Vua Tự Đức là một vị vua chăm trị dân, rất cần cù chịu khó nhưng thiếu quyết đoán và mưu lược. Ở vào giai đoạn chuyển tiếp nhạy cảm, phải đối mặt với phương Tây, thời kỳ cai trị của vua Tự Đức đánh dấu sự suy yếu về sức mạnh quân sự đối ngoại cũng như sự bất ổn trong nội tại nước ta khi triều đình phải liên tiếp chống lại các cuộc nổi loạn. Dù về mặt võ, vua Tự Đức không nổi trội, nhưng về mặt văn, Vua lại để lại khá nhiều cống hiến. Trong “Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập” (bản dịch của Trần Thái Bình), Vua Tự Đức có một đoạn bình luận về việc đọc sử và chép sử của nước ta, xem như lời đề tựa.

Thái tử nhà Nguyễn thiếu lễ nghĩa, bị truất ngôi ngay khi đọc di chiếu
Chân dung vua Tự Đức. (Tranh: Docteur Rieux, Wikipedia, Public Domain)

“Sinh ở trăm nghìn năm sau mà có thể biết được việc trăm nghìn năm trước không nhờ ở sử thì căn cứ vào đâu? Thế cho nên từ trước đến nay, trên từ vua quan, dưới đến sĩ thứ, không ai là không đọc sử.

Tuy trời phú tính cho người, lương tri lương năng ai ai cũng có. Giá phỏng ai cũng giữ được căn tính cội nguồn, thì tin sách quá chi bằng không sách, cái đó cũng chẳng hại gì. Nhưng những người bậc trung trở xuống, thường hay bị thói tham vật chất che lấp. Nếu không lấy cổ làm gương, điều thiện để khuyên, điều ác để răn, thì dẫu muốn cho mọi người đều hay, mọi việc đều giỏi, đem lại tính trời vào nơi không có lỗi, cũng không thể nào mà làm được nổi. Bởi thế mà lại càng phải đọc sử.

Sự khó khăn về việc đọc sử, ta cho là đọc sử nước Việt còn khó hơn là đọc sử Trung Hoa. Vì sao? Sử Trung Hoa dù nhiều, người lười kém thì khó lòng mà đọc được đủ. Tuy nhiên, có bộ Thông giám cương mục gom góp tích tụ, xem đến là rõ được ngay. Còn như sử nước ta, từ đời Hồng Bàng đến nay, hơn bốn nghìn năm cùng lớp. Nhưng người làm sử thì chẳng mấy ai, mà cũng không có gì là phép tắc. Giản hoặc có người biên chép, thì có khi lại quá hoang đường, hoặc lại mất mát linh tinh, chưa từng thấy có bản nào toàn vẹn có thể soi lên làm gương. Trong khoảng đó, những bậc vua sáng, trai tài, gái giỏi, ngoài tỏa sáng sự nghiệp, trong chứa chan đức hạnh, chắc là đời cũng sẵn đủ người để làm mẫu mực, khuôn phép. Thế mà cũng đều tản mác, bỏ rơi, mười phần không còn được một. Ta thường lấy thế làm bực cho các vua đời trước cùng các sử thần không lưu ý chuyên tâm.

Nước Việt ta vốn xưng là nước văn hiến đã lâu. Nếu biết để ý sưu tầm biên chép, trước sau nối tiếp với nhau, mỗi đời lại có pho sử một đời, khiến sự dở, hay có đủ bằng chứng, thì cứ gì một sử Trung Hoa mới là rộng lớn! Tiếc rằng trước đây không chuộng tiếng Nam, động tí là theo sử Bắc. Dẫu rằng đó là điều bất đắc dĩ, nhưng thực tự mình gây dựng mà ra. Than ôi! Tích Đàm quên tổ, Nguyên Bá bỏ nòi, có thể tránh được những lời chê trách như thế chăng? Vì thế ta bảo rằng đọc Nam sử khó hơn đọc Bắc sử, cũng không phải là lời bàn kênh kiệu.

Nay nếu không góp nhặt gọn gàng, bỏ cái rườm rà, tóm cái cốt yếu, thì sợ càng lâu càng mất, há không đáng tiếc lắm sao? Ta, lúc hồi trước ít việc, nhân sai các nho thần ở Tập Hiền viện khảo xét sử cũ, biên chép sự tích, rồi chia từng môn loại, chọn cái đáng vịnh mà vịnh một bài thất ngôn tuyệt cú […]. Sau đây, vua tôi, trai gái có chí xem mà cảm động, thì vua tròn đạo vua, tôi vẹn đạo tôi, trai trau dồi tốt, gái giữ gìn tiết trinh. Sách Xuân Thu in xong, thì loạn thần tặc tử phải sợ. Đã đành là việc dạy chẳng dám mong, nhưng khiến cho người ta đi tới thiện, tránh xa ác, chẳng cũng có chút bổ ích hay sao? Duy ta đây nhặt nhạnh, chép, xóa từ trong đám bút cũ, sách tàn, ta cũng chưa biết thế nào là chắc. Nhân thuật đầu đuôi, chép lên đầu sách.”

“Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập” gồm 212 bài ngự chế thất tuyệt vịnh nhân vật lịch sử Việt Nam các đời, trước mỗi bài đều có phần tiểu truyện để lược dẫn tích được nhắc đến, sau mỗi bài có thể có một đôi lời bình của các quan đại thần. Sách in xong, có dụ của vua Tự Đức ban cho mỗi tỉnh một cuốn để giáo dân.

Ngu che Viet su tong vinh tap 01
Trang bìa sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập. (Ảnh: Wikipedia, Fair Use)

Ninh Sơn tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: