Vương Hy Chi là bậc thầy thư pháp nổi danh thời Đông Tấn. Ông am hiểu sâu sắc về các thể loại chữ như Đãi thư, Giai thư, Hành thư… Ông được tôn là Thư Thánh và có ảnh hưởng rất lớn đến thư pháp nhiều đời sau. Những thành tựu mà ông đạt được là nhờ vào sự khổ luyện và chịu ảnh hưởng từ tín ngưỡng Đạo giáo. 

Vương Hy Chi: Thành tựu đến từ sự khổ luyện và tín ngưỡng
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Hoàng đế Lương Vũ từng khen ngợi Vương Hy Chi: “Vương Hy Chi thư tự thế hùng dật, như long khiêu thiên môn, hổ ngọa phượng khuyết, cố lịch đại bảo chi, vĩnh dĩ vi huấn”, chữ của Vương Hy Chi tựa như rồng múa cửa trời, hổ nằm phượng gác, đời đời đều coi là của báu, mãi mãi học theo. Hoàng đế Đường Thái Tông triều Đường vô cùng yêu thích thư pháp của hai cha con Vương Hy Chi nên đã tìm kiếm bút tích của hai người qua một đệ tử của nhà sư Trí Vĩnh là cháu bảy đời của ông. Hoàng đế bèn cho in dập mỗi tác phẩm thành nhiều bản để ban cho các hoàng tử và cận thần.

Vương Hy Chi sở dĩ có thể đạt được thành tựu to lớn như vậy là có nguyên nhân từ việc khắc khổ luyện tập cùng với tín ngưỡng văn hóa Đạo giáo. Cha của ông là Vương Khoáng, bậc thầy thư pháp thời bấy giờ. Chịu sự ảnh hưởng từ cha, từ lúc lên 6 tuổi, ông đã bắt đầu luyện viết chữ. Lên 7 tuổi, ông bái nữ thư pháp gia nổi danh Vệ Thước (Vệ phu nhân) làm thầy. Có thuyết pháp nói rằng, Vệ Thước chính là dì của ông. Vệ Thước đam mê thư pháp và là học trò của đại thư pháp gia Chung Do.

Có cội nguồn là gia đình giỏi truyền thống cùng với sự chỉ dạy của thầy giỏi, kết hợp với sự khổ luyện, chăm chỉ của Vương Hy Chi, trình độ thư pháp của ông tiến bộ rất nhanh chóng. Năm 12 tuổi, Vương Hy Chi tình cờ tìm thấy cuốn “Bút luận” dưới gối của cha mình, nội dung là dạy mọi người cách sử dụng bút khi viết chữ. Ông lén lút đem cuốn sách về phòng mình đọc.

Sau khi bị cha phát hiện, Vương Khoáng đã hỏi con trai vì sao lại lén lút lấy cuốn sách bí kíp đó, Vương Hy Chi chỉ cười mà không đáp. Vương Khoáng lo rằng Vương Hy Chi mới chỉ là đứa trẻ, không thể hiểu được phương pháp dùng bút, cũng không thể lĩnh hội được những điều tinh diệu trong đó. Vương Khoáng muốn đợi con trai lớn thêm một vài tuổi nữa sẽ truyền lại cho con, nhưng Vương Hy Chi lại nói với cha: “Xin cha hãy cho phép con đọc cuốn sách này. Nếu đợi con trưởng thành thì sẽ bị chậm trễ sự phát triển của con”. Vương Khoáng rất vui mừng khi thấy con chăm chỉ như vậy nên đã đồng ý với thỉnh cầu của con trai mình.

Từ sau đó, Vương Hy Chi hàng ngày đều thực hành theo phương pháp được mô tả trong “Bút luận” và tiến bộ vượt bậc trong vòng chưa đầy một tháng. 

Khi Vệ phu nhân nhìn thấy thư pháp của Vương Hy Chi, bà đã rất cảm khái, nói với Thái Thường Vương Sách rằng: “Đứa nhỏ này nhất định đã đọc qua cuốn bút luận. Ta thấy thư pháp của nó đã có cái trí của bậc lão thành rồi. Tương lai, thành tựu của nó sẽ vượt qua cả ta.”

Dù được thầy khen ngợi nhưng Vương Hy Chi vẫn dửng dưng, thậm chí càng thêm khắc khổ luyện tập. Tương truyền rằng, mặc dù trong lúc nghỉ ngơi, ông vẫn nghiền ngẫm ra kết cấu, khoảng cách và khí thế của thể chữ. Nói về sự khổ luyện của ông, nổi tiếng phải kể đến việc ông đã dành 15 năm để luyện viết chữ “Vĩnh” (永). Ông mải luyện tập tới mức quên ăn, quên ngủ. Người đời sau gọi kỳ tích này của ông bằng câu “dụng tâm thập ngũ niên, thủy công nhất vĩnh tự” tức là “dụng tâm ròng rã 15 năm khởi đầu bằng một chữ vĩnh”.

Ngoài khổ luyện ra, tín ngưỡng Đạo giáo cũng có sự ảnh hưởng đến phong cách thư pháp của Vương Hy Chi. Ngay cả tính cách rộng rãi, khoáng đạt của ông cũng được hình thành từ tín ngưỡng. Theo sử sách ghi chép lại, suốt những năm đầu ông thường xuyên sao chép kinh thư nên tính cách của ông không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi văn hóa Đạo giáo. Hơn nữa, ông cũng thường hay xem các tác phẩm thư pháp của người đi trước và nhiều người trong số họ đều là những người tu hành Đạo gia. Chính sự bình hòa tự nhiên và sự uyển chuyển hàm súc trong nét bút của Vương Hy Chi là một minh chứng cho điều đó. 

Khi lớn lên, ban đầu ông cũng bước chân vào chốn quan trường. Lúc đầu ông làm Mật thư lang. Về sau tướng quân Dữu Lượng thỉnh ông làm Tham quân, sau làm Trưởng sử, Thứ sử Giang Châu… Thậm chí, ông từng được tiến cử làm chức Thị trung, một chức vụ gần Hoàng đế, nhưng vì không coi trọng danh lợi nên ông đã từ chối. Cũng vì không thích ganh đua chốn quan trường nên sau này Vương Hy Chi đã xin từ chức để chuyên tâm nghiên cứu thư pháp.

Một lần, Hoàng đế làm lễ tế Bắc Giao, cần thay đổi tấm bảng gỗ trên đó có viết văn tế, văn tế này do Vương Hy Chi viết. Khi những người thợ cắt các ký tự của ông viết, họ phát hiện ra rằng chữ viết của ông đã ăn sâu vào bảng gỗ 3 phân. Điều này cho thấy bút lực của ông thật mạnh mẽ. Đây chính là câu chuyện nguồn gốc của thành ngữ “Nhập mộc tam phân”. Câu thành ngữ này về sau được sử dụng để đánh giá những bình luận hay nhận xét sâu sắc hoặc những mô tả sống động giống như thật.

Năm 30 tuổi, Vương Hy Chi viết kiệt tác “Lan Đình tập tự”, năm 37 tuổi ông viết “Hoàng Đình kinh” truyền lại cho đời sau. Những tác phẩm cùng với phong cách sống của Vương Hy Chi đã ảnh hưởng rất lớn đến người đời sau, mãi cho đến tận ngày nay.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: