Tại buổi tọa đàm liên quan tới BS Hoàng Công Lương, các chuyên gia đều cho rằng BS Lương bị truy tố về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa thỏa đáng. Tòa án cần xem xét các tình tiết, nếu không làm rõ được cần tuyên BS Lương vô tội để tránh oan sai.

bac si hoang cong luong
Bác sĩ Lương cùng các đồng nghiệp. (Ảnh: FB Ngô Nguyệt Hữu)

Chiều ngày 13/4, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Những vấn đề pháp lý đối với trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương”.

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng vụ tai biến chạy thận khiến 8 người tử vong tại BVĐK Hòa Bình là sự cố y khoa nghiêm trọng, rúng động dư luận xã hội. Đây là sự cố chưa từng có trong lịch sử lọc máu ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, TS Quang cho hay cơ quan chức năng kết luận tội danh này đối với BS Hoàng Công Lương là chưa thỏa đáng. Bởi BS Lương là người được giao trách nhiệm chuyên môn cấp cứu cho người bệnh chứ không phải bảo dưỡng, sữa chữa máy. Bác sĩ Lương cũng không có quyền hạn về bảo dưỡng hệ thống nước lọc RO của lọc thận.

Kể cả trong tình huống bác sĩ Lương có muốn kiểm tra thì cũng không kiểm tra nổi vì không được đào tạo, không có kiến thức kiểm tra. Và dù có kiểm tra cũng không thể biết được nước đã đảm bảo đạt chất lượng hay chưa”- ông Quang nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng truy tố bác sĩ Lương với tội danh trên là không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Trong khi đó, với tội danh này, theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, BS Lương sẽ phải chịu hình thức giam giữ ít nhất 8 năm tù. Nếu nhận mức án này, BS Lương, vợ con, gia đình, dòng tộc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín; cá nhân BS Lương sẽ bị tiêu tan sự nghiệp, sẽ sống trong tương lai mờ mịt, vô vọng.

Vì vậy, TS Quang đề nghị tòa án sau khi xem xét các tình tiết, nếu không làm rõ được cần tuyên án bác sĩ Lương vô tội, tránh oan sai, bảo đảm tính độc lập của tòa án trong xét xử.

Cũng tại buổi tọa đàm, luật sư Trần Hồng Phúc – đoàn luật sư Hà Nội khẳng định việc quy tội danh cho bác sĩ Lương là không chính xác. Ông Phúc cho rằng vì nếu xét về mặt quy trình của Bộ Y tế, bác sĩ chỉ chịu trách nhiệm chính về chuyên môn chứ không chịu trách nhiệm về các vấn đề như vật tư trang thiết bị y tế, hay thuốc. Do đó, có sự mâu thuẫn khoa học pháp lý khi quy kết tội đối với bác sĩ Lương.

Đại diện hội thầy thuốc cũng cho rằng việc truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương khiến cho nhiều y, bác sĩ hoang mang. Vì vậy, cần phải có những biện pháp pháp lý rõ ràng và cụ thể để các bác sĩ yên tâm công tác.

Trước đó, khoảng 8h15 sáng ngày 29/5/2017, 18 bệnh nhân của khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) đến lọc máu theo chu kỳ. Khoảng 30 – 40 phút sau khi lọc máu, các bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ (khó thở, đau bụng, buồn nôn, ngứa,…). Đến tối cùng ngày, 7 bệnh nhân đã tử vong; 1 nữ bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch; 10 bệnh nhân còn lại được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Khoảng 2h40 ngày 4/6, nữ bệnh nhân nguy kịch tử vong – nâng số người tử vong trong vụ tai biến chạy thận lên 8 người; 10 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Bạch Mai sức khỏe sau đó đã ổn định.

Ngày 9/8/2017, Sở Y tế tỉnh công bố quyết định cách chức ông Trương Quý Dương – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh này.

Liên quan tới vụ việc, mới đây Viện KSND tỉnh Hoà Bình đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 3 bị can, trong đó bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kim Long

Xem thêm: