Ảnh minh họa (pixabay.com)
Ảnh minh họa (pixabay.com)

Ông trẻ từ xa đến chơi, ăn cơm trìu mến hỏi tôi:

– Bây giờ cháu làm nghề gì?

Suy nghĩ vụt qua đầu loẹt xẹt. Biết nói gì đây? Cháu làm trợ lý dự án, thỉnh thoảng dịch dọt kiếm thêm, khi có cơ hội thì tham gia nghiên cứu, tuần một lần làm MC tình nguyện ở câu lạc bộ Ca trù. Cuối cùng, nghĩ chắc ông trẻ đằng nào cũng sẽ không quen thuộc với các loại công việc này, tôi ngần ngừ nói.

– Cháu cũng làm linh tinh thôi ạ.

“Linh tinh” theo cách hiểu của tôi tức là gồm nhiều thứ khác nhau, tạp pí lù, mỗi thứ một ít. Tức là cháu không phải kế toán, nhân viên ngân hàng, giáo viên hay bác sĩ, không có một công việc làm 40 tiếng một tuần, 12 tháng một năm. Tôi nghĩ đơn giản thế, ai dè khi ông trẻ về thì bị cả nhà mắng vì tội hỗn láo, trả lời người lớn không tử tế.

– Nói như thế có khác nào tỏ ra là không muốn nói chuyện nữa. Cùng lắm thì bảo cháu đang tìm việc, chưa có chỗ nào ổn định, hay đang làm hợp đồng tạm.

Sau nhiều lần được hỏi về công việc, tôi dần hiểu ra rằng, khi người đối diện không đặt mình được vào một cái hộp, cả mình và họ đều sẽ rất bối rối. It is not easy to not fit in a box. Sau đây là những hiểu lầm phổ biến nhất mà tôi thường xuyên phải giải thích khi được hỏi “Bây giờ làm gì?”

1. Không được ra ngoài

Phần lớn mọi người nghĩ rằng, nếu không có một công việc cố định để sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, một văn phòng để đến, có nghĩa là tôi suốt ngày ru rú ở nhà, xa lánh thế giới, sợ gặp người lạ. “Bạn vẫn quyết tâm ở nhà sao?” – Một người bạn của tôi đã thảng thốt kêu lên như thế, như thể “ở nhà” là một hình phạt kinh khủng nhất quả đất.

Không đi làm thì sẽ không được diện quần áo đẹp, không được gặp gỡ người này người kia, không được cập nhật xu thế xã hội. Thật là buồn!

Nhưng tôi chẳng thấy buồn gì cả, ngược lại còn thường xuyên thấy mình may mắn khi không phải lao ra ngoài đường để hít bụi và khói xe vào giờ tan tầm. Tôi có thể lượn đi ăn phở lúc 9 giờ sáng, đi tập thể dục ở công viên lúc 4 giờ chiều. Khi người ta hùng hục lao vào hố nước ngập để đến sở làm những ngày mưa to gió giật, tôi được an toàn ở nhà.

Còn nhu cầu gặp gỡ người khác và diện váy áo thì sao? Kì thực, nếu thay đổi cách nghĩ một chút, người phải đến văn phòng mới là người không-được-ra-ngoài. Bạn lao từ căn phòng ở nhà mình, đến một căn phòng trong một tòa nhà khác, giam mình giữa bốn bức tường trong 8 tiếng, chỉ có một số ít đồng nghiệp làm cùng được chiêm ngưỡng bộ váy đẹp và gương mặt trang điểm kì công của bạn. Tôi thỏa sức đi hội thảo, dự tọa đàm, hẹn những người tôi muốn gặp, đến những lớp học tôi thấy cần cho sự phát triển của mình. Tôi ra đường khi nào mình muốn. Còn bạn, ăn trưa muộn quá 15 phút cũng phải vội vã trở về giam mình trong bốn bức tường.

2. Không có chí tiến thủ

Một người bạn khác nói với tôi rằng: “Chắc em chẳng bao giờ ganh đua với ai, vì nếu thế thì em đã phải lao ra đường, để làm bà này bà kia cho bằng người ta chứ.” Tôi là một đứa rất hay ghen tị, nhưng rất may là tôi không mong làm bà này bà kia.

Một mặc định khác hay bị gán cho những người làm việc tự do là họ không có nhu cầu tiến thân, an phận thủ thường, thậm chí chây ỳ và lười biếng. Điều này có thể đúng trong trường hợp người ta ở nhà vì không tìm được việc. Trong trường hợp của tôi, việc ở nhà là một lựa chọn, và rất nhiều khi, lựa chọn ấy vất vả hơn nhiều người có một công việc truyền thống.

Làm freelancer có nghĩa là tự mình phải lo từ khâu quảng cáo, ứng tuyển, chăm sóc khách hàng và cũng tự làm kế toán, hậu cần, vân vân và vân vân. Bạn nghĩ rằng liên tục tìm kiếm công việc mới, liên tục cạnh tranh với hàng trăm, hàng ngàn người cũng bán dịch vụ giống như mình, liên tục phải làm khách hàng hài lòng để họ tiếp tục quay lại với mình, như vậy là dễ dàng và nhàn hạ sao?

Làm việc tự do có nghĩa là không ai phải trả cho tôi mức lương cố định vào cuối mỗi tháng. Tôi chỉ có thể dựa vào hiệu suất làm việc của mình để đảm bảo dòng tiền vào. Đi nghỉ cũng phải vác máy tính theo và dậy sớm hơn mọi người để hì hụi làm việc. Nhiều khi phải ăn vội bát cơm, nhờ chồng rửa bát rồi tiếp tục chiến đấu đến 3 giờ sáng để đảm bảo kịp deadline. Sự uy tín khi bạn làm tự do quan trọng hơn nhiều. Vì không ai thuê bạn, người ta cũng chẳng khó khăn gì để tìm người khác nếu một lần bạn không giao sản phẩm đúng hạn.

Chí tiến thủ của tôi được đo bằng lượng công việc đổ đến, không phải bằng số gói quà tết cần biếu sếp này sếp kia. Rất may, tôi thích làm việc một mình, nên chức tước không phải là thước đo thành công mà tôi hướng đến.

3. Ít bạn

Cái này cũng hơi liên quan đến hiểu lầm đầu tiên. Một người không đi làm ở đâu, hẳn là ít khi ra khỏi nhà, suy ra chắc chắn ít bạn.

Một ngày xa xưa rồi, khi tôi còn phải đến một văn phòng để làm việc tuần 5 ngày, tôi đã tự nhủ, chắc chắn mình không thích hết giờ làm việc lại tiếp tục giao lưu với các đồng nghiệp. Một phần ba ngày trong tuần đã ở cạnh cho rồi, những giờ phút hiếm hoi còn lại phải dành cho những người khác trong cuộc đời mình chứ.

Một người đi làm ở một công việc cố định sẽ có thêm bao nhiêu người bạn ngoài các đồng nghiệp làm cùng bộ phận với mình? Trong số những người họ gặp gỡ, ăn uống cùng, đi chơi cùng từ công việc, bao nhiêu sẽ trở thành bạn, bao nhiêu mãi mãi chỉ là người quen?

Còn freelancer như tôi, bạn bè đến từ khắp nơi không liên quan đến công việc. Bạn cùng sở thích gặp qua Facebook, bạn cùng lớp học (vì freelance nên có thể xếp lịch làm việc buổi tối để buổi sáng đi học tiếng Pháp), bạn ở chỗ tập thể dục, bạn gần nhà. Vì không có sức ép phải cười duyên với những người mình không ưa chỉ vì họ làm cùng hay có liên quan đến nhau vì công việc, nên tôi thoải mái giao du với những người tôi quý, và có thể học hỏi từ họ.

4. Không đáng tin

Ông tổ trưởng đưa đến một bản khai, yêu cầu ghi rõ nghề nghiệp của từng thành viên trong nhà. Tôi ghi mình là “lao động tự do”, ông nội giãy nảy, chắc nghĩ từ đấy chỉ dùng để miêu tả những người làm nghề không có kĩ năng, kiểu như bán rong hay bốc vác. Tôi cũng gặp vấn đề này mỗi khi cần giới thiệu bản thân trong những dịp nghiêm túc. “Chị làm ở bên nào ạ?” – “Ơ, mình làm việc tự do thôi“. Thế là tôi có thể cảm thấy những ánh mắt nghi ngại hướng về phía mình.

Theo như ngôn ngữ đời thường, tôi là một đứa không thuộc cơ quan đoàn thể nào quản lý, chính vì thế, có vẻ không đáng tin. Lúc nào tự tin oai phong lẫm liệt thì giới thiệu là “nghiên cứu viên độc lập”, nhưng bình thường để đơn giản hóa thì chỉ phẩy tay “em dịch tài liệu kiếm ăn”, hoặc đơn giản nữa là “làm việc trên mạng Internet”. Không dễ gì cho những người mới quen tin cậy với những danh xưng kiểu như thế, nhưng rất may là tôi không cần phải quen quá nhiều người để duy trì công việc của mình.

Cuối cùng, một công cụ rất đắc lực mà phần lớn người Việt chưa sử dụng triệt để là mạng xã hội LinkedIn. Tôi đã có kha khá các lời mời làm việc từ đây mà ra, một số không đi đến đâu vì không phù hợp, nhưng một số thật sự rất béo bở. Vừa dành cả tuần để tút tát lại profile, nên nếu bạn nào đã có LinkedIn thì kết nối nhé.

https://vn.linkedin.com/in/nguyenhongvan

Ngày trước cũng đã từng viết một bài về chủ đề này để giải thích về những khó khăn cũng như lợi thế khi làm việc tự do, bới lại mang ra đây để ai còn lăn tăn phải có công việc ổn định thì đọc.

https://kechuyen.org/2014/01/freelance-nen-hay-khong/