Chiều 5/6, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện việc có hay không một số quan chức đóng cổ phần vào xây chùa để kiếm lời. Trước đó, chiều 4/6, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã nêu vấn đề có nên không khi ‘quy hoạch ngàn héc ta làm du lịch tâm linh, trong khi dân thì thiếu đất…’

IMG 2792
Ảnh: uongbi.gov.vn

Báo chí đã dành nhiều trang viết về tình trạng “thương mại hóa” tâm linh trên đà nở rộ. Nhiều nơi chốn tâm linh “làm kinh tế”, từ hòm công đức, tu sửa, xây mới “siêu” chùa, cúng sao, giải hạn cho đến cúng vong giải oan gia trái chủ quy mô lớn, liên tục qua nhiều năm v.v… Phải chăng đây là những gì mà Đức Phật Thích Ca đã tiên liệu là “thời mạt Pháp”, được ghi chép trong các kinh Phật, lưu truyền cho các đệ tử của ngài, cũng là thông điệp nhắc nhở con người thế gian hôm nay.

Chùa Ba Vàng 3 lần ‘nóng’ trên mặt báo

Hàng loạt vụ việc về chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã trở thành tin tức nóng trên các mặt báo vào khoảng tháng Ba năm nay. Tuy nhiên, sự việc chưa kết thúc với việc xử phạt hành chính bà Phạm Thị Yến 5 triệu đồng vì vi phạm nếp sống văn hoá do truyền vong báo oán, giải nghiệp để thu tiền dưới hình thức công đức theo Nghị định 158.

Đến tháng Năm, sự việc tiếp tục được “hâm nóng” với hình ảnh “bà Yến múa hát tưng bừng trong lễ diễu hành chào mừng Đại lễ Phật đản 2019”, đến tháng Sáu thì chính thức “làm nóng” nghị trường Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Nhìn chung, một số ĐBQH cho rằng việc xử phạt hành chính bà Phạm Thị Yến với mức cao nhất 5 triệu đồng là “chưa đủ sức răn đe” và đề nghị tham mưu sửa đổi các quy định, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng tôn giáo để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, thậm chí cần xử lý hình sự.

Khi chúng ta đưa ra các chế tài mạnh thì tin chắc rằng những đối tượng như bà Phạm Thị Yến sẽ không dám lợi dụng tôn giáo để hoạt động như vậy nữa. Nếu vụ việc thỉnh vong báo oán ở Chùa Ba Vàng chỉ dừng ở việc xử lý hành chính, phạt 5 triệu đồng với bà Yến, thì chưa đủ sức răn đe” – Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) nói trong phiên chất vấn.

ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) nhận định những vi phạm ở chùa Phúc Khánh và chùa Ba Vàng khiến dư luận bất bình, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, hỏi Bộ trưởng có phối hợp với ngành Công an để điều tra, làm rõ các dấu hiệu này không.

Trước câu trả lời: “Nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo tội hành nghề mê tín dị đoan theo Bộ luật Hình sự 2015” của Bộ trưởng Thiện, ông Giang cho rằng Bộ trưởng trả lời chất vấn chưa thỏa đáng, vì “sự việc ở chùa Ba Vàng kéo dài và bà Phạm Thị Yến lên kênh Youtube quảng cáo, giới thiệu rất nhiều nhưng không được ngăn chặn”.

Đại biểu tỉnh Cà Mau nói thêm: “Riêng bà Yến, theo quan điểm của tôi, là hành vi vi phạm hình sự, chứ không phải vi phạm hành chính, không thể xử phạt như vậy thì thôi. Sau khi bị phạt, bà Yến lại tái phạm, tiếp tục hoạt động. Theo tôi, rõ ràng vi phạm hình sự với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và truyền bá mê tín dị đoan rất rõ”.

Dù ‘nóng’ Bộ vẫn khẳng định chưa có dấu hiệu “kinh doanh chùa”

Bên cạnh các ý kiến về việc sửa luật để chế tài các hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan nhằm trục lợi, cũng có một số ĐBQH thắc mắc về công tác quản lý và trách nhiệm của các cơ quan ban ngành có liên quan.

Ông Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu câu hỏi: “Tôi xin có câu hỏi và cũng đề nghị Chính phủ cho biết luôn vì nhân dân rất lúng túng, nhiều khi không biết chùa là ai sở hữu. Những người sở hữu chùa này làm gì để bảo đảm không có vụ lợi cá nhân. Nếu có thì chúng ta có luật pháp gì để quản lý việc này hay không?”

Ông Nghĩa nói tiếp: “Đề nghị Chính phủ có trả lời rõ ràng là chúng ta quản lý các sở hữu, các công trình tâm linh như thế nào và các nguồn thu được quản lý thế nào để đáp ứng đúng nhu cầu tâm linh một cách chân chính. Thứ ba là đảm bảo quyền đến thăm chùa chiền không phải tốn kém, không bị chặt chém bởi những dịch vụ lợi dụng tâm linh đó.”

Về vấn đề này, Bộ trưởng Thiện cho rằng Bộ Nội vụ đã trả lời trước đó rồi. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã thừa nhận rằng: “Thời gian vừa qua có một số cá nhân lợi dụng cơ sở thờ tự Phật giáo, niềm tin của phật tử để hoạt động mê tín dị đoan trục lợi và có đại biểu cho rằng có một số cán bộ góp tiền vào kinh doanh”. Tuy nhiên, ông Tân dẫn thông tin từ chính Bộ Nội vụ để khẳng định, “hiện nay chưa phát hiện công chức nào góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi”.

Theo báo Tuổi Trẻ (ngày 21/3/2019), chùa Ba Vàng từ là một chấm xanh khiêm nhường giữa bạt ngàn núi rừng của TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vào năm 2006. Nhưng đến năm 2016, nơi đây đã biến thành một ngôi chùa nguy nga, rộng hàng ngàn chục mét vuông đất có chính điện lớn nhất Đông Dương, lấn chiếm hàng chục ngàn mét vuông đất rừng quốc gia.

547999583248114748401916108546103211196416n 15531373360241519951318
Ảnh: Google Earth

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phúc Quảng – Chủ tịch UBND phường Quang Trung (TP Uông Bí) cho biết trên trang Môi trường và Đô thị (ngày 22/3/2019): “Hiện nay chùa Ba Vàng vẫn đang sử dụng theo đất của Tỉnh quy hoạch phê duyệt. Chùa Ba Vàng không lấn chiếm rừng quốc gia. Vì ở Ba Vàng không có rừng quốc gia”.

Nói về hoạt động cúng vong giải oan gia trái chủ tại đây, ông Quảng cho biết: “Việc chùa Ba Vàng tuyên truyền mê tín dị đoan thu lợi thì tôi cũng chỉ nắm được chung chung.”

Bản chất của việc cúng vong giải oan gia trái chủ

Trước đó, trang News Zing (ngày 21/3/2019) dẫn lời của tiến sĩ – luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng, theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 320 Bộ luật Hình sự. Ông Thiệp cho biết hành vi của bà Yến là lợi dụng niềm tin tôn giáo để uy hiếp tinh thần và làm cho người nghe sợ hãi phải dịch chuyển tài sản của họ sang người uy hiếp. Ông Hiệp nói: “Đó là hành vi khách quan, rõ ràng nhất minh chứng cho việc bà này mục đích chính là để kiếm tiền.”

Cũng cùng trong bản tin trên, News Zing dẫn lời của luật sư Trần Văn Khánh (Đà Nẵng) cho rằng cần điều tra xem nếu bà Yến có dùng các thủ thuật “bói toán”, “mê tín, dị đoan” để chiếm tiền của người dân thì có thể xử lý hình sự tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành nghề mê tín dị đoan theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 170 và Điều 320, Bộ luật hình sự. Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng) còn lưu ý rằng ngoài bà Yến và những người mà báo chí phát giác thì những thành viên liên quan của chùa Ba Vàng có liên quan hay không cũng cần điều tra làm rõ.

Thời mạt Pháp?

Gần đây, Việt Nam được chú ý đến là quốc gia xuất hiện hàng loạt các ngôi chùa to như Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Phật giáo Tây Yên Tử (Bắc Giang), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Cáp Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch chùa Ông Núi Linh Phong (Bình Định), chùa Ba Vàng (Quảng Ninh)…, tạo thành một làn sóng du lịch tâm linh mạnh mẽ.

Trên báo Giáo Dục Việt Nam (ngày 7/3/2019), TS. Phạm Văn Tuấn – chuyên gia nghiên cứu Phật giáo (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nói: “Nếu quy hoạch kết nối thành một chuỗi, nó sẽ mang tính thương mại và du lịch nhiều hơn là vì tâm linh. Việc đó thực chất là vì cộng đồng người làm du lịch và cụ thể ở đây là vì lợi nhuận của những người làm kinh doanh từ du lịch tâm linh”.

Ông Tuấn cũng nêu lên câu hỏi những ngôi chùa mới xây đồ sộ này lấy nguồn tiền ở đâu, chùa của doanh nghiệp hay nhà nước, hay làng xã? Ai cấp đất và cấp phép cho xây dựng? Tiền thu lợi thế nào và thuế từ kinh doanh du lịch ở những nơi có chùa, có yếu tố tâm linh có minh bạch không hay là núp bóng tâm linh để trốn thuế?

Theo Tuổi Trẻ, các nhà nghiên cứu và Phật tử chân tu cũng cảnh báo rằng việc chính của chùa là giáo hóa tâm linh, hoằng dương Phật pháp, không phải là đua chen kỷ lục xây dựng. Những chùa đua chen xây dựng to lớn chỉ làm tâm linh bị u mê hơn.

Pháp tu mà Phật Thích Ca Mâu Ni truyền gọi là “Giới – Định – Huệ”, xem việc giữ giới là điều rất quan trọng. Việc chúng tăng không giữ giới, lưu tồn tiền vật, chạy theo danh lợi…, là biểu hiện rõ ràng nhất của việc phá hoại pháp môn tu luyện của Ngài.

Vấn đề này từ lâu đã được đề cập đến trong “Pháp diệt tận kinh”, một tác phẩm kinh điển của nhà Phật, được cho là ghi lại lời tiên tri của Phật Thích Ca Mâu Ni về những biến hóa dị thường sẽ xảy ra sau khi Ngài nhập niết bàn. Trong đó có viết:

“Sau khi Như Lai nhập niết-bàn, khi giáo pháp bắt đầu suy yếu, trong đời ngũ trược ác thế, ma đạo sẽ rất thịnh hành, ma quỷ biến thành sa-môn, xuyên tạc phá hoại giáo pháp của ta. Chúng mặc y phục thế tục, ưa thích y phục đẹp đẽ, cà sa sặc sỡ; uống rượu, ăn thịt; giết hại sinh vật tham đắm mùi vị; không có lòng từ, thường mang sân hận, đố kỵ lẫn nhau… Các tỷ-khưu ác ma sẽ chỉ tham lam tài vật tích chứa vô số của cải không chịu buông bỏ, không tu tạo phước đức…”

***

Đời sống tín ngưỡng có vẻ như một yêu cầu xa vời với cuộc sống cơm áo gạo tiền, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh tâm thức người Việt ngày nay. Nhưng như một nhu cầu của tâm thức, con người luôn cần tới một hệ thống giá trị sống cụ thể. Đó có thể là một hệ tư tưởng, tín ngưỡng, hay cao hơn là tôn giáo dựa trên niềm tin mà từ đó làm thành điểm tựa gây dựng nên cách sống riêng của mỗi người.

Kiềm tỏa tín ngưỡng, tôn giáo, hay bỏ mặc khiến cho những cơ sở tôn giáo dung chứa một hệ tư tưởng lệch lạc, xa rời Pháp lý chân chính nguyên thủy, đều chính là xâm phạm, kiềm tỏa niềm tin cá nhân, dẫn dắt đạo đức xã hội dần lệch hướng. Ở chiều ngược lại, khi tín ngưỡng, tôn giáo được thượng tầng chấp thuận cho tồn tại trên một cơ sở lệch chuẩn, nó tạo ra những khoảng trắng trong đời sống tín ngưỡng, khi tôn giáo và tín ngưỡng với hệ giá trị chân chính lại dễ dàng bị phủ định, chụp mũ nghi ngờ với lý do “chưa được công nhận”.

Blog Mai Anh

Xem thêm: