Trong một số lần nói chuyện về văn hóa đọc, tôi có nói một ý rằng google và các cỗ máy tìm kiếm có thể giúp ích cho cá nhân nhiều thứ nhưng cũng là thứ làm cho con người mất tự do và… ngu hơn. Lý do nằm ở chỗ “nó chỉ cho cá nhân thấy thứ họ muốn thấy”.

Đơn giản là tìm cái gì thì nó hiện cái đó. Hơn nữa, vì google và các cỗ máy, công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu người dùng từ đó đưa các gợi ý hợp “khẩu vị” người dùng nên kết quả là cá nhân thường chỉ chén mỗi món mình… thích. Món nào không thích, biến mất khỏi tầm mắt cá nhân ngay.

Trên mạng lưu truyền một clip người nói chỉ trích tiktok dùng thuật toán cho hiển thị các clip ngắn tùy theo từng nước từ đó thao túng tư duy, tâm lý, giá trị quan người dùng. Nhiều người đồng ý.

Nhiều người khác phản đối vì cho rằng không có chuyện đó mà tiktok cho hiển thị clip theo kiểu “cá nhân hóa”. Tức là người dùng xem clip thuộc chủ đề gì, nội dung gì thì nó sẽ gợi ý các clip tương tự cho xem thỏa thích.

Tiện lợi biết bao! Đỡ công sức biết bao.

Tuy nhiên cái nguy hiểm nằm ở chính chỗ này. Trên thế gian này trừ bậc thánh nhân, tất cả các cá nhân đều có phần thấp kém trong con người và có các hành vi bị chi phối mạnh bởi bản năng. Bởi thế không có ai hoàn toàn “thiện lành” 24/24, sáng suốt từ sáng tới tối. Chưa kể tới số những người gặp khó khăn trong học hành, tu dưỡng, hoặc có hoàn cảnh bất lợi cho hướng thiện.

Thế là, khi người ta lỡ xem clip nào đó có nội dung nhảm hoặc xấu hoặc tệ hơn là sa đà vào xem các clip đó thì suốt từ đó về sau chỉ có các clip dạng đó xuất hiện và bủa vây. Kết quả, trẻ con, người lớn đều chìm đắm trong đó. Vì xem cái đánh vào bản năng, cái người ta thích nên não bộ, cơ thể tất nhiên tiết ra hoocmon khoan khoái. Lâu dần đâm… nghiện và người ta dễ có ý nghĩ rằng “Thế giới là tất cả những cái đó”.

Đây là mặt đen tối của công nghệ và cũng là “tội ác” của trí tuệ bị hiến cho chủ nghĩa kim tiền.

Trong đời thường, khó có ai có thể tốt hoàn toàn và cũng hiếm người xấu hoàn toàn, xấu tất tần tật. Con người về đại thể luôn có lòng trắc ẩn và ý muốn hướng thiện. Vì thế khi người ta nhìn sai, nghe sai, nghĩ sai, làm sai, gặp người xấu… người ta vẫn có cơ hội để soi chiếu, phản tỉnh, sửa đổi khi gặp người hay, người tốt, việc tử tế ở các tình huống, phương diện khác nhau của cuộc đời.

Điều này khác với cõi mạng như ở trên.

Xét ở góc độ giáo dục, việc cảnh giác trước chuyện trẻ em, thanh niên đắm chìm trong cõi mạng và xem clip nhảm bởi thế hoàn toàn không phải là việc làm… thừa.

Con người là sinh vật hành động theo thói quen. Một khi bộ não đã quen với khoái cảm từ clip trên, nó sẽ trơ lì với thể thao, nghệ thuật, sách vở, thiên nhiên tươi đẹp và những lời, những việc tử tế.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: