Trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, việc Trung Quốc và Ấn Độ ủng hộ Nga xem bề ngoài thì như hình thành liên minh 3 nước, nhưng trò “tam quốc diễn nghĩa” này thực sự phức tạp hơn nhiều so với bề ngoài.

p3057431a698555248
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Nguồn: Bộ Ngoại giao Ấn Độ)

Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên làn sóng chống Nga mạnh mẽ trên toàn thế giới khiến nước Nga đang bị cộng đồng quốc tế cô lập ở mức chưa từng có tiền lệ. Dù vậy, lại có hai cường quốc rất quan trọng công khai hành động trái ngược, thậm chí còn âm thầm hỗ trợ Nga: Trung Quốc và Ấn Độ. Không đáng ngạc nhiên về Trung Quốc, vì từ lâu Trung – Nga đã theo hướng cấu kết tạo thành một trục ma quái; bất ngờ lớn là Ấn Độ – nước được xem là dân chủ và yêu chuộc hòa bình.

Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, Ấn Độ là một trong số ít cường quốc không lên án cuộc xâm lược của Nga. Không những thế, Ấn Độ cũng đã hỗ trợ kinh tế đáng kể cho Nga bằng cách mua một lượng lớn dầu của Nga. Theo thông tin, lượng dầu thô mà Ấn Độ mua từ Nga tiếp tục tăng, kể từ tháng Ba đến nay có khoảng 6 triệu thùng dầu đã được chuyển đến Ấn Độ từ Nga, tương đương một nửa trong tổng số 12 triệu thùng được giao trong cả năm 2021. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 1/4 đã có chuyến thăm đặc biệt tới Ấn Độ và ca ngợi vị thế của Ấn Độ, gọi “Ấn Độ là bạn của Nga”. Thái độ thân thiết đó là nhằm hy vọng rằng Ấn Độ có thể hợp tác với Nga để thực hiện các giao dịch hàng hóa thông qua hệ thống trao đổi thông tin tài chính của hai nước, hy vọng vượt qua các loại tiền tệ như USD và Euro, phá vỡ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga.

Dù quan điểm của Ấn Độ gây sốc nhưng cũng không đến mức quá ngạc nhiên. Từ lâu Ấn Độ đã luôn tìm cách thiết lập vị thế độc lập trong ngoại giao, còn trong xây dựng quân đội thì vẫn nhập khẩu các sản phẩm quân sự của Nga, Nga là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ. Đối với một nước đang mong muốn mở rộng sức mạnh kinh tế như Ấn Độ, việc tận dụng cơ hội mua dầu mỏ, vũ khí và các mặt hàng khác của Nga với giá rẻ cũng là vì lợi ích quốc gia của Ấn Độ. Ngoài ra, việc Ấn Độ không hài lòng về Mỹ lâu nay hỗ trợ Pakistan và hạn chế Ấn Độ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thái độ của Ấn Độ lần này.

Trung Quốc và Ấn Độ ủng hộ Nga, xem bề ngoài thì dường như là cục diện liên minh 3 nước, nhưng trò “tam quốc diễn nghĩa” này thực sự phức tạp hơn nhiều so với bề ngoài. Trước hết, Ấn Độ ủng hộ Nga nhưng không có nghĩa là Ấn Độ sẽ trở thành đồng minh của Trung Quốc. Từ lâu, Ấn Độ đã công khai rằng chừng nào còn các vấn đề về lãnh thổ thì quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không được cải thiện. Trong khi ủng hộ Nga, Ấn Độ vẫn tham gia vào các cuộc đàm phán 4 bên chống lại Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã nói rõ trong cuốn sách về các nguyên tắc chính sách đối ngoại của Ấn Độ rằng một trong những thách thức chính của Ấn Độ là “sự trỗi dậy của một Trung Quốc hung hăng hơn”. Gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Ấn Độ, muốn nhân cơ hội lôi kéo Ấn Độ nhưng e rằng chỉ uổng công.

Điều đáng để quan sát hơn là thái độ của Nga. Nga nhận thức rõ về cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng như những mâu thuẫn không thể hòa giải về vấn đề lãnh thổ của họ, nhưng Nga chưa bao giờ chọn một bên giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Một câu hỏi đáng chú ý: Giả sử xảy ra xung đột quy mô lớn giữa Trung Quốc và Ấn Độ thì Nga sẽ đứng về phía nào? Việc Nga lâu nay giúp Ấn Độ  tăng cường sức mạnh quân sự thực sự đe dọa lợi ích của Trung Quốc, điều này làm cho mối quan hệ “tam quốc diễn nghĩa” giữa Trung Quốc, Nga và Ấn Độ càng trở nên phức tạp hơn.

Tóm lại, Trung Quốc có khuynh hướng thân Nga về vấn đề chiến tranh Nga-Ukraine, toan tính xây dựng liên minh Trung – Nga chặt chẽ để cùng đối phó với phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Nhưng người ta vẫn nghi ngờ liệu Nga và Putin có thực sự thiện chí đáp lại sự ủng hộ của Trung Quốc hay không. Mức độ giữ cân bằng lớn giữa Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy Nga chưa bao giờ yên tâm về Trung Quốc và hy vọng sẽ dùng Ấn Độ để cân bằng kiềm chế Trung Quốc, để ngăn Trung Quốc đe dọa lợi ích của Nga. Về cuộc chiến này, nhìn bề ngoài thì có vẻ cho thấy Trung Quốc, Nga và Ấn Độ là cùng đoàn kết trong chiến tuyến, nhưng những liên minh như vậy đều có nền tảng dựa trên những lợi ích cụ thể chứ không có bất kỳ gắn kết ý thức hệ nào.

Sự kết hợp của ba nước có thể hình dung bằng cụm từ “đồng sàng dị mộng”!

Vương Đan
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân của tác giả, được đăng trên RFA.)