Nhựa có ở khắp mọi nơi và đã quá quen thuộc với cuộc sống của chúng ta. Bạn không thể hoàn toàn loại bỏ nhựa trong đời sống hàng ngày nhưng có thể xem xét thay thế chúng bằng những món đồ thân thiện với môi trường hơn để bảo vệ sức khỏe gia đình.

10 cách hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa
(Ảnh: Pixabay)

1. Túi ni lông

Theo Viện Nông nghiệp và Chính sách Thương mại Mỹ, các loại túi ni lông được làm từ polyethylene mật độ cao hoặc polyethylene mật độ thấp và thường được mã hóa nhãn số 2 hoặc 4. Khi thực phẩm được lưu trữ trong các túi nhựa, các hóa chất này có thể ngấm vào thức ăn và sau đó được hấp thụ vào cơ thể, kể cả với các dạng màng bọc thực phẩm. Theo thời gian các hóa chất trong túi ni lông sẽ làm thay đổi mô, tổn thương di truyền, lỗi nhiễm sắc thể, sảy thai, dị tật bẩm sinh, dậy thì sớm và những thay đổi nội tiết tố. Ở trẻ em, hóa chất chứa trong túi ni lông có thể gây hại đến hệ thống miễn dịch và kích thích làm gián đoạn các vấn đề về hành vi, nhận thức… Bạn nên thay thế túi ni lông bằng túi giấy hoặc túi vải có thể giặt được.

2. Hạt nhựa kim tuyến

Hạt nhựa kim tuyến thường được dùng để trang trí trong các bữa tiệc sinh nhật. Dù chủ nhà có dọn dẹp cẩn thận đến mấy thì các hạt kim tuyến nhỏ xíu vẫn mắc kẹt đâu đó trong bàn ghế. Đối với môi trường, những hạt nhựa bé nhỏ đó có sức phá hoại to lớn đến không ngờ. Chúng có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi thức ăn vì các sinh vật sống ở biển thường xuyên ăn phải rác thải (gồm cả hạt nhựa). Để chuẩn bị cho các bữa tiệc, bạn hãy chọn sản phẩm được làm từ thực vật phân hủy sinh học một cách an toàn.

10 cách hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa
(Ảnh: Internet)

3. Bóng bay

Để làm bóng bay không khó. Người ta có thể đặt khuôn bằng sứ với các hình dáng khác nhau như tròn, dài, tim, thỏ. Mủ cao su trộn các chất phụ gia, sau đó nhúng khuôn vào mủ, đưa lên sấy với nhiệt độ nhẹ, khoảng 40-50 độ C. Tiếp đến, cho chất chống dính, chờ khô và lột ra khỏi khuôn. Chính cách làm dễ dàng, tự phát và mong muốn lợi nhuận cao, hầu hết bóng bay đều được làm một cách gian dối nên càng độc hại. Bóng bay mắc trên cành cây sẽ làm các loài chim lầm tưởng là tổ hoặc thức ăn của chúng. Một số loài động vật sẽ bị mắc kẹt, bị hóc hoặc bị chết khô trong đó. Vậy nên bạn hãy sử dụng đồ trang trí làm bằng giấy. Trong sách origami có hướng dẫn cắt, gấp rất nhiều đồ treo hình bong bóng cho bạn lựa chọn.

10 cách hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa
(Ảnh: Pixabay)

4. Chai, hộp nhựa

Hầu hết các sản phẩm gia dụng đều được đựng bằng chai/hộp nhựa, nhưng bạn vẫn có thể mua chính loại hàng đấy với túi bọc bằng giấy (ở Việt Nam giá của bao bì giấy sẽ đắt hơn). Ví dụ như bột giặt, nước trái cây, bánh kẹo… có thể đựng cả ở chai/hộp nhựa và túi giấy. Hãy thay đổi thói quen mua sắm của mình, bạn hãy chọn những món đồ được đóng gói bằng giấy. Hành động nhỏ nhưng sẽ có tác dụng lâu dài để bảo vệ môi trường.

chai nhua 6 image
(Ảnh: Pixabay)

5. Ống hút nhựa

Nhựa không phải là chất có thể phân hủy sinh học một cách nhanh chóng, nó chỉ có thể bị chia nhỏ xuống kích thước hiển vi chứ không biến mất hoàn toàn. Còn việc đốt chất thải nhựa sẽ sản sinh khí dioxin, gây hại cho môi trường và sức khỏe. Động vật biển có thể nhầm ống hút là thức ăn và trả giá bằng tính mạng. Theo tổ chức “One Less Straw”, mỗi năm có 100.000 động vật biển và một triệu chim biển chết do hấp thụ nhựa. Hiện nay trên thị trường đã bán ống hút làm từ tre, giấy, thép không gỉ, titan, rơm… Bạn có thể dùng thử để tạm biệt ống hút nhựa.

ong hut nhua image
(Ảnh: Pixabay)

6. Dụng cụ bằng nhựa

Các dụng cụ làm từ nhựa như dao, kéo, bàn, ghế, bát, đĩa, dĩa, thìa… đã quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những vật phẩm này có thể mất tới và trăm năm để phân hủy, và từng đó năm là đủ để hóa chất ngấm vào môi trường. Hiện nay đã có rất nhiều loại đồ dùng được làm từ nông sản sạch để thay thế nhựa. Ví dụ như thìa được làm từ cao lương với nhiều hương vị mặn ngọt khác nhau có khả năng phân hủy 100%. Loại thìa này hiện đang được sử dụng tại một số chợ và nhà hàng ở Ấn Độ. Cũng tại Ấn Độ, các sản phẩm bát, cốc, đĩa dùng một lần ép từ bẹ cau, bẹ chuối được sản xuất. Mô hình này không chỉ tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, mà còn giải quyết vấn đề môi trường.

7. Hộp đựng thức ăn bằng nhựa hoặc xốp

Polystyrene được làm bằng các sản phẩm phụ từ dầu mỏ. Hộp đựng thức ăn xốp, khay thịt, dao kéo nhựa và nhiều thứ khác chính là ứng dụng của loại nhựa này. Tái chế nhựa polystyrene rất khó khăn vì nó rất nhẹ. Còn nếu tẩu tán chúng xuống biển thì lại gây ô nhiễm nặng nề. Polystyrene thường được dùng để lọc styrene, một chất độc thần kinh sẽ khiến bạn bị vô sinh và ung thư. Để tránh loại nhựa này, bạn không nên bảo quản thực phẩm trong thùng xốp (đặc biệt là các thực phẩm béo như thịt và phô mai, vì chúng có khả năng hấp thụ hóa chất cao hơn), hãy chuẩn bị đồ đựng bằng thủy tinh để đảm bảo sức khỏe cho gia đình.

3 loại nhựa nguy hiểm bạn nên thay thế dần để bảo vệ gia đình
Không nên đựng thức ăn trong hộp xốp. (Ảnh: Shutterstock)

8. Bật lửa có vỏ nhựa

Bật lửa nhựa thường không thể tái chế, giá thành lại rẻ nên khi dùng hết chúng ta sẽ vứt vào thùng rác. Cứ như vậy, rác thải ra các hóa chất độc hại ngấm vào môi trường trong nhiều thập kỷ. Chừng nào bạn còn mua bật lửa mới, chu kỳ sẽ còn tiếp tục. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, bạn nên mua bật lửa có vỏ bọc bằng kim loại hoặc gỗ cao cấp.

9. Dao cạo râu dùng một lần

Dao cạo râu dùng một lần thường đi kèm trong bao bì nhựa cồng kềnh, mỗi lưỡi dao còn được bọc thêm một lớp nhựa, thời hạn sử dụng lại ngắn nên chỉ sau 2 tuần sử dụng là chúng đã yên vị trong thùng rác. Một số bộ phận trong dao cạo có thể tái chế, nhưng phần lớn là không thể. Vậy nên bạn hãy trở lại với dao cạo cổ điển (có kèm 1 hộp lưỡi dao không bọc nhựa) hoặc máy cạo râu.

dao cao rau image
(Ảnh: Shutterstock)

10. Bọc nhựa bảo quản thức ăn

Bọc nhựa rất hữu ích khi bạn muốn giữ thức ăn tươi và không bị côn trùng tấn công. Nhưng khi bạn dùng xong vứt đi thì đây lại là những thứ không thể phân hủy được. Hầu hết các loại bọc được làm từ nhựa PVC. Loại nhựa này được sử dụng để làm đồ chơi trẻ em, rèm tắm, sàn vinyl và giấy dán tường. Để làm cho nhựa PVC được mềm và dẻo, phthalates là thành phần chủ chốt được thêm vào trong quá trình sản xuất. Phthalates sẽ khiến chất độc từ nhựa len lỏi vào cơ thể con người, sinh ra nhiều vấn đề sức khỏe như rối loạn nội tiết tố, rối loạn sinh sản, thậm chí là ung thư gan. Để tránh nhựa PVC, bạn hãy chọn các loại vải tự nhiên như cotton hữu cơ, vải lanh, cây gai dầu để làm rèm cửa, không cho trẻ em ngậm vòng bọc răng bằng nhựa và không bảo quản thức ăn bằng bọc nhựa, bạn có thể dùng hộp thủy tinh để đựng.

Minh Minh

Xem thêm: