông ta thuộc loại người giản dị mộc mạc, quả thực là chưa từng thấy. Mỗi ngày ông ta ăn 2 bữa với thức ăn rất đơn giản bình thường, chưa bao giờ vượt quá giới hạn. Quần áo mà ông ta mặc là loại trang phục được xếp vào loại bình thường nhất ở Trung Hoa. Vào những ngày mưa, mọi người đều thấy ông ta mặc một cái áo khoác nỉ, là một loại áo thô ở Trung Quốc. Mùa hè, chúng tôi thấy ông ta mặc áo ngắn bằng vải gai, đó cũng là loại quần áo bình dân mà người dân thường hay mặc. Trừ những lễ tiết lớn, còn bình thường chúng tôi chỉ thấy trên người ông ta có một thứ hoa lệ. Đó là một viên trân châu lớn. Viên trân châu này được gắn trên vương miện của ông ta theo phong tục của người Mãn Châu. Ông ta không yêu cầu xa hoa, đạm bạc vượt quá khả năng tưởng tượng của tất cả mọi người. Điều này có thể thấy được ngay trên quần áo và đồ dùng sinh hoạt thường ngày của ông.”

Về đối xử với bề trên, Hoàng đế Khang Hy cả đời giữ hiếu đạo. Ông vô cùng tôn kính bà nội và mẹ. Hàng ngày, việc trước tiên của ông là đến cung Từ Ninh để thăm hỏi. Vào những ngày Thái hoàng thái hậu bị ốm, ông còn mấy lần tự mình đi bộ tới đàn tế Trời để cầu nguyện cho bà. Ông thường nói rằng sẵn sàng lấy bớt tuổi thọ của mình để cho bà nội được sống lâu.

Sau khi Thái hoàng thái hậu qua đời, Khang Hy vô cùng đau buồn, thường xuyên đến căn phòng nhỏ ngoài cung Từ Ninh và ngồi ở đó. Ngay cả lúc giao thừa, ngày hội ngày lễ, quần thần xin ông hồi cung, ông cũng không về. Sau khi hồi cung rồi, hàng ngày ông vẫn đến cung Từ Ninh, nhìn vật nhớ người.

Khang Hy đã ban hành “16 điều Thánh dụ” nổi tiếng để làm chuẩn tắc cho hành vi của quan lại và dân chúng. Trong 16 điều đó, ông lấy hiếu đạo làm trọng.

Khang Hy một lòng tu thân trị quốc, trong tất cả các việc điều động quan lại, xử lý kiện cáo, hay như trị thủy, thì lời nói của ông luôn đi đôi với việc làm.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: