Có tồn tại một sự khác biệt lớn về ý thức giữa những người vượt biên, không ai giống ai. Tuy nhiên chạy trốn khỏi sai khác ý thức hệ hay chạy trốn khỏi chiến tranh hoặc đói nghèo thì cùng là chạy-trốn…

người di cư, 39 người chết trong container ở Anh
Tranh sơn dầu về một cơn bão giữa lòng đại dương. (Hình ảnh: Boyan Dimitrov/Shutterstock)

Năm 2015, Nghị trường Đức chao đảo chỉ với một bức ảnh có tựa đề ‘’Em bé Syria’’. Cùng thời gian này, tôi bắt đầu làm việc với UNHCR cho một đồ án cá nhân về nhà ở cho người tị nạn, nhờ đó có thêm hiểu biết về dòng người di cư.

Báo chí chính thống và phi chính thống chỉ đưa ra những con số về người nhập cư trái phép. Họ là những con người bất hạnh, chạy trốn khỏi nơi chôn rau cắt rốn, bị tách khỏi cộng đồng và bị đẩy vào một hành trình tha hương gian khổ. Phần lớn trong số họ, đều đã phải chi trả những khoản phí môi giới cắt cổ để có thể ra đi. Chúng ta biết đến những con số phi lý ấy và rồi trong đầu ai cũng nảy ra một câu hỏi ‘’Tại sao?’’, trong đó không ít thì nhiều đều có giọng trách móc, mỉa mai.

Đi thăm các trại tị nạn hoặc trại “tiền trạm”( trại “reception” là trại tập trung trước khi phân bố người tị nạn về các trại riêng rẽ) tôi nhận thấy rằng số lượng nam giới trưởng thành thường áp đảo số lượng nữ giới và trẻ em. Người lạ nhìn vào sẽ chỉ thấy rặt một đám đàn ông vô công rỗi nghề tự dưng nông nổi mà tha hương, rồi thì chính họ lại là mầm mống của tội phạm. Sự thực không hoàn toàn như vậy, cuối cùng tôi nhận ra rằng mình chỉ là đang chứng kiến ‘’kết cục’’ của một quá trình di chuyển đau đớn mà phần lớn phụ nữ và trẻ em đều đã chết ở dọc đường. Khi ta nhận được các thống kê, tất cả họ, người già, người trẻ, đàn ông, phụ nữ, trẻ con… đều hiện ra trên giấy tờ là những con số vô cảm.

Phỏng vấn một người đàn ông trong trại, ông ta nói rằng sẽ làm việc chăm chỉ để có thể mua được vé tàu đến thăm vợ con ở một trại khác (cần lưu ý là chính người cha đó, ngày hôm sau đã có thể trở thành kẻ hiếp dâm). Một cô gái trẻ thì nằm khóc miết trong mấy tuần đầu, khi được hỏi, cô nói cô khóc cho Tổ quốc của cô, cho cha mẹ cô, cho những điều mà cô đã vĩnh viễn bỏ lại ở phía sau (vẫn cô gái đó, vài tháng sau ta bắt gặp đi ăn xin trên một đường phố lớn với dáng vẻ giận dữ và mưu mô). Một em bé chăm chỉ đến các lớp học tiếng vào buổi tối vì em hi vọng sau này sẽ được đi học ở Đức, mặc dù vậy, mong ước lớn nhất của em vào lúc đó là có được một que kem… Phải đến khi trò chuyện với họ thì ta mới biết rằng, mạng người không phải chỉ là con số thống kê và những kẻ khổ hạnh cũng chẳng hề thánh thiện.

Đó là câu chuyện giản đơn của những người đã đến được trại “reception”. Không phải ai cũng may mắn như thế. Người ta bỏ mạng trên đường đi đầy cát bụi, xác thả chìm vào đại dương hay được chôn cất tạm bợ trong vùng giao tranh. Họ chạy trốn khỏi những vực thẳm đói nghèo với di sản thế hệ trước đè nặng trên vai, nhiều người đã chết trước khi có thể kể ra câu chuyện đời mình.

Người di cư, tị nạn hợp pháp hay bất hợp pháp, họ đau khổ bất hạnh, nhưng hoàn toàn không phải là thiên thần. Phần lớn người tị nạn đều phải trả một cái giá rất lớn, bằng tiền, bằng tính mạng chứ không phải cứ rảnh rỗi là sinh nông nổi mà xách đít lên mà đi. Việc trở thành tội phạm ngay sau đó diễn ra như một quy luật, bởi lẽ không có gì nguy hiểm hơn một kẻ bị tước đoạt toàn bộ cố kết xã hội. Ở phía sau mỗi một quyết định sai lầm đó, là cả một thân phận con người mà chúng ta, những kẻ tự nhận rằng đang đứng trong hàng ngũ ‘’văn minh’’ – đã từ chối tìm hiểu.

Năm 2015, “Em bé Syria” đã tạo nên một cú sốc chính trị chưa từng thấy tại Đức. Người Đức đã có phản ứng, phản ứng đó có thể không hoàn hảo, có thể chưa đầy đủ, chưa toàn diện, nhưng cái Xã hội đó đã nhận thức được một vấn đề chung và tất cả cùng thể hiện nỗ lực để giải quyết nó. Sự phán xét, cần xảy ra cùng lúc với những thay đổi ở quy mô xã hội để dần dần làm lắng dịu hoặc ngăn chặn thảm kịch tương tự tái diễn. Đó là sứ mệnh của Toà án chứ ko phải là sức mạnh của kẻ hành quyết.

Năm 2019, những dòng tin nhắn qua điện thoại được cho là của một cô gái trẻ người Việt Nam gửi cho mẹ mình trước khi chết ngạt trong một thùng xe trên đường nhập cư vào Anh Quốc chắc cũng sẽ gây ra ảnh hưởng tới chính sách nhập cư của nước Anh. Đó là một hiện thực đau buồn, tuy nhiên, nó có lẽ sẽ không bao giờ tạo ra một động lực nào đối với các vấn đề về chính sách của giới chính trị Việt Nam.

Với 30.000 Euro, người ta có thể làm gì? Ta đặt ra những câu hỏi tò mò như thế mà không hiểu rằng mỗi người mỗi cảnh, tiền bạc ở đâu cũng quý nhưng nhưng đời người đâu phải nơi nào cũng như nhau. Tôi có anh bạn người Syria, quen anh trong lần gửi tặng ít đồ bàn ghế cũ cho trại “reception” dành cho trẻ em. Trước đây anh cũng phải trả đến 40.000 để anh và vợ con được mang vào Đức trái phép. Khi nghe tôi hỏi câu hỏi trên, anh nhìn tôi đầy thương hại. Anh bảo tôi rằng sau tất cả những gì diễn ra với gia đình, con cái anh, về người vợ đã mất của anh, thì không ai có đủ tư cách để hỏi anh những câu như thế. Bốn con người đặt cược đời mình trên một thùng xe phủ bạt thì chẳng còn gì đắt rẻ mà bàn khi chỉ có 2 người may mắn đến đích trong đó có một người chồng mất vợ con và một đứa con mất mẹ và em gái.

Có tồn tại một sự khác biệt lớn về ý thức giữa những người vượt biên, không ai giống ai. Tuy nhiên chạy trốn khỏi sai khác ý thức hệ hay chạy trốn khỏi chiến tranh hoặc đói nghèo thì cùng là chạy-trốn. Chúng ta có thể sẽ sửng sốt, sẽ đau đớn, nhưng rồi sau những đám tang, sau những giọt nước mắt phải là sự nỗ lực của cả một xã hội, cả một đất nước để mà lắng nghe, những câu chuyện ở phía sau, tìm hiểu chúng ngay cả khi người chết đã không còn có cơ hội để kể ra câu chuyện của đời mình.

Lê Quang (Kiến trúc sư)

Đăng theo Facebook Le Quang dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm: