9.000 chiếc ba lô trẻ em này truyền đi một thông điệp bằng tiếng Trung, nó có ý nghĩa là “con đã từng sống hạnh phúc trong 7 năm”.

động đất tứ xuyên
Những chiếc balo được nhặt lại ở một trường tiểu học sau trận động đất tại huyện Pingwu, tỉnh Tứ Xuyên, 2008. (Ảnh: dẫn qua timesofmalta.com)

Nhiều người Đức thời điểm đó đã không hiểu tiếng Trung và cũng không biết về ý nghĩa của câu trên. Đó cũng chính là một phần thông điệp mà nghệ sĩ Ngải Vị Vị muốn truyền tải qua tác phẩm của ông rằng “chúng ta không thực sự biết đến Sự thật”.

Phần lớn bạn bè của tôi hoặc là KTS hoặc người thực hành nghệ thuật. Có bạn là người TQ, có bạn Hongkong, có bạn Mỹ, có bạn Ý, Đức, Pháp, có bạn gốc Phi và nhiều bạn người Việt. Mặc dù cá tính của những con người này cũng như quan điểm nghệ thuật, chính trị xã hội có thể rất khác nhau, thậm chí xung khắc, nhưng nhìn chung tất cả đều biết đến Ngải Vị Vị và dành sự trân trọng đáng kể cho những sáng tác nghệ thuật của ông.

Ngải Vị Vị (Tên gốc Hán: Ai Weiwei) là một nghệ sĩ được đào tạo tại NewYork, ông từng cộng tác cùng văn phòng kiến trúc nổi tiếng của Thụy Sĩ – Herzog & de Meuron (HdM) trong dự án thế kỉ của TQ là Bắc Kinh Điểu sào Quốc gia Thể dục trường (sân vận động Tổ chim- thế vận hội 2008). Mặc dù được trọng vọng nhưng cho đến cuối 2009, Ngải Vị Vị bị coi là kẻ “nguy hiểm” nhất Trung Quốc. Điều gì đã đẩy con người này vào thảm cảnh ấy? Chuyện cũng chỉ bắt đầu từ 9.000 chiếc ba lô cặp sách trẻ em được nêu ở trên. Tác phẩm sắp đặt này đã thay đổi cuộc đời của ông mãi mãi.

Năm 2008, Ngải Vị Vị trở về Trung Quốc từ Mỹ. Cùng thời gian này, tại Tứ Xuyên (Si Chuan) đã xảy ra một trận động đất kinh hoàng. Nó tàn phá và làm hơn 80.000 sinh mạng biến mất. Phần lớn người chết là học sinh, sinh viên. Chính quyền TQ, như lẽ thường, tiến hành kiểm duyệt và kiểm soát tất cả các thông tin về trận động đất. Vì vậy không ai thực sự hay biết rằng điều gì đã xảy ra. Không có báo cáo nào chỉ ra có bao nhiêu trẻ em đã chết, không số liệu, không danh tính. Ngải Vị Vị thành lập một nhóm tình nguyện viên đi vào vùng khủng hoảng để thu thập thông tin về những trẻ em thiệt mạng trong trận động đất. Công việc rất nhiều, đi vào làng, gặp gỡ gia đình các cháu bé, chia sẻ nỗi buồn, ghi lại tên tuổi, ngày sinh và trường học mà các cháu đã bỏ mạng. Sự ghi chép (trên giấy và trên băng ghi âm) phải được thực hiện bằng từ ngữ không có cảm xúc, thuần túy số liệu.

Các thành viên trong nhóm tình nguyện nhiều lần bị bắt, tài liệu của họ bị tịch thu và tiêu hủy. Sau một năm nghiên cứu, nhóm thu được 5.219 cái tên.

Mẹ của một cháu bé bảy tuổi, nạn nhân trong thảm kịch, đã viết thư cho Ngải Vị Vị, trong thư, bà nói: “Tất cả những gì tôi muốn là để cho cả Thế giới nhớ rằng con gái tôi, cháu đã từng sống hạnh phúc trong bảy năm”. Cô bé xinh đẹp này cũng giống như mọi em bé bảy tuổi trên thế giới, thích ca hát và nhảy múa, nhưng đột nhiên, một ngày nọ cháu đã bỏ mạng khi một tòa nhà sụp xuống. Sự an toàn cũng như tình trạng tham nhũng trong xây dựng công trình công cộng ở Tứ Xuyên cho đến nay vẫn là một đề tài bí ẩn ở Trung Quốc. Không một ai biết điều gì đã xảy ra. Hàng nghìn/ chục nghìn trẻ em cùng với danh tính đã mãi mãi vùi xác dưới những tòa nhà như vậy.

2009, Ngải Vị Vị đã treo 9.000 chiếc ba lô cặp sách trẻ em lên mặt tiền của bảo tàng Haus der Kunst tại Munich (Đức) với thông điệp tiếng Trung từ tâm sự của bà mẹ kể trên. Ông cũng bắt đầu tự coi mình là một “Nghệ sĩ” sau sự kiện này. Haus der Kunst là một tòa nhà lịch sử, nó được xây dựng cho Hitler – người được coi là kịch liệt phản đối nghệ thuật trừu tượng cũng như những “mầm mống” của chủ nghĩa siêu thực. Do đó, việc bao phủ mặt tiền của tòa nhà bằng gần một vạn ba lô trẻ em có thể coi là một hành động “chính trị”, một thực hành kịch tính về nhiều mặt.

Tác phẩm truyền đi một thông điệp cụ thể. Nạn nhân muốn được nhắc đến và họ có một cái tên cho mình. Người ta sửng sốt khi đứng trước tác phẩm và nó trở thành một dấu ấn để mọi người dành sự quan tâm cho những điều mà chúng ta không/chưa biết. Nó phản ánh một bi kịch trong đời thực về thân phận của con người.

Không lâu sau, Ngải Vị Vị bị chính quyền Trung Quốc tống vào tù. Và chúng ta tiếp tục được xem những tác phẩm khác của ông. Chúng xuất hiện ở Anh, ở Đức, ở Thụy Sĩ, ở Mỹ … bên trong những tổ hợp trưng bày danh giá nhất thế giới. Ngải Vị Vị cho rằng trận động đất Tứ Xuyên là một nhát cắt xuyên qua cuộc đời ông.

Tôi từng có nhiều trao đổi với bạn bè rằng Nghệ thuật có nhất thiết phải phản ánh quan điểm chính trị hay không. Có hoặc không, đều được. Tuy vậy, có một số nghệ sĩ như Ngải Vị Vị, tác phẩm của ông thường có ấn tượng thị giác mạnh và gây xúc động khi chúng ta bắt đầu đi tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Cá nhân tôi sẽ không thể tưởng tượng được nếu một ngày kia Ngải Vị Vị vẫn làm nghệ thuật mà không phản ánh quan điểm chính trị của ông qua đó.

Ông này sống và làm việc tại Berlin. Trước đây xưởng làm việc của ông ở gần nhà tôi nên thi thoảng có bắt gặp ông đi uống cà phê hoặc đi ăn mì ở những tiệm ăn nhỏ trong khu phố. Ông cư xử và ăn mặc bình thường, nhưng phần lớn mọi người, kể cả luật sư, bác sĩ đều biết ông ấy là một “nghệ sĩ”. Nghệ thuật cũng vậy, nó không nhất thiết phải khoa trương, người thực hành chỉ cần đặt khao khát và danh dự của mình vào đó đã là đáng quý rồi.

Lê Quang (Kiến trúc sư)

Đăng theo Facebook Le Quang với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.