Ngày nay chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến “của hồi môn” và hiểu đó là món quà mà cha mẹ cô gái tặng cho con khi con đi lấy chồng. Tuy vậy việc các cô gái mang theo của hồi môn về nhà chồng cũng có rất nhiều ý nghĩa.

Ý nghĩa việc tặng của hồi môn cho con gái của cha mẹ xưa
(Tranh minh họa: Public Domain)

Của hồi môn là đồ dùng, quần áo hay tiền bạc… mà các cô gái mang từ nhà cha mẹ đẻ đến nhà chồng khi kết hôn. Tùy theo phong tục tập quán ở mỗi nơi mà những đồ vật này có thể khác nhau và tùy theo điều kiện hoàn cảnh gia đình mà giá trị của chúng cũng khác nhau.

Theo phong tục, những cô gái trong gia đình giàu có thời xưa khi đi lấy chồng thường mang theo hộp trang điểm, giường, tủ… Thậm chí trong những gia đình giàu có, cô gái còn mang theo rất nhiều đồ dùng và tiền bạc. Số tài sản ấy giúp cho cô gái dù sống cả đời ở nhà chồng cũng không cần tiêu đến một đồng của gia đình chồng.

Phong tục tặng của hồi môn ở các nước phương Đông phần lớn bắt nguồn từ Trung Hoa, thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Thời ấy không chỉ những gia đình “danh gia vọng tộc”, những gia đình quan lại có điều kiện mới tặng của hồi môn cho con gái, mà việc này đã trở thành phong tục được phổ biến rộng rãi trong dân gian. Nhưng cổ nhân không dựa vào giá trị của quà tặng mà đánh giá cô gái hay gia đình nhà gái.

Người xưa quan niệm, tặng của hồi môn cho con gái có nhiều ý nghĩa. Đầu tiên là vì cha mẹ mong muốn cho con gái một chút đồ dùng vật dụng để giúp con có cuộc sống dễ chịu hơn trong gia đình mới. Tiếp theo là cha mẹ muốn qua việc này tạo dựng địa vị cho con gái ở gia đình nhà chồng.

Ngoài ra, vì sợ trong thời gian đầu con gái về nhà chồng còn nhiều bỡ ngỡ và nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em, nên cha mẹ muốn tặng của hồi môn cho con gái để mỗi khi nhớ nhà cô gái có thể ngắm nhìn những vật mang theo. Có những gia đình giàu có còn cho cả người hầu gái quen thuộc đi theo để con gái họ không cảm thấy xa lạ.

Việc cha mẹ tặng của hồi môn cho con gái còn thể hiện tâm nguyện của cha mẹ, mong muốn con được may mắn, có cuộc sống đủ đầy sung túc cả về vật chất, hạnh phúc vợ chồng và con cái.

Của hồi môn thời xưa được coi là tài vật riêng của cô dâu. Gia đình nhà chồng ý thức rất rõ chuyện này nên không bao giờ can thiệp. Nếu như can thiệp vào thì nhất định phải nhận được sự đồng ý của con dâu, việc con dâu không đồng ý được coi là việc chính đáng. Vào thời xưa, việc nhà chồng chiếm dụng của hồi môn của con dâu thì bị xem là hành vi rất xấu xa, sẽ lưu tiếng xấu về thanh danh.

Sau khi chủ nhân của số của hồi môn này qua đời, thì người thừa kế số tài sản ấy là con cái của họ. Nếu người phụ nữ ấy không có con cái thì người thừa kế sẽ là con cháu thuộc nhà mẹ đẻ của họ với ý nghĩa trả về cho cha mẹ đẻ.

Mặc dù phong tục truyền thống là như vậy, nhưng hầu hết những người phụ nữ xưa đều yêu thương và chăm sóc, hy sinh cho chồng con. Vì vậy họ luôn sẵn lòng lấy phần tài sản ấy của mình ra để chu cấp cho chồng học tập thành tài hoặc gây dựng sự nghiệp và dưỡng dục con cái. Trường hợp gia đình nhà chồng có điều kiện mà không dùng đến thì người phụ nữ cũng nhất định sẽ dành hết cho con cái của mình chứ không giữ làm của riêng. Đó là đức tính truyền thống hết lòng vì chồng con đáng trân quý của người phụ nữ xưa và nay.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: