The Eagle Huntress (Nữ thợ săn Đại bàng) là bộ phim tài liệu về Aisholpan, một thiếu nữ Mông Cổ học cách đi săn cùng đại bàng ở tuổi 13.

Aisholpan_Nữ thợ săn đại bàng
Aisholpan và đại bàng Cánh Trắng (Ảnh của Asher Svidensky – Sony Pictures Classics)

Người Kazakh của vùng Trung Á vốn yêu cuộc sống tự do, giỏi cưỡi ngựa và thuần dưỡng đại bàng săn mồi. Truyền thống đi săn với đại bàng của họ đã cha truyền con nối trong suốt 2.000 năm qua.

Các nhà làm phim cho rằng thật vinh hạnh khi trở thành thợ săn đại bàng đầu tiên ở lứa tuổi của cô. Tuy nhiên, cũng có những lời ám thị rằng đoàn làm phim đã lừa dối khán giả bởi những tình tiết kịch tính. Có người cho rằng Aisholpan không phải là nữ thợ săn đại bàng đầu tiên của bộ tộc.

Ngoài ra hành trình trở thành thợ săn với đại bàng của cô bé cũng vấp phải phản đối gay gắt của các trưởng lão, bởi suốt 2.000 qua, Kazakh là chế độ phụ hệ, và họ kiên quyết rằng phụ nữ không thể và không nên đi săn.

Những trắc trở đó càng khiến hành trình trở thành nữ giới đầu tiên trong gia đình đi săn cùng đại bàng của Aisholpan càng thêm ấn tượng. Một cô gái trẻ dũng cảm cố gắng chinh phục kỹ năng đi săn cùng đại bàng, một nhiệm vụ không hề đơn giản. Đây cũng là một phần quan trọng trong văn hóa du mục của người Kazakh vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.

Người Kazakh có câu ngạn ngữ: “Một con ngựa phi nhanh và một chú đại bàng thiện chiến là đôi cánh của người du mục”. Với người thợ săn, đại bàng cũng giống như người bạn đời của họ vậy.

Khởi đầu của bộ phim “The Eagle Huntress”

Aisholpan_Nữ thợ săn đại bàng
“The Eagle Huntress” hiện đã được công chiếu ở một số nước như Hoa Kỳ, Anh. (Ảnh: Asher Svidensky) Sony Pictures Classics

Đạo điễn Otto Bell kể về ngôi sao có khuôn mặt bầu bĩnh hiền hậu của The Eagle Huntress: “Cô bé nhút nhát nên chúng tôi phải mất thời gian để làm quen”.

Aisholpan, nữ anh hùng hay e thẹn đó ngày càng trở nên thân thiết hơn với Bell và đoàn làm phim; tình bạn đơm hoa kết trái giúp tạo nên một bộ phim hùng tráng về một thiếu nữ từng bước chinh phục ước mơ của mình.

Trước đó, vào năm 2014, khi đạo diễn Bell thấy một bài viết về Aisholpan đăng trên tạp chí BBC và cuộc sống của bộ tộc Kazakh ở dãy núi Altai miền Trung Á, anh đã ấn tượng mạnh với diện mạo và hình ảnh Aisholpan đang đứng trên vách núi cheo leo với chú đại bàng đậu trên cánh tay.

Câu chuyện về cô bé đã ngay lập tức cuốn hút Bell và anh quyết tâm đi tìm Asher Svidensky, nhiếp ảnh gia trong câu chuyện, với hy vọng nhiếp ảnh gia sẽ là người kết nối để giới thiệu anh với gia đình Aisholpan.

Anh nói: “Chúng tôi trao đổi qua Skype. Không bao lâu sau anh ấy đã chuyển lời tới gia đình cô bé rằng chúng tôi sẽ đến gặp và trao đổi với họ về việc làm một bộ phim, hoặc chí ít là tìm hiểu đôi chút về văn hóa của họ.”

Bell đã bắt chuyến bay đến Moscow, và chuyển tiếp tới Ulaanbaatar, thành phố thủ phủ của Mông Cổ. Ở đó, anh và đoàn làm phim đã dùng một chiếc máy bay hai động cơ nhỏ cho hành trình trên núi. Anh đã thực hiện thêm bảy chuyến bay nữa để có thể hoàn thiện “The Eagle Hunter”. Khi đóng máy, anh gần như đã cạn kiệt tài chính.

>>19 bức ảnh ấn tượng về bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ

Bộ phim với giọng kể của Daisy Ridley – nữ diễn viên trong bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” – đã nhận được nhiều lời khen ngợi và được đề cử Giải thưởng BARTA (Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc).

Tuy nhiên, bộ phim cũng gặp phải nhiều phản ứng dữ dội. Tờ The Boston Globe đã chỉ trích bộ phim và lên án Otto cùng cộng sự đã cóp nhặt nội dung từ một câu chuyện vốn phức tạp thành một câu chuyện đơn giản để dễ “tiêu hóa” ở Hollywood. Còn có người đưa ra luận điệu rằng bộ phim hoàn hảo đến mức khó tin đây là câu chuyện thật. Tồi tệ hơn cả, họ còn tuyên bố rằng phim của Bell đã diễn theo kịch bản dựng sẵn, anh và đội ngũ cũng đã lên tiếng phủ nhận điều này.

Bell phân trần: “Tôi nghĩ rằng kỹ thuật hiện đại có thể cho phép chúng ta làm những thứ khiến người khác sửng sốt. Song, tôi cam đoan rằng những gì các bạn nhìn thấy trên màn ảnh hoàn toàn là những điều mà chúng tôi thực sự đã toàn tâm toàn ý làm.”

Video Hậu trường phim “Nữ thợ săn Đại bàng”:

(Clip độc quyền của đoàn làm phim The Eagle Huntress)

Cuộc hành trình của Otto Bell và Aisholpan

Trong quá trình Bell đến Mông Cổ, đoàn của anh cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi đồng hành cùng Aisholpan trong cuộc đi săn cùng chú chim đại bàng Cánh Trắng. Thời điểm đi săn lý tưởng nhất là vào mùa đông, vì khi đó, thợ săn dễ dàng phát hiện dấu chân thú hằn trên truyết. Giá rét khiến họ dần uể oải, nhiệt độ trong ngày thường giảm xuống -4oC.

Việc đi săn đòi hỏi phải đi bộ nhiều ngày trong tuyết lạnh để tìm đến những khoảnh rừng có con mồi, như sói hay cáo hoang. Thợ săn chia ra thành từng nhóm nhỏ. Đầu tiên, một đội chịu trách nhiệm khuấy động để dọa các con thú hoảng loạn, sau đó, đại bàng được thả ra để tấn công con mồi. Thông thường, những chú đại bàng đã được huấn luyện sẽ tự biết phải làm cách nào để có thể hạ gục còn mồi một cách hiệu quả nhất.

Aishopan và Đạo diễn Otto Bell tại Liên hoan Phim Trẻ Aiyal, Qatar 2016.

>>Chàng trai Anh quốc trồng được cây có hình bàn ghế hoàn chỉnh

Sự kết hợp giữa trí tuệ của con người và những chú đại bàng đã gạt hái được thành quả, và mối quan hệ giữa đại bàng và con người thật thiêng liêng. Vào cuối mùa xuân, người thợ săn sẽ tổ chức lễ tế, họ sẽ giết một con cừu để làm vật tế thay lời cảm ơn đại bàng. Đại bàng sẽ được thả ra, chúng trở về với thiên nhiên cuộc sống hoang dã và sinh sản.

Bell nói: “Chúng tôi rất may mắn vì đã được đồng hành cùng cô bé và trực tiếp quay được những thước phim đó. Được có mặt ngay từ đầu chuyến đi và theo sát từng tình tiết cho đến khi kết thúc hành trình, quả là một cơ hội hiếm có.”

Câu chuyện về Aisholpan và Cánh Trắng không chỉ đơn giản là một cô bé làm bạn thân với “sát thủ máu lạnh”. Cô bé rất vui mừng khi phần còn lại của thế giới sẽ có thể biết đến nền văn hóa và truyền thống của Mông Cổ.

Cô giải thích trong thư: “Trước khi tôi thành công, đã có nhiều người không đồng tình, họ tật đố. Bạn bè của cha tôi cũng vậy, họ phản đối việc tôi làm. Nhưng giờ đây, những người dân quê hương tôi lại gọi tôi là ‘anh hùng nhỏ’ và họ nói rằng họ rất tự hào về tôi.”

Một cô gái dám dang rộng đôi cánh

Aisholpan_Nữ thợ săn đại bàng
Bộ phim sử dụng nhiều hình ảnh kỳ vĩ của thảo nguyên Trung Á. (Photo by Asher Svidensky – Sony Pictures Classics)

Ở cuối bộ phim, Aisholpan đã đến tham dự lẽ hội ở Ulgii cuộc thi Thợ săn Đại bàng. Tại đây, cô đã trình diễn kỹ năng điều khiển và phối hợp với Cánh Trắng một cách điệu nghệ, và cô đã giành giải quán quân trong cuộc thi này.

Chiến thắng này ngay lập tức trở thành tâm điểm của bộ phim. Ngoài khung cảnh thiên nhiên hoang dã, bộ phim còn gây ấn tượng với mối quan hệ tốt đẹp giữa Aisholpan và cha cô, thế hệ thợ săn đại bàng thứ 12 trong gia đình. Khi được hỏi về cha mình, cô nói: “Mối quan hệ giữa tôi và cha mẹ rất tốt đẹp. Tôi luôn vâng lời cha mẹ. Họ là người đã chắp cánh ước mơ cho tôi.”

Aisholpan Nurgaiv cùng cha là Nurgaiv Rys và mẹ là Almagul Kuksygyen tạo dáng trong buổi Hỏi – Đáp tại Liên hoan phim Trẻ Aiyal, Qatar 2016.

Đạo diễn Otto tiết lộ rằng anh đã chia giải thưởng của bộ phim cho Aisholpan. Cô muốn trở thành một bác sỹ phẫu thuật, và số tiền đó sẽ giúp cô có thể theo học ngành y ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Gia đình cô sẽ gặp lại Bell ở London vào mùa xuân trong đám cưới của Otto.

Mặc dù là nữ giới, Aisholpan đã trở thành người tiếp nối truyền thống đi săn cùng đại bàng của dòng họ đã lưu truyền qua 12 thế hệ.

Mùa đông ở Kazakh vô cùng khắc nghiệt, toàn bộ gia súc đều có thể bị một trận bão quét sạch chỉ trong một đêm. Nhiều người trong bộ tộc của cô đã phải rời núi đi vào các khu đô thị để kiếm sống. Mặc dù vậy, Aisholpan vẫn có niềm tin mãnh liệt rằng truyền thống bộ tộc cô sẽ vẫn sẽ tiếp tục được lưu truyền.

Theo Good Sports
Minh Minh

Xem thêm: