Luật Chống Độc quyền (Antitrust Law) được ban hành với mục đích ngăn chặn sự độc quyền và khuyến khích cạnh tranh. Tuy nhiên, kể từ khi được ra đời vào năm 1890, lịch sử đã cho thấy Luật Chống Độc quyền không hề ngăn chặn độc quyền, mà trên thực tế, nó là một âm mưu được nuôi dưỡng nhằm hạn chế sự cạnh tranh.

Những luật này cho phép chính phủ điều chỉnh và hạn chế các hoạt động kinh doanh, bao gồm việc tác động vào quá trình định giá, sản xuất, can thiệp vào dòng sản phẩm hay thậm chí việc liên doanh, dưới vỏ bọc là nhằm ngăn chặn tình trạng độc quyền và kích thích cạnh tranh. Tuy nhiên, có một thực tế là chính phủ mới chính là nguồn cơn của sự độc quyền, thông qua các khoản trợ cấp đặc quyền “được pháp luật bảo hộ” cho các nhóm lợi ích trong nền kinh tế. Cách duy nhất để xóa bỏ độc quyền không gì khác ngoài việc bãi bỏ các quy định và xóa sổ thứ gọi là Luật Chống Độc quyền.

doc quyen
(Ảnh minh họa/iStock)

Luật Chống Độc quyền (Antitrust Law) là gì?

Luật Chống Độc quyền, hay Antitrust Law, là một tập hợp các luật của tiểu bang và liên bang Hoa Kỳ nhằm quy định hành vi và tổ chức của các tập đoàn kinh doanh để thúc đẩy cạnh tranh công bằng vì lợi ích của người tiêu dùng; tại các quốc gia nói tiếng Anh khác, luật này được biết dưới tên gọi là Luật Cạnh tranh (Competition Law).

Các quy định pháp lý gồm có:

– Đạo luật Sherman năm 1890;

– Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang năm 1914;

– Đạo luật Clayton năm 1914. 

Một số nạn nhân của Luật Chống Độc quyền

Một trong những vụ kiện Antitrust tai tiếng nhất tại Hoa Kỳ là trường hợp của tập đoàn Standard Oil của vua dầu lửa Rockefeller. Năm 1878, khi Thomas Edison phát minh ra bóng đèn điện đầu tiên và thay thế cho đèn dầu, thị trường dầu lửa lúc bấy giờ gần như chao đảo. Đứng trước thách thức đó, những cải tiến trong sản xuất của Rockefeller đã đưa ông trở thành một trong những cái tên huyền thoại về kinh doanh.

Trong thập niên 1880 và 1890, Rockefeller đưa Standard Oil thống trị ngành dầu lửa nhờ vào hiệu quả sản xuất và những chiến lược kinh doanh đại tài. Mặc dù gần như độc quyền thị trường, Rockefeller chưa bao giờ hạn chế nguồn cung giả để đẩy giá lên cao; trái lại, điều ông làm là sản xuất ra sản phẩm chất lượng với giá thấp nhất có thể. Dưới bàn tay của ông, giá dầu lửa giảm gần 80%. Qua từng năm, Standard Oil ngày càng phát triển và dần thâu tóm các đối thủ cạnh tranh, đồng thời mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp khác.

Sự lớn mạnh của Standard Oil khiến các chính trị gia và các nhà hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng lo lắng về một… viễn cảnh không tưởng, rằng Standard Oil sẽ thao túng toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ. Vì thế, một chiến dịch chống độc quyền bắt đầu hình thành với mục tiêu hạ gục Standard Oil. Cuối cùng, tập đoàn của vua dầu lửa Rockefeller cũng bị “khuất phục” bởi đạo luật Sherman dưới phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 1911, buộc Standard Oil phải chia tách thành 34 công ty nhỏ khác nhau.

chong doc quyen
Tỉ phú giàu nhất mọi thời đại Rockefeller từng là nạn nhân của Antitrust. (Nguồn: The Rockefeller Archive Center)

Microsoft cũng là một ví dụ điển hình cho các cuộc tấn công bằng Antitrust. Năm 2001, tập đoàn công nghệ của tỷ phú Bill Gates bị cáo buộc tích hợp trình duyệt Internet Explorer (IE) vào hệ điều hành Windows và gộp cả hai thành một sản phẩm, nhằm “ép buộc” khách hàng sử dụng những sản phẩm của hãng. Người ta cho rằng Microsoft đã vi phạm Luật Chống Độc quyền, cụ thể là điều 1 và điều 2 trong đạo luật Sherman.

Phía Microsoft cho rằng việc tích hợp hai sản phẩm này là thành quả của sự cải tiến và cạnh tranh; những người ủng hộ Microsoft nói rằng họ cảm thấy thỏa mãn vì nhận được sản phẩm bổ sung mà không phải mất thêm chi phí nào, đồng thời cho rằng các đối thủ cạnh tranh chỉ đang ganh tị với thành công của Microsoft. Những người chống lại Microsoft thì cho rằng IE và Windows là hai sản phẩm hoàn toàn tách biệt nhau và không cần thiết phải đưa vào hệ thống khởi động, họ quả quyết rằng chi phí cho việc tích hợp thêm IE đã được tính vào các chi phí marketing và nghiên cứu phát triển.

Vụ kiện năm ấy đã khiến chứng khoán của Microsoft sụt giảm kinh hoàng đến 14% chỉ trong 3 ngày, và gần như không thể hồi phục cho đến năm 2015. Nhà kinh tế học vĩ đại Milton Friedman đã lên tiếng cảnh báo bản án dành cho Microsoft đặt ra một tiền lệ nguy hiểm cho việc gia tăng các quy định của chính phủ, gây ảnh hưởng tới thị trường tự do và ngăn cản sự tiến bộ công nghệ trong tương lai.

Ngày 7/6/2017, bà Margrethe Vestager, ủy viên Châu Âu phụ trách các vấn đề cạnh tranh, đã tuyên phạt Google một số tiền khổng lồ lên đến 2,4 tỷ euro vì vi phạm Luật Chống Độc quyền của Liên minh Châu Âu. Đây là một án phạt kỷ lục dành cho một công ty công nghệ. Google hiện bị cáo buộc với ba “tội danh” là (1) lạm dụng quyền trong việc đưa dịch vụ so sánh mua sắm của mình lên trên cùng trong hiển thị thứ tự kết quả tìm kiếm, (2) lạm dụng Android để ngăn các nhà chế tạo điện thoại thông minh bán sản phẩm chạy trên các hệ điều hành của những đối thủ cạnh tranh khác, và (3) hạn chế quảng cáo của đối thủ xuất hiện trên website thứ ba đã được cài đặt thanh công cụ tìm kiếm của Google. Tất nhiên, phía Google hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc trên.

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp tai tiếng khác liên quan tới Antitrust có thể kể đến như AT&T, Kodak, Xerox, IBM, Minolta, Ricoh, v.v. 

Phản biện lý thuyết Antitrust

Năm vấn đề chính của Luật Chống Độc quyền khiến nó cần phải bị bãi bỏ là:

1. Luật Chống Độc quyền hạn chế quyền tự do của các cá nhân để lựa chọn đối tác và thiết lập những thỏa thuận kinh doanh mà họ muốn.

2. Hệ thống lý thuyết Antitrust không đủ xác định hành vi nào là cạnh tranh hoặc không cạnh tranh.

3. Chưa có bằng chứng nào cho thấy Luật Chống Độc quyền mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, tuy nhiên, nó đã trở thành một công cụ pháp lý để triệt hạ đối thủ cạnh tranh.

4. Luật Chống Độc quyền bóp nghẹt thị trường tự do, làm suy giảm hiệu quả kinh tế và làm chậm sự phát triển.

5. Luật Chống Độc quyền khuyến khích các nhà kinh doanh ngày càng phụ thuộc vào chính phủ hơn là tự lực giành lấy thị phần.

Tôi xin trích dẫn lại một đoạn mà bà Ayn Rand, một trong những biểu tượng của chủ nghĩa tự do, viết trên tạp chí The Objectivist Newsletter như sau:

Mục đích (được cho là) của Luật Chống Độc quyền là để bảo vệ sự cạnh tranh; mục đích đó được dựa trên một ngụy biện đặc trưng của chủ nghĩa xã hội rằng một thị trường tự do và không bị kiểm soát chắc chắn sẽ dẫn đến sự hình thành các doanh nghiệp độc quyền. Nhưng, trong thực tế, không một doanh nghiệp độc quyền nào đã từng hoặc có thể hình thành nhờ vào thương mại tự do trong một thị trường tự do. Mọi doanh nghiệp độc quyền đều được hình thành dưới bàn tay can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế: bằng các đặc quyền đặc biệt như các đặc quyền kinh doanh hay các khoản trợ cấp, thứ đã ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh gia nhập vào một số thị trường nhất định thông qua luật pháp” (Ayn Rand, 1962).

chong doc quyen

Trích đoạn của Ayn Rand viết trên tạp chí The Objectivist Newsletter vào tháng 2/1962.

Đa phần các trường hợp Antitrust đều nhắm vào việc định giá của doanh nghiệp. Nếu một công ty bán sản phẩm với giá cao hơn các đối thủ nhưng vẫn được khách hàng lựa chọn, nó được xem là doanh nghiệp độc quyền (ví dụ: các công ty dược). Nếu một công ty bán sản phẩm với giá thấp hơn thị trường thì sẽ bị cho là đang “âm mưu” độc quyền (ví dụ: Wal-Mart). Nếu nhiều doanh nghiệp cùng định chung một mức giá, họ sẽ nhận lấy cáo buộc về kiểm soát giá cả (ví dụ: ngành hàng không). Đây chính là sự phi lý trong logic của lý thuyết Antitrust.

Trong trường hợp thứ nhất, nếu doanh nghiệp định giá cao, những đối thủ cạnh tranh mới sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường.

Trong trường hợp thứ hai, doanh nghiệp chỉ đơn giản đang thực hiện các chiến lược cạnh tranh, và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhờ vào sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thật không may khi hành động này thường bị gán mác “định giá thôn tính” (predatory pricing) – ám chỉ việc định giá sản phẩm dưới mức chi phí sản xuất tạm thời để triệt hạ tất cả đối thủ cạnh tranh, sau đó đẩy giá lên cao khi đã độc quyền thị trường. Về dài hạn, chiến lược định giá thôn tính sẽ không khả thi vì doanh nghiệp không thể chịu lỗ trong thời gian dài; và trên thực tế, nếu doanh nghiệp tăng giá thì các đối thủ cạnh tranh sẽ lại có cơ hội thâm nhập, bao gồm những công ty đã từng bị đánh bại trước đó. Ngoài ra, trong một nghiên cứu mang tên “The Myth of Predatory Pricing: An Empirical Study” của Ronald Koller đã cho thấy không có bất cứ bằng chứng nào về việc một doanh nghiệp có thể độc quyền nhờ vào định giá thôn tính kể từ khi đạo luật Sherman ra đời vào năm 1890.

Trong trường hợp thứ ba, không có gì sai khi các doanh nghiệp cùng thỏa thuận để tăng lợi nhuận, việc này không khác gì hình thức liên doanh, hợp tác, hoặc công ty cổ phần. Tuy vậy, các hình thức hợp tác này cũng khó có thể bền vững theo thời gian vì khả năng cao là một trong các bên sẽ gian lận trong quá trình hợp tác. Đối với khách hàng, mặt tích cực là họ sẽ không phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin và so sánh; bên cạnh đó, nếu không có sự can thiệp của chính phủ, thị trường tự do hoàn toàn, khách hàng vẫn có thể lựa chọn sản phẩm từ những công ty khác phù hợp với nhu cầu của mình.

Theo tôi, nó nên được gọi là “Luật Chống Người tiêu dùng” hơn là Luật Chống Độc quyền. Có một sự thật là không một doanh nghiệp độc quyền nào có thể trụ vững mãi trên thị trường trừ phi nó được bảo hộ bởi chính phủ. Do đó, bản thân chính phủ không thể ngăn chặn độc quyền thông qua các hình thức trừng phạt.

chong doc quyen
Không một doanh nghiệp độc quyền nào có thể trụ vững mãi trên thị trường trừ phi nó được bảo hộ bởi chính phủ.

Bên cạnh đó, Antitrust còn can thiệp vào quá trình liên doanh giữa các doanh nghiệp. Thực tế, việc một công ty mua lại các đối thủ cạnh tranh không có gì sai trái, bởi hoạt động này diễn ra trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, không hề có sự ép buộc. Hơn nữa, việc này sẽ giúp tái cơ cấu lại những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả.

Một ví dụ cho trường hợp trên là vấn đề sáp nhập doanh nghiệp theo chiều dọc (Vertical mergers) – một hoạt động diễn ra giữa các doanh nghiệp trên một chuỗi giá trị hay chuỗi cung ứng nhằm mở rộng quy mô của doanh nghiệp sáp nhập về phía trước hoặc phía sau của chuỗi giá trị/cung ứng. Việc này bao gồm hai loại: sáp nhập tiến (Forward integration) – công ty mua lại công ty khách hàng của mình, và sáp nhập lùi (Backward integration) – công ty mua lại nhà cung ứng của mình. Những người ủng hộ Antitrust cáo buộc rằng việc một công ty mua lại nhà cung ứng sẽ ngăn chặn nguồn cung nguyên liệu thô cho những công ty đối thủ khác. Họ cho rằng sau khi mua lại nhà cung ứng, nguồn cung nguyên liệu thô lúc này sẽ chỉ tập trung vào một nhà sản xuất duy nhất, trong khi các nhà sản xuất khác sẽ không tìm được các nguồn cung thay thế khác. Kết luận này hoàn toàn thiếu logic về mặt thực tiễn. Bởi thị trường luôn biến động, miễn là có nhu cầu, ắt sẽ luôn có người sẵn sàng cung ứng. Không có nhà cung ứng này thì sẽ có nhà cung ứng khác sẵn sàng nhảy vào. Đó chính là sức mạnh của thị trường.

Ngoài ra, còn một hình thức khác mà Antitrust thường tác động lên đó là các hợp đồng ràng buộc – thỏa thuận giữa người mua và người bán về việc tích hợp nhiều sản phẩm thành một gói sản phẩm. Hành động này được xem là vi phạm Antitrust, như trong trường hợp của Microsoft (đã đề cập phía trên) và Kodak (trường hợp năm 1954). Có thể thấy, việc ngăn chặn các thỏa thuận phân phối không chỉ cản trở quá trình phân phối hàng hóa và dịch vụ, làm trì hoãn các tiến bộ công nghệ, mà còn phủ nhận cả quyền tự do cá nhân của công dân trong vấn đề đàm phán, thương thuyết.

Kết luận

Luật Chống Độc quyền là một tập hợp các điều luật mơ hồ, mâu thuẫn, phức tạp và không có mục tiêu rõ ràng, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành nạn nhân của nó nếu họ làm tốt hơn những đối thủ khác – và trên thực tế, luật này mơ hồ đến mức doanh nghiệp chỉ có thể biết mình vi phạm khi hoạt động đó bị tuyên bố là bất hợp pháp.

Ngoài ra, ta thấy rằng những khía cạnh thực tiễn mà Antitrust tác động lên lại chính là những yếu tố cốt lõi làm nên sự cạnh tranh. Kết quả là thay vì ngăn chặn độc quyền, Antitrust lại trở thành công cụ để bảo vệ những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, từ đó gây tổn hại đến người tiêu dùng. Trong khi, bản chất của vấn đề độc quyền là sự tồn tại của những rào cản pháp lý đối với cạnh tranh. Những thứ này cản trở thị trường sản xuất, phân phối và sử dụng thông tin (hay tín hiệu thị trường) để các cá nhân tiến hành lập kế hoạch và ra quyết định. Chưa kể nó còn tạo ra tính quan liêu trong bộ máy hành chính.

Chỉ khi xóa bỏ Luật Chống Độc quyền và chấm dứt sự tài trợ của chính phủ cho doanh nghiệp, vấn đề độc quyền sẽ được giải quyết bởi cơ chế của thị trường tự do.

Tài liệu tham khảo:

  1. Edward W. Younkins (19/02/2000). Antitrust Laws Should Be Abolished. Le Québécois Libre.
  2. “Infamous Antitrust Cases”, https://www.hg.org/legal-articles/infamous-antitrust-cases-6025, xem 09/9/2018.
  3. Bạch Đàn (21/06/2012). “Vua dầu lửa” Rockefeller: Kỳ 4: Luật chống tờ – rớt. Báo Tin Tức.
  4. “EU hits Google with record $2.7b antitrust fine”, https://www.foxbusiness.com/markets/eu-hits-google-with-record-2-7b-antitrust-fine, xem 09/9/2018.
  5. Ayn Rand (02/1962). Antitrust: The Rule of Unreason. The Objectivist Newsletter.
  6. Iain Murray (29/01/2018). Theory and Practice Argue We Should Abolish Antitrust Laws. Competitive Enterprise Institute.

Theo nghiencuukinhte.org

Xem thêm: