Thời cổ đại vì sao việc nam nữ kết hợp được gọi là “hôn”? Kỳ thực, nguyên sơ ban đầu chữ “hôn” trong “hôn lễ”, “hôn nhân” không có nghĩa là lễ cưới, đám cưới như bây giờ. Điều này ẩn chứa phong tục truyền thống cũng như tri thức âm dương của cổ nhân. 

Ý nghĩa của từ "hôn" trong "hôn lễ", "hôn nhân"
(Ảnh minh họa: Shin Sang Eun, Shutterstock)

Trong sách Lễ ký viết rằng: “Thiên địa bất hợp, vạn vật bất sinh. Hôn lễ, vạn thế chi tự dã”, nghĩa là trời đất không hợp thì vạn vật không sinh, hôn lễ là khởi đầu của muôn đời. Theo “Lễ ký” thì cách viết chính xác của chữ “hôn” trong từ “hôn lễ” là “昏” (hoàng hôn, trời tối). Bởi vì bắt đầu từ thời nhà Chu, người cổ đại tổ chức lễ cưới vào lúc hoàng hôn chiều tối, cho nên chữ “hôn” trong “hôn lễ” có nghĩa là hoàng hôn, chiều tối lúc mặt trời lặn.

Trong “Nghi lễ chú sơ” thời nhà Đường cũng có giải thích về nguồn gốc của chữ hôn: “Sĩ thú thê chi lễ, dĩ hôn vi kì, nhân nhi danh yên”, có nghĩa là lễ cưới của kẻ sĩ, lấy lúc hoàng hôn làm thời gian. Vì thế mới đặt tên là “hôn”.

Người xưa làm lễ cưới vào lúc hoàng hôn chiều tối không nhất định là bởi vì đám cưới vào ban ngày là không tốt hay có hại gì. Đó là bởi vì hai lý do chủ yếu.

Thứ nhất là để phù hợp với phong tục đám cưới thời xưa. Vào thời thượng cổ khi chưa hình thành lễ nghĩa thì có một tục lệ trong đám cưới gọi là “cướp vợ”. Tục lệ sẽ được thực hiện vào lúc hoàng hôn. Vì lúc “cướp” thì trời còn sáng mà khi “cướp” được rồi bỏ chạy thì trời bắt đầu tối rất nhanh, do đó có thể đề phòng được bên nhà gái “cướp” lại. Trong quyển “Bát tự hôn nhân học” mô tả tục “cướp vợ” như sau: Vào thời cổ đại, chàng trai cùng thân tộc thường cưỡi ngựa, cầm cung tên để đi “cướp” cô dâu. Lúc đó người nhà cô dâu dựng rạp trước cửa, cho cô dâu ngồi vào rồi cầm vũ khí bảo vệ. Hai bên nhà trai nhà gái giao chiến với nhau chiếu lệ, chàng trai xông vào rạp “cướp” cô gái rồi phi ngựa thật nhanh, nhà gái đuổi theo nhưng vẫn giữ khoảng cách. Cuối cùng đến nhà trai, cô dâu và chú rể làm lễ thành thân.

Thứ hai là có liên quan đến thuyết âm dương. Hoàng hôn là lúc mặt trời lặn xuống, mặt trăng bắt đầu mọc lên, là thời điểm giao giới giữa ngày và đêm. Ban ngày là dương và ban đêm là âm, hoàng hôn có nghĩa là “sự luân phiên của âm và dương”. Thuyết âm dương cho rằng, vạn vật trong vũ trụ đều có sự kết hợp giữa hai mặt đối lập là âm và dương, đàn ông là dương, đàn bà là âm, cho nên tổ chức lễ cưới vào thời điểm này là một điều rất hợp lý, vừa thuận theo đạo, vừa nhắc nhở vợ chồng hòa hợp, tương trợ lẫn nhau.

Sách “Lễ ký” ghi chép chi tiết các quy tắc nghi lễ thời tiền Tần, và được biên soạn theo sách “Nghi lễ”. Trong “Nghi lễ” lại có nguyên một chương viết về “Hôn lễ”. Vì vậy sau khi lễ nghi được hình thành rồi thì thái độ của người xưa đối với các nghi thức hôn lễ đều rất trang nghiêm và cung kính, có một bộ thủ tục cưới hỏi rất chuẩn mực và đầy đủ. Các thủ tục trước lễ cưới là: Nạp thái (lễ đặt vấn đề hôn nhân, dạm ngõ), Vấn danh (lễ hỏi tên tuổi, thân thế), Nạp cát (lễ tiếp nhận xem tuổi hai bên, đính hôn), Nạp chinh (lễ nhận lễ vật), Thỉnh kỳ (lễ định ngày cưới), Thân nghênh (lễ rước dâu). Khi cô dâu bước vào cửa rồi còn phải tiến hành một số nghi lễ khác.

Đến thời nhà Đường, từ “hôn” (hoàng hôn) chuyển thành từ “hôn” mang ý nghĩa là lễ cưới, đám cưới. Trong trường ca tự sự “Chu Trần thôn”, đại thi nhân nhà Đường, Bạch Cư Dị, viết một vài câu rằng: “Ở huyện Cổ Phong, Từ Châu, có một thôn tên là Chu Trần. Sau khi đi vào trong thôn khoảng hơn 100 dặm, cây dâu cây gai xanh tốt… Một thôn chỉ có hai họ, họ Chu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau”. Cũng chính vì thế mà thôn ấy có tên là Chu Trần. Về sau người ta thường dùng hai từ “Chu Trần” để chỉ những cuộc hôn nhân tốt đẹp, vợ chồng xứng đôi vừa lứa. Ở đây chữ “hôn” đã không còn là chữ hôn chỉ hoàng hôn, chiều tối nữa.

Theo ghi chép trong cuốn “Dậu Dương Tạp Trở” thì vào thời nhà Đường, truyền thống tổ chức đám cưới vào lúc hoàng hôn đã bị mai một, nhưng so với những hôn lễ thời trước thì có phần trang nghiêm hơn. Trang phục của cô dâu chú rể, bao gồm cả đồ trang sức cũng có màu đen, mọi thứ đều trang trọng như ở lễ hiến tế.

Về sau các phong tục dân gian cởi mở hơn, người ta bắt đầu sử dụng trang phục, trang sức, đồ trang trí màu đỏ, và lễ cưới được tổ chức một cách vui nhộn hơn, cởi mở hơn. Bởi vì hôn lễ không nhất thiết phải tổ chức vào lúc hoàng hôn, nên từ “hôn” không có ý nghĩa thực tế chỉ thời gian nữa. Cũng bởi vì hôn nhân là “gả con gái”, nên người ta thêm từ “女” (nữ) vào bên trái của từ “昏 (hoàng hôn) thành chữ  “婚” (hôn lễ, lễ cưới), và đám cưới theo phong cách lễ hội vui vẻ của nhà Đường tiếp tục được sử dụng cho đến ngày nay.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: