Mạnh Tử đã nói: “Ông Vũ và ông Tắc thấy thiên hạ có người chết chìm chết đói thì cũng thấy giống như mình bị vậy”, đây chính là cái tâm của người nhân từ nhân ái. Thi nhân thời Tống Âu Dương Tu cũng là một người nhân từ nhân ái với dân, “vui cùng niềm vui của dân chúng, lo cùng nỗi lo của dân chúng”.

Sự thành tín của cổ Vui cùng niềm vui của dân chúng, lo cùng nỗi lo của dân chúngnhân
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Các văn nhân và sĩ phu thời xưa đều hiểu sâu sắc về lòng nhân ái, thực hành trong đời sống và phản ánh trong các tác phẩm văn học của mình. Phạm Trọng Yêm viết trong “Nhạc Dương lâu ký”: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”, lo trước cái lo của thiên hạ. Nhạc Phi viết trong “Mãn giang hồng”: “Đãi trùng đầu, thu thập cựu sơn hà”, đợi đến ngày thống nhất giang sơn. Âu Dương Tu viết trong “Phong Nhạc Đình ký”: “Ngô dân cấp túc nhi vô hám vu hạ”, mong cho dân có đủ cơm ăn áo mặc.

Âu Dương Tu cho rằng những đạo lý mà Nho gia đề xướng có liên hệ chặt chẽ với cuộc sống hiện thực. Mạnh Tử từng nói: “Coi niềm vui của dân chúng là niềm vui của mình, vậy dân chúng cũng sẽ coi niềm vui của bậc quân chủ là niềm vui của họ. Coi nỗi lo của dân chúng là nỗi lo của mình, dân chúng cũng coi nỗi lo của bậc quân chủ là nỗi lo của họ. Vui với niềm vui của dân chúng trong thiên hạ, buồn với nỗi buồn của dân chúng. Làm như vậy mà lòng người còn không quy thuận, tôi chưa thấy chuyện đó bao giờ”. Âu Dương Tu chính là người như thế. Ông là vị quan luôn quan tâm đến nỗi khổ của dân chúng, luông mong mỏi lợi ích cho người dân. Tính cách và các bài viết của Âu Dương Tu đều chứa đựng mối quan tâm của ông đối với các việc của quốc gia và dân chúng.

Trong bài “Tương châu trú cẩm đường ký”, Âu Dương Tu viết: “Duy đức bị sinh dân, nhi công thi xã tắc, lặc chi kim thạch, bá chi thanh thi”, nghĩa là phải mở rộng lòng nhân ái với bách tính và phụng sự đất nước, đó mới là điều mà các học giả tôn sùng.

Cũng giống như các văn nhân và sĩ phu khác thời nhà Tống, Âu Dương Tu vô cùng coi trọng đặc tính giáo hóa của văn học. Ông đã đưa ra quan điểm của mình về văn học là “Người viết phải hiểu Đạo”, nhấn mạnh việc tu dưỡng, và đề xuất rằng “người hiểu được Đạo, viết không khó, thậm chí sẽ tự đến”. Ông chủ trương phong cách hành văn ngắn gọn, dễ hiểu, tự nhiên. Văn phong của Âu Dương Tu có ảnh hưởng sâu sắc đối với người thời Tống và hậu nhân, là đỉnh điểm của văn học thời Bắc Tống. 

Âu Dương Tu làm quan ở triều đình và địa phương hơn 40 năm, dũng cảm nói lời thật, khí tiết chính trực lẫm liệt. Các bài viết của ông có nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Ông đã nhiều lần viết tấu chương hoặc văn tự để vạch trần và phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội đương thời. Như trong bài “Chuẩn chiếu ngôn sự thượng thư”, ông viết: “Thuế thu không đủ thì đương nhiên triều đình thiếu tiền dùng, thế nhưng dân chúng bên dưới thì đã kiệt sức rồi. Quân đội tuy rằng ở ngoài rất ít đánh thắng trận nhưng ở trong nước lại ngang ngược kiêu ngạo. Triều đình cũng càng ngày càng bị phá hư, càng ngày càng phức tạp, lại tuân theo quy tắc nhất thời đặt ra.”

Âu Dương Tu sau khi bị giáng chức đã từng đảm nhận qua các chức quan ở Trừ Châu, Dương Châu, Dĩnh Châu. Gặp phải nghịch cảnh, ông không quản được mất của bản thân mà luôn luôn kiên trì giữ vững lý tưởng của mình. Nhờ cách quản lý của ông mà dân chúng vùng ông quản lý an cư lạc nghiệp. Điều đó khiến ông rất vui mừng. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm có đề tài là hiện thực cuộc sống, cùng với đó là những bài ngâm vịnh về chủ đề lịch sử, thể hiện tấm lòng và chí hướng của mình.

Lúc ông bị giáng chức đến Trừ Châu làm Thái thú, ông sinh sống hòa thuận, vui với niềm vui của dân, lo với lỗi lo của dân. Ở đây ông đã viết bài “Túy Ông Đình ký”“Phong Nhạc Đình ký” miêu tả hoàn cảnh địa lý, lịch sử và phong tục sinh sống của dân chúng ở đây, đồng thời cũng nói lên nỗi lòng “tiên ưu hậu nhạc” (lo trước vui sau), “dữ dân đồng nhạc” (cùng vui với dân) của mình.

Trong bài “Phong Nhạc Đình ký”, ông nói rằng: Quân tử khoan dung, nhân từ giáo hóa dân chúng, dân đủ cơm ăn áo mặc, chí sĩ trong thiên hạ đều có tài có đức, muông thú hay cỏ cây đều phát triển tươi tốt.

Âu Dương Tu đã miêu tả khung cảnh bình dị của vùng nông thôn trong những bài thơ của mình như sau:

Lục tang cao hạ ánh bình xuyên,
Tái bãi điền thần tiếu ngữ huyên.
Lâm ngoại minh cưu xuân vũ hiết,
Ốc đầu sơ nhật hạnh hoa phồn.

Ý nói, trên cánh đồng rộng bao la bát ngát, những cây dâu xanh mướt cao thấp chằng chịt. Sau khi kết thúc lễ cúng mùa Xuân, mọi người trò chuyện cười nói vui vẻ rất náo nhiệt. Mưa Xuân vừa tạnh, chim chóc trong rừng vui thích kêu hót lảnh lót. Khi ánh mặt Trời bắt đầu chiếu rọi, những khóm hoa Hạnh đua nhau nở rộ.

Bài thơ là một bức tranh nông thôn tươi đẹp. Ở đó có cây cối xanh tươi, có tiếng chim hót bừng bừng sinh cơ, có hoa đua nở hiện ra sắc xuân dạt dào. Cảnh sắc tươi đẹp ấy, cùng với lòng người khoan khoái, phấn chấn, tràn đầy sức sống cũng chính là nỗi lòng của tác giả “vui cùng niềm vui của dân”.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm: