Dân tộc mình là một dân tộc chịu nhiều khổ nạn. Tôi có cảm giác như vậy khi đọc lịch sử và tìm hiểu về địa lý. Sinh ra là người Việt, tôi không có lựa chọn. Ngay cả khi nếu tôi đi định cư ở một nước nào đó thì cái gốc người Việt vẫn trong giấy tờ, vẫn trong huyết quản và tâm tình. Không ai có thể chối bỏ điều đó.

Có một dạo, tôi thấy nhiều người chửi rủa dân tộc. Mỗi người mỗi kiểu. Có những người múa chữ chửi dân tộc là “vịt, lừa” kèm theo các đặc tính “ngu, dốt, hèn,…” để tự cho rằng mình là người dẫn dắt vì bản thân có chút tư duy độc lập.

Nhiều người hiểu cách tự do tư duy, có chút nhận thức hơn đám đông thì cũng nói “dân ngu, dân hèn, dân nhục, vô cảm, tâm thức nô lệ…”

Nhiều người đã đi đến một nước khác để định cư, được hưởng không khí tự do dân chủ, nhân quyền thì cũng chửi “dân ngu, hèn, yếu kém, lười nhác, vô cảm, sợ hãi, đáng đời…”

Rồi khi đồng bào gặp cảnh thiên tai, nhân tai, bị mất đất đai, bị thiệt hại nguồn sống… thì có nhiều người quay mặt đi…

Tôi nghĩ, sự duy lý phân tích đúng sai ở đây là điều vô nghĩa và thô thiển. Bởi, ngoài những người múa chữ muốn hạ nhục dân tộc để nâng tầm bản thân thì các nhóm người còn lại mà tôi kể ở trên khi buông ra câu chửi thường là vì quá sốt ruột cho dân tộc. Yêu nên chửi trong tâm thế bất lực không làm gì được. Tôi hiểu rất rõ điều này qua văn phong và hành động của mỗi người.

Nhưng, như tôi đề cập ở đầu bài, dân tộc mình là một dân tộc chịu nhiều khổ nạn. Tư duy độc lập của dân tộc mình không còn nhiều. Dân trí, dân khí đã hư hao phần lớn sau gần trăm năm.

Tôi cũng bất lực trong các nỗ lực để làm điều gì đó cho mình và cho dân mình. Tôi cũng có những bức xúc và nỗi buồn khi mình cố kéo mà toa tàu cứ ỳ ra và nặng thêm lên mãi mỗi ngày. Nhiều anh chị em khác cũng cảm thấy mỏi mệt như vậy.

Nhưng, chửi dân tộc mình không làm cho dân tộc thức tỉnh và thay đổi. Những người dân quê, người dân vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số… họ là những người chịu thiệt thòi nhất, họ là thành phần yếm thế nhất, ít cơ hội tiếp xúc và ít nhận được tri thức nhất. Họ đáng được thương yêu gấp trăm lần chúng ta – những người được có điều kiện tiếp nhận và thay đổi tư duy, có nhận thức.

Chúng ta hơn gì đám đông? Chúng ta chẳng hơn gì họ ngoài sự sắp đặt của Thượng đế. Và chúng ta là ai, là gì mà được Thượng đế ưu ái hơn đám đông kia? Tôi nghĩ, chúng ta chẳng là gì để được Ngài ưu ái hơn, mà chẳng qua chúng ta là những kẻ được Ngài đặt lên vai trách nhiệm chia sẻ lại với đám đông về kiến thức, vật chất, tinh thần bằng yêu thương.

Sự yêu thương cũng như mọi giá trị khác đang dần rơi rớt trong hành trình mỗi cuộc người. Tôi không sợ bị vùi dập, nhưng tôi lo sợ chúng ta nhân danh tình yêu mà bị biến thành những con người duy lý lạnh lùng thiếu vắng nhân bản, tình yêu.

Ai đó nói, sau khi chống xong cái ác thì ta gây dựng lại tình yêu. Tôi thì cho rằng chống cái ác phải đi kèm với gây dựng tình yêu bởi nếu chỉ lo chống cái ác mà không gây dựng chăm sóc tình yêu thì đến khi chống xong cái ác chúng ta chẳng còn một mẩu tình yêu nào để mà yêu được nhau nữa.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video: