Một bài thi đạt điểm tuyệt đối trong môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đang dấy lên nhiều ý kiến phản biện trong công luận, khi thí sinh cho hay đã vận dụng một hình ảnh từ văn chương nước ngoài vào bài, song thực tế lại sai lệch hoàn toàn cả về tác phẩm lẫn hàm ý ẩn dụ từ nhân vật. Đa số ý kiến cho rằng việc cho điểm tuyệt đối với sai sót như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong giáo dục, với cái sai trước hết của người chấm thi/người làm thầy.

Xin dẫn một bài viết của tác giả Huỳnh Duy Lộc để độc giả cùng hiểu rõ hơn về tác giả và tác phẩm nói trên.

kỳ thi thpt
(Ảnh minh họa: Panitanphoto/Shutterstock)

Em Dương Ngọc Trâm, học sinh Trường THPT Chu Văn An (An Giang), đã đạt điểm 10 môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay. Bài văn của em có liên hệ với tác phẩm “Gatsby vĩ đại” nhưng phân tích của em cho thấy em chưa hề đọc tác phẩm này và giám khảo chấm thi cho em điểm 10 cũng chưa hề đọc như em!

Dương Ngọc Trâm chia sẻ về bài Văn được điểm 10 của mình: “Em đã liên hệ với tác phẩm “Đại gia Gatsby”. Nhân vật chính trong tác phẩm này xuất phát điểm là một người nghèo đói, nhưng anh vẫn sẵn sàng ra trận để chiến đấu. Khi trở lại, anh chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mỹ trong những năm 50. Em đã liên hệ với nhân vật này để làm dẫn chứng cho “những người đã làm ra đất nước”. (1)

Nhưng, Gatsby có “chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mỹ” và là điển hình của “những người làm ra đất nước”?

dethi monvan totnghiep tn 2020 1 655x1024 image
Đề thi môn Ngữ Văn – kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Để hiểu thêm về tác giả F. Scott Fitzgerald

F. Scott Fitzgerald tên thật là Francis Scott Key Fitzgerald, sinh năm 1896 ở thành phố St. Paul, bang Minnesota, thuở thiếu thời phải chuyển đi nhiều nơi từ St. Paul đến Buffalo và Syracuse ở bang New York vì cha anh thất bại trong việc kinh doanh, phải làm người chào hàng cho hãng Procter & Gamble. Năm anh lên 12 tuổi, cha anh mất việc và cả gia đình lại trở về St. Paul sống qua ngày với chút tài sản thừa kế của mẹ anh, một phụ nữ gốc Ireland theo đạo Công giáo.

Từ nhỏ, Scott Fitzgerald là một cậu bé đẹp trai, thông minh, có nhiều tham vọng, là niềm tự hào của mẹ anh, người đã rất kỳ vọng ở anh. Năm 13 tuổi, khi đang học ở Trường St. Paul, anh có tác phẩm đầu tay là một truyện trinh thám được in trên nội san của trường rồi 2 năm sau, khi theo học Trường Newman, một trường học danh tiếng của Công giáo ở New Jersey, anh gặp một người thầy là linh mục Sigourney Fay, người đã phát hiện tài năng văn chương của anh và khuyến khích anh theo đuổi đam mê sáng tác văn học.

Năm 1913, sau khi tốt nghiệp trung học, anh quyết định ở lại New Jersey, theo học Đại học Princeton để có những kiến thức cần thiết cho việc sáng tác văn học. Anh viết kịch bản của những vở nhạc kịch của câu lạc bộ Triangle Club nổi tiếng, viết nhiều bài báo cho tạp chí Princeton Tiger chuyên đăng những truyện cười và nhiều truyện ngắn cho tạp chí văn học Nassau.

Vì đã dành hết thời gian cho việc sáng tác, anh không đủ điểm để lên lớp nên phải bỏ ngang việc học vào năm 1917 để nhập ngũ. Anh viết ráo riết cuốn tiểu thuyết đầu tay “The Romantic Egotist” và gởi ngay cho nhà xuất bản Charles Scribner’s Sons vì sợ là mình sẽ sớm tử trận và bỏ dở giấc mộng văn chương khi tham gia những trận đánh ác liệt của Thế chiến thứ nhất. Giám đốc nhà xuất bản Charles Scribner’s Sons từ chối in cuốn tiểu thuyết đầu tay này, nhưng vẫn khích lệ anh và dặn anh nếu sau này có viết thêm những tác phẩm khác thì cứ gởi cho ông.

Scott Fitzgerald vào lực lượng bộ binh với cấp bậc thiếu úy, đóng quân ở Trại Sheridan ở ngoại ô thành phố Montgomery, Alabama. Tại đây, anh đã gặp và yêu Zelda Sayre, một thiếu nữ 18 tuổi rất đẹp, con gái của một vị thẩm phán Tòa án tối cao ở bang Alabama. Chiến tranh kết thúc vào tháng 11 năm 1918 và ngay sau khi được giải ngũ, anh đến New York làm nghề viết quảng cáo, tạo lập cơ sở để thuyết phục Zelda Sayre kết hôn với anh.

Thế nhưng, chỉ sau vài tháng làm việc ở New York, anh trở về St. Paul, dành hết thời gian để viết lại cuốn tiểu thuyết đầu tay. Cuốn tiểu thuyết được viết lại có nhan đề “This Side of Paradise” là một cuốn tự truyện có nhiều hư cấu, kể về Amory Blaine, một chàng trai sinh trưởng ở miền Trung Tây có nhiều tham vọng, đã đem lòng yêu nhưng bị từ chối bởi hai cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu. Cuốn tiểu thuyết ra mắt vào năm 1920 được rất nhiều người khen ngợi và chỉ trong một sớm, một chiều, Scott Fitzgerald đã nổi tiếng là một trong những nhà văn trẻ có triển vọng. Chỉ một tuần lễ sau khi cuốn tiểu thuyết “This Side of Paradise” ra mắt, anh làm lễ kết hôn với Zelda Sayre ở New York và sinh được một cô con gái tên Frances Scott Fitzgerald vào năm 1921.

Với thành công rực rỡ của tác phẩm đầu tay, anh lao vào cuộc sống phù hoa, trở thành một tay chơi có hạng và tiếp tục mưu sinh bằng việc sáng tác truyện ngắn cho các tờ báo của những độc giả bình dân như The Saturday Evening Post và Esquire. Trong hằng hà sa số truyện ngắn anh viết cho các báo để kiếm tiền, cũng có một vài truyện ngắn có giá trị như “The Diamond as Big as the Ritz”, “The Curious Case of Benjamin Button”, “The Camel’s Back” và “The Last of the Belles”.

Năm 1922, cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh có nhan đề “The Beautiful and Damned” ra mắt, củng cố thêm vị thế của anh như là nhà văn chuyên viết những truyện châm biếm tầng lớp khá giả có nhiều tham vọng vào thập niên 1920, thời kỳ về sau sẽ được gọi là “thời đại nhạc jazz” mà theo lời anh là “thời đại của nghệ thuật, thời đại của những điều thái quá và thời đại của sự châm biếm”.

Năm 1924, vì muốn thay đổi khung cảnh sáng tác, anh sang Pháp và những ngày ở thị trấn Valescure, anh đã viết cuốn tiểu thuyết “The Great Gatsby” về sau được coi là tuyệt tác của anh.

Sau khi “The Great Gatsby” ra mắt (năm 1925), Scott Fitzgerald bắt đầu rơi vào khủng hoảng do chứng nghiện rượu nặng và vợ anh cũng khởi phát bệnh tâm thần. Vợ chồng anh phải nhiều lần trở lại bang Delaware rồi trở lại Pháp và những năm sau đó, bệnh tâm thần của vợ anh đã trở nặng.

Năm 1934, sau nhiều năm viết rất nhọc nhằn, anh cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ tư có nhan đề “Tender is the Night” kể về một bác sĩ tâm thần người Mỹ sống tại Pháp đã kết hôn và có một cuộc sống hôn nhân đầy xáo trộn với một nữ bệnh nhân giàu có. “Tender is the Night” không được đón nhận nồng nhiệt như cuốn tiểu thuyết “The Great Gatsby”, bán lay lắt chẳng được bao nhiêu lúc Scott Fitzgerald còn sống, nhưng về sau lại được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của Mỹ.

Sau 2 năm suy sụp tinh thần và khốn đốn vì chứng nghiện rượu, anh nhận lời viết kịch bản phim cho Hollywood và bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng “The Love of the Last Tycoon”, nhưng chưa kịp hoàn tất thì đột ngột từ trần vì một cơn đau tim ở tuổi 44 vào ngày 21 tháng 12 năm 1940 tại Hollywood, California.

“The Great Gatsby”

Tác phẩm để đời của Scott Fitzgerald là cuốn tiểu thuyết “The Great Gatsby” được đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường trung học và các trường đại học ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

“The Great Gatsby” là câu chuyện xảy ra sau năm 1922 do chàng thanh niên tên Nick Carraway kể lại: mở đầu câu chuyện, Nick, một thanh niên ở miền Trung Tây, chuyển đến West Egg, Long Island để làm nghề buôn chứng khoán và một thời gian ngắn sau đó, anh đến East Egg thăm cô em bà con là Daisy cùng với chồng cô là Tom Buchanan, một người bạn anh đã quen hồi còn học đại học.

Anh và vợ chồng Tom-Daisy đã gặp tay chơi golf chuyên nghiệp Jordan Baker cũng có cuộc sống giàu sang và phong lưu như Tom và Daisy. Đêm ấy, khi trở về nhà, anh thấy Gatsby, người láng giềng của anh, đứng một mình trên bãi biển, giơ hai tay về phía một đốm sáng xanh ở phía xa.

Một ngày kia, Tom rủ Nick đi gặp tình nhân của anh ta là Myrtle Wilson, một người phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu có chồng làm chủ một garage xe hơi và một trạm xăng, và cô ta đã gọi điện mời những người bạn đến tiệc tùng ở tổ uyên ương của Tom và cô ta. Khi bữa tiệc sắp tàn, mọi người đều say, Tom và Myrtle đã cãi nhau về Daisy, và Tom đã đánh tình nhân của mình gãy mũi.

Một đêm nọ, Nick được người láng giềng Gatsby mời dự bữa tiệc anh ta thường hay tổ chức để tiếp đãi những người thuộc thành phần thượng lưu, giàu có. Anh gặp Jordan Baker trong bữa tiệc và thấy chủ nhà Gatsby là một người rất hào hoa và hiếu khách, nhưng cũng đầy bí ẩn.

Khi mùa hè đến, Nick và Jordan Baker gặp nhau thường xuyên và anh cũng dần trở thành một người bạn thân của Gatsby. Nick và Gatsby vào thành phố chơi và tại đây anh đã gặp Meyer Wolfshiem, một người hợp tác với Gatsby trong công việc làm ăn có liên quan tới một tổ chức tội phạm. Cũng ngay trong hôm ấy, khi ngồi uống trà với Jordan Baker, anh nghe cô kể rằng Gatsby đã yêu Daisy, vợ của Tom, từ lâu. Gatsby và Daisy đã yêu nhau nhiều năm về trước, nhưng anh ta phải vào quân đội và rất nghèo, không thể lo cho Daisy có được một cuộc sống tươm tất. Những năm sau đó, khi rời quân ngũ, anh ta tìm mọi cách để làm giàu với mục tiêu duy nhất là có lại được Daisy. Anh ta đã mua một biệt thư gần nhà của vợ chồng Tom và Daisy, tổ chức những buổi tiệc tùng hàng đêm để Daisy đoái hoài tới anh ta và chờ cơ hội mời nàng tới dự tiệc một lần.

Gatsby đã nhờ Nick thu xếp để anh ta gặp lại người yêu cũ tại nhà anh, và Daisy đã đến để gặp lại Gatsby, cả hai thấy tình yêu ngày trước dường như vẫn còn. Gatsby lại mời Daisy và Nick đến thăm biệt thự của anh ta, cho Daisy thấy tất cả những tài sản đắt giá anh ta đã gom góp được suốt nhiều năm qua để giành lại người yêu cũ.

Nick được biết rõ hơn về cuộc đời Gatsby: anh ta tên thật là James Gatz, cha mẹ là những tá điền nghèo khổ; khi 17 tuổi, anh ta đổi tên thành Gatsby và gặp Dan Cody, một trùm tội phạm đã dẫn dắt anh ta vào công việc làm ăn mờ ám giúp anh ta nhanh chóng trở nên giàu có chỉ sau vài năm.

Gatsby đã mời vợ chồng Tom và Daisy dự một bữa tiệc và khi Tom mải mê săn đuổi những phụ nữ đẹp là khách mời dự tiệc, Gatsby và Daisy đã gặp nhau và trò chuyện với sự cảnh giới của Nick. Sau bữa tiệc, Gatsby tiết lộ với Nick ước mơ thầm kín của anh ta là lấy lại quá khứ. Gatsby, chàng trai hay mơ mộng, có tinh thần lý tưởng, luôn tin rằng mình có thể khôi phục trọn vẹn quá khứ đã mất.

Từ đó, Daisy và Gatsby gặp nhau thường xuyên và một ngày mùa hè nóng bức, Daisy đề nghị Gatsby và cùng với vợ chồng nàng vào thành phố chơi. Tom lái xe vào thành phố, khi ghé lại đổ xăng ở trạm xăng của chồng Myrtle Wilson, được biết ông ta đã ngã bệnh sau khi phát hiện vợ ngoại tình,và đang có ý định đưa vợ về miền Tây để xa lánh Tom.

Cả nhóm đến khách sạn Plaza tiếp tục nhậu nhẹt, Tom chất vấn Daisy, hỏi nàng thật sự yêu anh ta hay yêu Gatsby, nhưng nàng không dám trả lời. Khi vội vã trở về, Daisy cầm lái và chẳng may cán chết Myrtle Wilson, tình nhân của Tom, trước garage của chồng bà ta.

Khi Gatsby về đến East Egg, Nick được nghe anh ta kể rằng người cầm lái xe hơi lúc gây ra tai nạn chết người là Daisy, nhưng anh ta lại nhận hết trách nhiệm, nói với nhà chức trách rằng mình chính là người cầm lái. Sáng sớm hôm sau, Nick lại sang gặp Gatsby và lại nghe anh ta kể mối tình với Daisy có ý nghĩa lớn lao như thế nào trong cuộc đời anh ta.

Sau khi rời đi, Nick thấy trong lòng không yên và mọi chuyện đã xảy ra đúng như linh cảm của anh: chồng của Myrtle Wilson nghĩ Gatsby là người đã lái xe cán chết vợ, đã tìm tới biệt thự của Gatsby, giết chết anh ta rồi quay súng tự sát.

Đám tang của Gatsby làm cho Nick sửng sốt: vợ chồng Tom và Daisy bỏ đi du lịch ở phương xa, những người khách hay đến tiệc tùng ở nhà Gatsby chẳng hề buồn bã trước cái chết của anh ta và chẳng muốn đến dự đám tang. Đám tang của chàng Gatsby hào hoa, hiếu khách chỉ có Nick, cha của Gatsby và vài gia nhân tham dự.

Sau đám tang, Nick phải làm công việc thu xếp đồ đạc Gatsby để lại và đêm cuối cùng, trước khi rời đi, anh lại đứng trên bờ biển, nơi Gatsby đã từng đứng, giơ hai cánh tay về phía đốm sáng xanh ở phía xa và chợt có cảm nhận rằng mọi người đều giống như Gatsby: “Gatsby đặt niềm tin của mình vào đốm sáng xanh ấy, cái tương lai hoan lạc đang mỗi năm một lùi ra xa chúng ta hơn. Nó đã tuột khỏi tay ta rồi, nhưng có sao đâu! Ngày mai ta sẽ rảo bước nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn… Và một buổi sáng đẹp trời… Chúng ta cứ thế cố dấn lên như những con thuyền lội ngược dòng không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng”.

Huỳnh Duy Lộc

Đăng theo Facebook Huỳnh Duy Lộc với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Chú thích:

  1. https://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nu-sinh-dat-diem-10-mon-ngu-van-co-tong-diem-29-em-doc-sach-moi-luc-669734.html
  2. Nguyên tác “The Great Gatsby”:
    Bản pdf bản dịch tiếng Việt “The great Gatsby” của dịch giả Hoàng Cường:

Xem thêm: