Lý Tiểu Long dẫu tài năng nổi tiếng như vậy cũng không nhận được chân truyền từ sư phụ Diệp Vấn vì Diệp Vấn cho rằng Lý Tiểu Long nóng vội, quá truy cầu, thiếu tôn kính, võ đức chưa đủ (mà cái chết của Lý Tiểu Long là minh chứng rõ nhất cho nhận định này). Điều đó cho thấy tiêu chuẩn để nhận được chân truyền trong võ đạo thời xưa là rất cao. Trong võ thuật truyền thống có quan niệm rằng: người không trọng đức thì võ nghệ khó có thành tựu. Yêu cầu đối với người luyện võ thời xưa là rất nghiêm khắc, đặc biệt là yêu cầu về phương diện tâm tính. Bởi vì tâm không chính thì hành vi sẽ loạn, không phát huy được mục đích cao cả của võ thuật. 

Yêu cầu để nhận được chân truyền của người luyện võ thời xưa
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Trong võ thuật truyền thống, người luyện võ phải phù hợp với rất nhiều yêu cầu mới có thể nhận được chân truyền, tuy nhiên có thể phân thành ba nhóm chính:

  • Thứ nhất là tâm chân thành theo đuổi võ đạo, cũng chính là sự chuyên tâm, dốc lòng dốc sức luyện và thực hành mục đích của việc học võ, điều này cũng bao hàm cả lòng tôn kính sư phụ.
  • Thứ hai là sự thiện lương, tức là gặp việc nhân đức, việc nghĩa thì không chểnh mảng, thấy việc đáng làm thì phải làm, phải có tinh thần hiệp nghĩa.
  • Thứ ba là kiên định nhẫn nại, tức là tâm chuyên cần, khổ luyện, chịu được cái khổ.

Tâm chân thành, sự thiện lương và kiên định giống như đỉnh của Kim Tự Tháp, thể hiện ra ý chí, sự tu dưỡng và võ đức của người học võ thời xưa.

Tâm chân thành

Vì sao phải thật lòng thật dạ, thành tâm? Võ thuật đến thâm sâu không chú trọng việc học được bao nhiêu môn phái và bao nhiêu chiêu thức, hay được bao nhiêu thầy dẫn dắt. Muốn thật sự nhận được chân truyền thì yêu cầu người luyện võ trước hết phải buông bỏ được tâm tham, không cầu nhiều phái, nhiều chiêu mà cầu sự thành thục ở một chiêu; không cầu đứng núi này trông núi nọ, mà phải có lòng tôn kính với sư phụ. Chính yêu cầu này giúp người học võ thời xưa đạt đến tài nghệ cao siêu, thuần tịnh.

Thông thường, đối với người luyện võ mà nói thì lúc trẻ tuổi là giai đoạn tốt nhất để theo học võ. Nếu hơi lớn tuổi hơn một chút, khoảng 40, 50 tuổi mới bước vào luyện võ thì mặc dù không thể nói là không được nhưng sẽ gặp khó khăn về các yếu tố sinh lý, khả năng chịu đựng… trong các chiêu thức chú trọng vật lộn. Cho nên, đối với người đã lớn tuổi mới bước vào học võ phải bắt đầu nhập môn bằng cái tâm. Bởi vì sự thiếu sót về yếu tố thân thể có thể được khắc phục bằng sự đề cao về tinh thần, tâm tính.

Thời cổ đại, có nhiều võ thuật gia có thành tựu vang danh thiên hạ nhưng đều bắt đầu học võ khi tuổi đã cao. Một số võ phái có động tác rất phù hợp với trạng thái cao tuổi này, ví dụ như Thái Cực quyền chẳng hạn. Ông tổ của Thái Cực quyền, Trương Tam Phong, hơn 70 tuổi mới dốc lòng tu đạo, trong quá trình đề cao tâm tính cũng đồng thời ngộ ra sự thâm sâu của Thái Cực, lấy đó để khai sáng ra quyền thuật và đạt đến cảnh giới của thần linh.

Sự thiện lương

Điều người luyện võ phải chú trọng trước hết là “nghĩa”. “Nghĩa” bao hàm tinh thần “không chểnh mảng trước việc nhân đức”, đó cũng chính là tinh thần hiệp nghĩa mà trong giới võ lâm thường nói. Căn nguyên của tinh thần này là sự thiện lương. Tư tưởng này cũng là nền tảng cấu thành luân lý và quy phạm của võ đức. Thực hành của võ đức chính là trừ bạo an dân, cứu giúp người yếu, gặp ác mà không sợ, dám làm việc nghĩa, hy sinh cá nhân vì cái chung của tập thể. Đây cũng là nội dung trọng yếu trong văn hóa truyền thống.

Mặt khác, điều nhấn mạnh chính là, tinh thần hiệp nghĩa trong võ đức nhất định phải lấy đạo nghĩa làm nguyên tắc. Nếu thiếu nguyên tắc này, tinh thần hiệp nghĩa sẽ bị biến dị, giống như trên phim ảnh coi hành vi giết chóc bừa bãi là nghĩa hiệp, coi việc dùng bạo lực trừng phạt cái ác là một hình phạt hợp pháp… Nhưng đó thực ra là hành ác mà không tự biết.

Tinh thần hiệp nghĩa của người luyện võ là đòi hỏi phải lấy thiện tâm làm nguyên tắc. Dùng thiện tâm mới có thể có những suy nghĩ đúng đắn, chân chính, mới có thể hành thiện một cách thực sự, mới đạt được nghĩa cử cao thượng.

Sự kiên định nhẫn nại

Luyện võ là vô cùng khổ cực, vất vả, nhất định phải trải qua khổ luyện mới thành công. Khổ cực ở đây trước hết là vượt qua nỗi đơn độc, buồn tẻ. Bởi vì toàn bộ quá trình luyện võ thuật của một người đều là luyện đi luyện lại các chiêu thức, thường là từng chiêu phải luyện tập rất nhiều lần. Điều này rất dễ khiến người ta rơi vào trạng thái chán nản.

Trong võ thuật truyền thống có câu nói: “Luyện võ mà không luyện công thì đến già cũng chỉ là công dã tràng”. Công này chính là công phu, là từ kiên nhẫn, chịu khổ mà có được. Sự khổ luyện về tâm chí ở đây còn khó hơn nhiều sự khổ luyện về thể xác. Bởi vậy, trong võ thuật coi khổ luyện là một loại công phu. Người luyện võ không trải qua loại công phu này tâm tính sẽ kém, sẽ có nhiều tâm chấp nhất khó bỏ, dục vọng sẽ còn nhiều.

Người luyện võ cũng cần nhập tĩnh, có thể thông qua các loại động tác đứng gọi là “trạm trang”, và động tác ngồi giống như “thiền định” vậy. Khi tâm tính kém thì khó có thể nhập tĩnh, tâm loạn, sự chuyển động của khí trong thân thể đều là vội vàng xao động. Trái lại, người trải qua khổ luyện mới có thể vứt bỏ được đến mức thấp nhất các loại chấp nhất, nâng cao được tâm tính, trong quá trình nhập tĩnh thì loại bỏ sự xao động, từ đó thanh lọc thân thể đến mức cao độ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: