Mình luôn nghĩ về làng Mụa như một vệt mờ sương trong kí ức buồn nhưng nhức. Có chút gì đó xa xôi mà lại vô cùng gần gụi. Có chút gì đó xót thương mà lại rất đỗi nhớ nhung. 

Ảnh minh hoạ (Nhiếp ảnh gia: Rehahn)
Ảnh minh hoạ (Nhiếp ảnh gia: Rehahn)

Bởi đó là làng của bác mình. Bác là chị ruột của mẹ. Suốt cả thời thơ ấu, bác là người duy nhất mình biết ở cả hai bên nội ngoại có quan hệ ruột rà máu mủ.

Bên nội chỉ độc bố mình, anh em cũng chỉ là thúc bá.

Bên ngoại có mẹ và bác, hai chị em gái.

Vậy thôi.

Mà bác thì nghèo nàn và khổ sở cùng cực.

Cả cái làng Mụa hầu như nhà nào cũng nghèo cũng khổ. Nghèo đến xác xơ xơ xác.

Mình thường tẩn mẩn nghĩ về cái tên làng. Tên Mụa gợi một niềm thống khổ cần lao. Hồi nhỏ, mình hay hình dung làng Mụa như dáng một người nông dân gầy tong teo đang quỵ xuống, xụm xuống vì những nhọc nhằn.

Có thể bởi ngay từ khi ấy, mình đã có ấn tượng rất rõ nét về những rụi rọ, vẹo vọ, cạu cọ, lọ mọ của những mái lá tường đất mà người ta gọi cho sang miệng là những cái nhà của làng.

Làng Mụa nằm cách làng mình khoảng bốn, năm cây số. Nhưng chẳng khác gì ốc đảo.

Làng Nghè của mình cũng toàn người nghèo, như kiểu nhà mình. Nhưng dẫu sao cái địa thế phong thủy của nó cũng gợi cho người ta sự sum vầy, tươi tốt. Núi đồi trập trùng gối đầu lên nhau mơ màng. Sông suối uốn khúc quanh co. Chè tươi ấm mượt.

Sắn khoai bời bời. Lại còn bến nước, cây đa, rặng nhãn… hài hòa, yên ả…

Nhưng làng Mụa, chỉ cách mấy cây số thôi mà khác hẳn.

Cái vẻ tiêu điều của làng không giấu vào đâu được, không lẫn vào đâu được. Dăm ba mái nhà ngói chòi lên giữa toàn những mái lá loi thoi. Vài ba cây nhãn còi cọc cố vươn lên rồi mà không chịu nổi nắng nôi, lụt lội cứ choằn cả xuống. Đến cả tiếng gà trong làng cũng có cảm giác yếu ớt, xo xúi, lụi tàn.

Buồn nhất là vào mùa nước lũ.

Cả làng loi ngoi trong bốn bề mênh mông là nước.

Mình nhớ có đận hai bố con ra thăm bác, đứng ở làng bên cạnh, nhìn thấy nhà bác rồi mà chịu không có cách nào vào nổi vì mình còn nhỏ quá không thể lội được. Bố bèn bỏ mình vào cái thúng đội lên đầu rồi bì bõm hàng giờ mới vào được nhà bác.

Làng đã nghèo thế mà nhà bác lại thuộc diện nghèo nhất làng.

Bác trai mất sớm nên bác ở vậy nuôi ba người con.

Anh chị nào cũng ngơ ngác, ngác ngơ. Chị con gái út thì nặng hơn cả. Người làng gọi chị là đồ dở người.

Bác sống bằng nghề bán thuốc nam. Hàng tuần, bác đi bộ cả vài chục cây số kiếm lá trên đồi hay trong rừng về làm thuốc. Chẳng hiểu có ai tin nổi cái thứ thuốc từ một bà già đen đúa, ốm o như bác hay không nhưng thấy cứ vài hôm bác lại đem về một bao các loại lá, rồi phơi rồi sắc ì sèo.

Nhưng nguồn thu nhập chủ yếu là từ nguồn “viện trợ” của nhà mình.

Dẫu đói nghèo nhưng cả nhà mình vẫn đùm bọc bác. Hễ có miếng gì ngon, bố mẹ lại sai mang ra nhà bác.

Đến khi mình lớn lên, đi làm có chút tiền, bao giờ mình cũng có ý bớt một phần nho nhỏ biếu bác.

Khổ nỗi tiền nong vào tay bác cứ bị xâu xé tơi bời vì mấy anh chị con bác, khi thì họ tỉ tê xin, lúc thì họ rút trộm. Thành thử bác cứ túng quẫn suốt tháng quanh năm.

Đã thế lại còn liên tục mâu thuẫn với các con. Hết cãi nhau với đứa này lại làm hòa với đứa kia, hết ở với đứa này xong cãi nhau lại chuyển đến nhà đứa khác. Thành thử có ba đứa con mà điệp khúc vòng quanh cứ tiếp nối từ tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác.

Mỗi lần ra thăm bác mình lại phải dò hỏi xem dạo này bác “hòa hiệp” với anh chị nào để biết đường mà ghé vào.

Nhưng rồi, cái điệp khúc ấy cũng đến lúc dừng lại. Ấy là khi bác chẳng “chơi” được với đứa nào.

Bác cất một cái chòi ra ở riêng.

Chiếc chòi bé đúng bằng cái lều vịt. Trong chòi có dăm ba cái nồi sứt sẹo và một cái ổ lót bằng rơm. Chấm hết.

Chòi nằm giữa cánh đồng, thông thốc gió lùa tứ phía.

Có đợt mình ra thăm bác đúng độ gió mùa đông bắc, rét thấu xương. Từng đợt gió lùa phũ phàng qua mang tai buốt nhói. Thương bác ứa nước mắt. Mình ôm bác vào lòng, thủ thỉ: Bác ăn ở thế này sao được. Cháu đón bác vào ở với mẹ cháu nhé. Bác cười lộ hàm răng đen khấp khểnh: Bác cũng muốn vào nhà mày lắm chứ nhưng các anh chị mày chúng nó không cho vào đâu.

Chúng nó bảo mẹ vào đó thì chúng con lại mang tiếng là không nuôi được mẹ.

Trời ạ, cái thói sĩ diện nó nguy hiểm thế đấy, nó len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống và không từ cả cái góc làng nghèo tối tăm của những anh chị con bác.

Mình hỏi bác, ở giữa đồng không mông quạnh thế này bác lấy nước đâu mà dùng, bác chỉ ra cái vũng trâu đầm bên cạnh thửa ruộng, nước leo theo ken đặc bèo tấm và hăng hắc mùi bùn. Nghĩ đến việc hàng ngày bác ăn uống tắm giặt bằng thứ nước ấy, mình không khỏi rùng mình. Mình lại hỏi, sao bác không lấy nước ở ao. Bác bảo, ao đó của nhà con gái, nó không cho dùng!

Hết nhẽ, mình ngán ngẩm nhụi đầu vào trong cổ áo, giấu những giọt nước mắt mặn mòi.

Vậy mà lần nào thấy mình đến, chị con gái bác cũng chạy sang. Mắt hấp háy, miệng cười như rang lạc. Chị lơ đãng, nên chẳng ma nào lấy. Chẳng biết nhặt nhạnh ở đâu được đứa con gái, chị đem về nuôi. Mà tội nghiệp lắm, cái con bé cũng dở người như mẹ, lại còn thêm cả bệnh động kinh.

Nên mình chẳng nỡ trách chị, chỉ thấy xót xa thương. Mình rút tiền ra cho. Chị lại cười hềnh hệch, hồn nhiên như chưa từng biết đến cõi trần ai khổ ải.

Sau lần ấy, mình dành dụm tiền dựng cho bác một cái nhà nho nhỏ, mua sắm những vật dụng cần thiết trong nhà. Bác tự hào lắm, đi đâu cũng khoe: Cháu tôi xây nhà, sắm sanh cho tôi đủ thứ đấy!

Trước khi sang Nhật công tác, mình lận lưng trích một khoản tiền nhỏ biếu bác. Mình dặn mẹ và em gái hàng tháng ra chơi thăm bác thì mua sắm chi tiêu cho bác chứ đừng đưa tiền, bác chẳng giữ nổi đâu. Vậy mà có lần gọi điện về, nghe mẹ khóc tu tu. Mẹ bảo, nhà cái Hàng (tên chị con gái bác) bị cháy, nó cuỗm sạch tiền nong, chăn màn, quần áo của bác mày rồi bỏ nhà đi ăn xin rồi con à… Mình gác máy, nghe thốn nghẹn nơi tim.

Về phép, việc đầu tiên là mình hộc tốc ra thăm để “tiếp tế” cho bác. Mình lại ôm chặt bác vào lòng, nước mắt chảy ngược vào trong nhức buốt.

… Làng Mụa vẫn tiêu điều. Có khác chăng là ở giữa làng mọc lên mấy căn nhà to chình ình, nghe bảo nhà ấy có người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi tiền về.

Làng thay tiếng gà eo óc bằng tiếng hát karaoke và tiếng gầm rú của mấy cái xe máy Tàu đinh tai nhức óc.

Nhiều âm thanh hỗn tạp hơn mà thấy lòng buồn trống hoang trống hoải.

Rồi bác mất. Như một quy luật tự nhiên. Chiếc lá quá mỏng mảnh và cằn cỗi cả một đời cũng đến lúc rơi về đất mẹ.

Rồi đến anh con cả bác mất. Mới hơn 50 tuổi đầu mà mất. Chắc tại anh uống nhiều rượu. Quanh năm vùi mình trong những cốc rượu quên ngày tháng, rồi đến lúc rượu chôn anh.

Rồi đến anh thứ mất. Cũng còn trẻ. Cũng lại là những cái lí do liên quan đến túng thiếu, nghèo đói, cãi cọ và rượu.
Chỉ còn chị “dở người” với đứa con động kinh.

Nhưng rồi đứa con chị cũng mất. Nghe đâu cháu bị lăn xuống ao đúng lúc động kinh nên không cứu được.

Viết đến đây thấy tay mỏi rã rượi, thấy lòng nghẹn thắt, chầm chậm dâng lên nỗi xót cay, buồn đắng đót.

Cả gia đình bác đã gần như tan hoang đi, như lùi xa bên góc cái làng Mụa đơn độc và bất lực.

Nhưng hình như đó chưa phải là cái kết cuối cùng.

Mới đây mình về quê để cải cát cho bác. Chị con gái bác nghe đâu giờ về ở gá với ông lão tuổi ngoại bát tuần. Gặp mình, chị lại cười nghềnh nghệch, cầm mấy đồng tiền mình biếu rồi phắn luôn như chưa từng quen biết, chẳng kịp thắp cho bác mình một nén nhang.

Và chao ôi là bầy cháu, bầy chắt của bác. Một đứa con trai lớn của anh cả đã kịp lấy vợ từ khi 18 tuổi và sinh năm đứa con, đứa lớn lộc ngộc thì quần áo te tua, miệng phì phèo thuốc lá, đứa nhỏ thì mũi dãi lấm lem lòng thòng như dãi khoai, mặt thất thần ngơ ngác. Và cả những đứa khác nữa, đều đã lấy vợ, lấy chồng từ rất sớm và liên tục sinh con đẻ cái.

Cái nghèo, cái khổ, cái hèn cứ nối tiếp mãi như chẳng có điểm dừng. Chúng cứ như thể những sợi dây buông dài từ đời này sang đời khác. Chúng quẩn quanh níu buộc. Chúng thít thắt những phận người, ngột ngạt, tù túng và bế tắc.

Nhưng hình như chẳng ai biết buồn.

Lũ trẻ chạy lăng xăng, cười nói liên thiên, hoa tay múa chân và uống rượu quên trời cao đất thẳm.

Chỉ có mình là ngơ ngác.

Chỉ có mình cứ xót xa, dứt day day dứt…

Mình thương nhói lòng những đứa trẻ lớn lên chưa kịp đến trường, chưa kịp biết thế nào hạnh phúc đã ngập ngụa trong trong men rượu, trong khói thuốc, trong những lời quát tháo, những trận đòn roi của các ông bố bà mẹ vừa mới bước vào tuổi thành niên.

Và mình thương làng Mụa. Với những “công dân” như thế này làng Mụa và biết bao làng quê khác sẽ còn eo óc, sẽ còn u ám đến bao giờ?

Mãi mãi đọng lại trong mình là ấn tượng về những cái Tết tuổi thơ. Sáng mồng một năm nào mấy chị em cũng líu tíu nắm tay nhau bám áo bố mẹ đến nhà bác chúc Tết.

Và mùa xuân nào cũng khát khao mong rồi sang năm sẽ khác, rồi làng Mụa sẽ khác.

Thế mà năm nào rồi cũng gió bấc mưa phùn ấy, cũng những nỗi buồn tê tái ấy.

… Nhưng rồi lòng lại nhủ lòng, dẫu sao trong thẳm sâu con tim của mỗi người trong gia đình mình vẫn luôn có một góc ấm áp dành cho bác.

Như khúc ruột níu nương ràng rịt.

Như trong gió bấc mưa phùn vẫn thấy lốm đốm những sắc mai hoa vàng ứa nắng.

Mình thầm thĩ với lòng như thế và lặng lẽ cắm lên mộ bác một cành hoa.

Gió liu thiu, cánh hoa tan vào trong gió, thoảng bay về hướng làng – làng Mụa của bác mình!

(Đêm trở gió, rạng sáng 15/12/2016)