Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, ông Hoành Hà (Heng He) nói rằng việc Trung Quốc có phong tỏa chống COVID-19 hay không, không phải vì tình hình dịch bệnh thay đổi, mà là vì sự thay đổi về chính trị, đây là quyết định chính trị.

bieu tinh o Trung Quoc
Hơn 50 trường cao đẳng và đại học ở Trung Quốc phát động biểu tình, hưởng ứng “Phong trào Giấy trắng”. (Chụp màn hình video)

Ông Hoành Hà nói, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước đó còn hô hào kiên định với ‘Zero COVID’, rồi đột ngột thay đổi. Là một nước lớn với dân số đông đúc lại bị phong tỏa lâu như vậy, đột ngột dỡ bỏ phong tỏa mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào, khiến người dân bị động trong ứng phó với dịch bệnh, thật là một hành động vô trách nhiệm. Đạo lý ở đây là gì? Đây không phải là cách cai trị đất nước và đối đãi với người dân một cách bình thường.

Ông thẳng thừng nói rằng việc bỏ phong tỏa này không liên quan gì đến dịch bệnh. Bởi vì sự đột biến của virus hay mức độ lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng không thay đổi trong những tháng gần đây. Biến chủng Omicron bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, đến tháng Giêng năm nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận ra khả năng lây lan của chủng này tuy mạnh nhưng tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Do vậy từ cuối tháng Giêng năm nay, WHO đã nhận định đây có thể là cơ hội để chấm dứt dịch bệnh COVID-19. Nhiều người đã chỉ ra đây thực chất là một loại vắc xin tự nhiên, bởi vì sau khi nhiễm chủng Omicron có thể giúp tăng sức đề kháng và tăng khả năng miễn dịch, như thế chẳng phải Omicron là vắc xin tự nhiên sao?

Cảnh hỗn loạn tại Trung Quốc hoàn toàn do ĐCSTQ gây ra

Chuyên gia chống dịch hàng đầu của ĐCSTQ là ông Chung Nam Sơn, trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã đăng hôm 10/12, đã bẻ ngoặt nói rằng tỷ lệ gây tử vong của chủng Omicron là rất thấp, chỉ nhẹ như bệnh cúm. Tuyên bố của ông nhận về nhiều chỉ trích rằng “chế độ độc tài có khả năng làm bất cứ điều gì, kể cả việc thay đổi dữ liệu khoa học”.

Ông Hoành Hà nói rằng nếu Trung Quốc có tự do thông tin, người dân có thể tự tìm hiểu đối chứng, qua đó dễ dàng biết được đặc tính của chủng Omicron, từ đó sẽ không hoang mang đến mức độ như vậy. Người Trung Quốc hoang mang, cũng không hẳn vì họ không hiểu về virus, mà là họ hoàn toàn mù mờ về tình hình dưới kiểu tuyên truyền một chiều của ĐCSTQ, họ không có thông tin nào khác. Trong khi thông tin do ĐCSTQ tung ra thường xuyên gây hiểu lầm, điều này không thể trách được người dân. Do đó, cảnh hỗn loạn tại Trung Quốc như đã thấy hoàn toàn là do ĐCSTQ gây ra.

Ông Hoành Hà cho rằng quyết định đột ngột dỡ phong tỏa của ĐCSTQ là vì mục đích chính trị, chứ không dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học nào. Toàn bộ tính toán hành động của họ không liên quan gì đến dịch bệnh, và đã gây ra tác hại đặc biệt lớn. Thành phố Thượng Hải bị phong tỏa lâu như vậy là việc quá phi lý khiến bất kỳ nước nào cũng không thể tin được, sau đó lại khiến công ty Foxconn thành ra như thế, toàn hệ thống của Apple phải sơ tán, toàn bộ nhà máy sản xuất chuẩn bị rút khỏi Trung Quốc Đại Lục. Thử nghĩ có bao nhiêu việc làm sẽ bị mất đi? Ai còn dám tới Trung Quốc để làm sản xuất nữa? Không ai đến thì vấn đề việc làm sẽ như thế nào? Phải giải quyết thế nào? Một khi gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt sẽ ngay lập tức dẫn đến các vấn đề về kinh tế, đây là một chuỗi các vấn đề.

‘Phong trào Giấy trắng’ cho thấy người Trung Quốc mạnh mẽ hơn 10 năm trước

Ông Hoành Hà nói rằng trước khi có ‘Phong trào Giấy trắng’, hầu hết mọi người đều tin rằng Trung Quốc không còn hy vọng. Lòng dũng cảm trong phong trào dân chủ Thiên An Môn ngày 4/6/1989 của hơn 30 năm trước không biết đã mất đi đâu, tại sao lại biến mất. Không ai còn có thể nghĩ rằng sẽ xảy ra một cuộc biểu tình với quy mô lớn như vậy ở Trung Quốc, một cuộc biểu tình mà khiến ĐCSTQ phải thực sự nhượng bộ về chính trị. Đây là điều chưa từng xảy ra hơn 70 năm ĐCSTQ nắm quyền cai trị. Mặc dù không ngừng có những phản kháng và hy sinh lẻ tẻ, nhưng chưa bao giờ thấy bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Đảng. Đây là lần nhượng bộ đầu tiên. Trước đó ĐCSTQ đã từng có những chính sách thỏa hiệp và điều chỉnh, nhưng chưa bao giờ nhượng bộ rõ ràng và trực tiếp như vậy. Ngay cả phong trào ‘Đại nhảy vọt’ khiến hàng chục triệu người chết đói nhưng ĐCSTQ vẫn không thừa nhận sai lầm.

Ông Hoành Hà chỉ ra rằng so với phong trào dân chủ Thiên An Môn ngày 4/6/1989 thì ‘Phong trào Giấy trắng’ thực sự đã đạt được một bước tiến lớn. Cho đến khi kết thúc phong trào dân chủ Thiên An Môn ngày 4/6/1989, người Trung Quốc vẫn không có một khẩu hiệu nào chống lại ĐCSTQ, họ chỉ hy vọng ĐCSTQ không còn hủ bại và chỉ cần một chút thay đổi nào đó. Thế nhưng lần này, mặc dù quan điểm chung là dỡ bỏ phong tỏa, nhưng khẩu hiệu “ĐCSTQ trả lại quyền lực” được hô vang ở nhiều nơi, nghĩa là xuất phát điểm đã cao hơn nhiều so với sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Đây là một chuyện hoàn toàn bất ngờ. Ông Hoành Hà nghĩ rằng chính những người tham gia biểu tình cũng sẽ rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều người cùng chung chí hướng với họ như vậy. Từ vấn đề này cho thấy người Trung Quốc đã đạt được tiến bộ vượt bậc so với nhiều thập niên trước đây.

Tuy nhiên, nhiều người ở Trung Quốc Đại Lục vẫn còn trong tình trạng tê liệt ý chí chính trị, chỉ có một số ít người đứng lên đấu tranh. Về điều này, ông Hoành Hà nhận định, như vẫn thấy sự thay đổi triều đại thực ra luôn chỉ do một số ít người thúc đẩy chứ không bao giờ là đa số, dĩ nhiên cũng cần có được hưởng ứng từ đa số, nhưng dù sao một khi con sóng ập đến thì đa số không ở thế chủ động tại đỉnh ngọn sóng, mà bị cuốn đi bị động theo con sóng. Điều này không có gì phải lo lắng. ĐCSTQ dưới thời ông Lưu Thiếu Kỳ nắm quyền đã nhận được 99,9% ủng hộ, khi sửa lại kết luận oan sai đối với ông ấy cũng nhận được 99,9% ủng hộ. Thời thế tạo anh hùng, khi thời thế đến sẽ tự có người đứng lên, và đa số còn lại sẽ bị động cuốn theo thời thế.

Lý Nhuệ
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân của ông Hoành Hà, được đăng trên Vision Times.)