Thời xưa, nam nhân khi đến tuổi trưởng thành sẽ tiến hành Quán lễ, tức là lễ thành niên. Lễ này được cổ nhân rất coi trọng bởi vì nó đánh dấu nam nhân đã đến tuổi có đủ tư cách để tham gia và chịu trách nhiệm trước các việc trọng đại của gia đình, gia tộc và quốc gia.

Ý nghĩa thâm sâu trong lễ thành niên của nam nhân thời xưa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong “Lễ Ký” viết: Một người sở dĩ thành người là bởi vì có lễ nghĩa. Lễ nghĩa bắt đầu từ đâu? Là từ cử chỉ đúng mực xác đáng, thái độ đoan trang, lời nói cung kính. Cử chỉ đúng mực, thái độ đoan trang, lời nói cung kính rồi, sau đó mới được tính là có lễ nghĩa đầy đủ. Dùng cách này khiến cho quân thần an, cha con thân cận, lớn nhỏ hòa thuận. Quân thần an rồi, cha con thân rồi, lớn nhỏ hòa thuận rồi thì lễ nghĩa mới được tính là đã xác lập. Cho nên chỉ có tiến hành Quán lễ rồi, sau khi mặc y phục chỉnh tề rồi mới có thể làm được cử chỉ đúng mực, thái độ đoan trang, lời nói kính cẩn. Vì vậy, Quán lễ là bắt đầu của lễ và được các Thánh vương thời cổ đại rất coi trọng.

Ở mỗi triều đại, độ tuổi trưởng thành của nam nhân có thể được quy định khác nhau. Theo “Lễ ký”, nam nhân đến tuổi 20 được cử hành Quán lễ (lễ đội mũ) hay lễ thành niên. Đến thời nhà Tuỳ quy định nam nhân 21 tuổi mới đến tuổi trưởng thành. Thời Đường lại quy định nam nhân đến 23 tuổi mới đến tuổi trưởng thành.

Lễ thành niên ngoài việc cho người khác biết rằng một người đã đến tuổi trưởng thành ra thì còn có ý nghĩa rất thâm sâu. Đối với một người mà nói, từ trẻ em thành người trưởng thành là một sự chuyển biến thân phận vô cùng lớn. Lúc còn là trẻ nhỏ, có thể sự hiểu biết lễ nghĩa chưa đủ, tri thức chưa đủ, người khác cũng sẽ không trách tội, nhưng khi đã là người trưởng thành thì sẽ khác. Khi một người đã lớn, là một cá nhân độc lập bước ra ngoài xã hội thì yêu cầu cần phải có những hiểu biết nhất định, đặc biệt là về phép tắc lễ nghĩa. 

Địa điểm tổ chức lễ thành niên là ở tông miếu. Trong tông miếu có bài vị của tổ tiên, vào những ngày lễ tết mọi người sẽ mang trái cây của mùa đó đến cúng tế. Bởi vì người xưa rất kính trọng quỷ thần, tin tưởng rằng linh hồn tổ tiên trên trời vẫn sẽ dõi theo gia đình, phù hộ mọi người trong nhà, vẫn quan tâm đến việc nối dõi tông đường, quan tâm đến từng con cháu trong dòng họ, nên người xưa mỗi khi có việc quan trọng của gia đình đều báo cáo với tổ tiên, gọi là “Cáo miếu”. 

Người chủ trì lễ thành niên cho nam nhân không nhất định là người cha, mà có thể thỉnh mời một người lớn tuổi đức cao vọng trọng đến cử hành. Trong buổi lễ sẽ mời rất nhiều người thân bạn bè đến dự, tuyên bố đứa trẻ đã đến tuổi trưởng thành để mọi người cùng chứng kiến. Buổi lễ phải tuân thủ theo những nghi thức rất nghiêm ngặt. Đời Chu, con trai đến tuổi 20, cả gia tộc cử hành Quán lễ tại tông miếu. Trước tiên, người cha phải xem để quyết định ngày cử hành, sau đó chọn vị khách nào sẽ đội mũ cho con mình. Đến ngày cử hành Quán lễ, từ lúc sáng sớm, mọi việc đều chuẩn bị xong, người con được đội mũ sẽ đứng ở bên trong phòng, người cha mời vị khách vào tông miếu ở vị trí đã quy định, sau đó người con bước ra đứng vào chỗ của mình, hành lễ trước vị khách và các bậc trưởng bối. Lúc đội mũ, khách sẽ thay quần áo và mũ theo đúng quy định cho người con. Trong buổi lễ sẽ có ba lượt thay đổi y quan không giống nhau, mỗi lượt thay đổi đều có hàm nghĩa riêng biệt.

Lần thứ nhất là “Truy bố quan” tức là đội mũ làm bằng vải gai màu đen. Vào thời viễn cổ, mọi người dùng vải bố màu trắng quấn ở trên đầu để chống lạnh, đến lúc hiến tế thì đem tấm vải nhuộm thành màu đen. Cho nên, trong Quán lễ có đội truy bố quan là để nói cho người đời sau không được quên công ơn với tổ tiên. Hơn nữa, lễ Truy bố quan cũng là biểu thị một người bắt đầu có đặc quyền của một người trưởng thành, có tư cách tham gia việc chính sự, có thể nhận trách nhiệm xã hội. Khi đội mũ gai đen, trẻ vẫn mặc bộ quần áo của trẻ con. Sau khi được đội mũ, trẻ sẽ vào trong thay một bộ quần áo trưởng thành tương ứng với mũ và ra chào hỏi mọi người. Chiếc mũ lần thứ nhất được gọi là “Sơ gia”.

Lần thứ hai là “Gia quan”, tức là đội mũ làm bằng da. Trước tiên, trẻ sẽ được tháo chiếc mũ gai màu đen ra rồi chải lại tóc, sau đó đội một chiếc mũ làm bằng da. Chiếc mũ được khâu bằng từng mảnh da hươu, và mỗi đường may đều được khâu một hạt ngọc trai hoặc ngọc bích vào. Thời cổ đại, nam nhân đều săn bắn, đánh giặc nên đội mũ bằng da thể hiện rằng nam nhân đã có tư cách trở thành chiến sĩ, phục vụ binh dịch. Sau khi đội mũ da, trẻ sẽ vào phòng thay một bộ quần áo tương ứng với chất liệu làm bằng da và bước ra ngoài để người thân bạn bè nhìn mình mặc trang phục và đội mũ bằng da. Chiếc mũ lần thứ hai này được gọi là “Tái gia”.

Lần thứ ba là “Tước biện”. Đây là chiếc mũ thường được đội trong lễ hiến tế, là lễ phục chính quy, thể hiện rằng trẻ đã có tư cách tham gia hiến tế tông miếu. Sau khi đội chiếc mũ này, trẻ cũng được thay bằng một bộ trang phục tương ứng với mũ và đi ra cho họ hàng bạn bè chứng kiến. Chiếc mũ lần thứ ba được gọi là “Tam gia”.

Trong Quán lễ, trẻ được thay lần lượt ba lần mũ áo như vậy biểu thị rằng trẻ đã có tư cách của một người trưởng thành, như tham gia việc chính sự, phục dịch binh lính, hiến tế… Mỗi một lần thay đổi áo mũ, người chủ trì sẽ đọc thêm lời khấn có nội dung khác nhau nhưng đều thể hiện sự mong chờ và nhắc nhở trẻ. Ở mỗi câu khấn đều nói đến sự cát tường của thiên thời. Ý nghĩa trọng đại của Quán lễ hơn nữa còn hết sức nhắc nhở trẻ bây giờ đã là người trưởng thành, làm người làm việc không thể vụng dại như trẻ thơ, cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ sự uy nghi nghiêm túc của vẻ ngoài, đồng thời cầu mong trẻ được trường thọ, cát tường và có phúc lớn. Bạn bè và người thân chứng kiến sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn với bản thân, đồng thời chúc phúc cho trẻ.

Trong Quán lễ, ngoài đội mũ ra còn có một việc quan trọng khác là chọn tên tự cho trẻ, đại biểu cho sự trưởng thành. Từ đó trở đi, mọi người sẽ gọi họ bằng tên tự. Thời cổ, một người sẽ có danh, tự, hiệu. Danh là tên khi sinh ra được cha mẹ đặt cho và bình thường chỉ có tự xưng hoặc Quốc quân, người lớn, thầy giáo mới gọi tên này, còn người cùng thế hệ mà gọi bằng tên là thất lễ. Người đời sau mà gọi tên người đời trước thì càng bị coi là hành vi thất lễ, cho nên người ta sẽ gọi bằng tự. Như, Gia Cát Lượng có tên là Lượng, tự là Khổng Minh, Lưu Bị có tên tự là Huyền Đức…

Sau Quán lễ, không chỉ trang phục thay đổi, tên thay đổi mà phương thức hành lễ cũng sẽ thay đổi. Trẻ sẽ mặc trang phục người trưởng thành hành lễ với người lớn theo cách của người trưởng thành và người lớn cũng dùng phương thức hành lễ của người trưởng thành để đáp lại. Sau Quán lễ, trẻ sẽ bái kiến một số quan viên ở quê, bẩm báo với họ rằng bản thân đã là người trưởng thành, xem họ có điều gì dạy bảo thì tiếp nhận.

Trong “Quốc ngữ” có ghi chép, Triệu Văn Tử nước Tấn, sau khi cử hành Quán lễ xong đã đến bái kiến lục khanh của nước Tấn. Những người này đều là người bề trên của Triệu Văn Tử, họ đã dạy Triệu Văn Tử những lời rất thấm thía. Trong đó, Phạm Văn Tử nói phải biết cảnh giác cẩn thận, không thể muốn gì làm nấy không kiêng nể gì, mặc dù được Quốc quân tín nhiệm cũng phải thời khắc cẩn thận, không được ngạo mạn cũng không được vội vã. Một người khác là Hàn Hiến Tử lại nói, hàng ngày phải biết chú ý việc tu thân, có thể cảnh giác thận trọng mới là người trưởng thành, đã là người trưởng thành thì phải biết hướng thiện, hơn nữa phải có thủy có chung, trong đầu có ý niệm nào không tốt phải kịp thời thanh trừ. Võ Trí Tử dùng mỹ đức của tổ tiên Triệu Văn Tử để cổ vũ anh ta, hy vọng anh ta có thể kế thừa những lời giáo huấn của tổ tiên và làm rạng danh dòng tộc.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: