Một thanh niên nọ vẫn luôn đi tìm chân lý vạn năng trong việc đối nhân xử thế, hy vọng dẫu gặp phải bất cứ sự tình gì trong đời cũng đều có thể sử dụng. Nhưng cực khổ tìm kiếm mà vô vọng, chàng trai bèn tới thỉnh giáo một vị trí giả. Trí giả nghe xong, tặng cho cậu ba chiếc rương. Cậu thanh niên mở ra xem thì thấy trong đó có 3 mảnh giấy nhỏ, lần lượt viết rằng: “Trầm tĩnh, chuyển hướng, buông bỏ”. Ba chữ trông có vẻ đơn giản này lại hàm chứa trí huệ đối nhân xử thế sâu xa.

Bạn sẽ để lại gì cho cuộc sống?
(Ảnh: Shutterstock)

Trầm tĩnh

Chuyện kể rằng, một người tình cờ nhặt được một chiếc bình Tử Sa (bình cát tím). Người này vô cùng yêu thích chiếc bình, sợ bị trộm mất nên ngay cả khi đi ngủ ông cũng đặt nơi đầu giường.

Một lần nọ, đang nằm mơ thì ông trở người, vô tình hất đổ nắp bình rớt xuống sàn nhà. Ông giật mình, hốt hoảng thầm nghĩ, nắp bình đã vỡ tan tành, vậy thì còn giữ lại chiếc bình làm gì nữa? Thế là ông bèn cầm luôn chiếc bình quăng ra ngoài cửa sổ, giận dữ ngủ tiếp.

Ngày hôm sau, ông phát hiện ra nắp bình vẫn nguyên vẹn, không chút sứt mẻ, nằm yên trên chiếc giày gấm cạnh giường. Người này vừa tức giận vừa hối hận nghĩ: Bình Tử Sa tối qua đã vứt ra ngoài cửa sổ rồi, giờ giữ lại mỗi cái nắp thì có nghĩa lý gì? Ông lại tức giận dẵm cho chiếc nắp vỡ vụn.

Ăn sáng xong, người này vác cuốc đi làm, không ngờ ông lại nhìn thấy chiếc bình Tử Sa không nắp mắc trên cành cây Tùng…

Ngẫm lại, trong cuộc đời, ai mà chưa từng có một “bình trà mắc trên cành cây” như vậy? Đôi khi, chúng ta nổi giận chỉ vì một chút việc cỏn con. Khi chưa phân rõ trắng đen đã giận dữ quyết định những điều khiến bản thân phải tiếc nuối và hối hận về sau.

Việc gấp nên làm từ từ, làm từ từ ắt sẽ viên mãn. Người thông minh khi gặp sự tình đều biết dẹp mâu thuẫn sang một bên, kìm nén cơn nóng giận và xử lý một cách trầm tĩnh. Đây không chỉ là cách đối nhân xử thế của một người trưởng thành, mà còn là đại trí huệ thông thấu, khoáng đạt.

Khi sự tình không may dồn dập ập tới, chớ vội vàng quyết định điều chi, hãy cho bản thân cơ hội trầm tĩnh suy ngẫm và giải quyết. Có câu rằng “tĩnh năng sinh huệ”, trí huệ sinh ra từ sự tĩnh lặng, khi bạn không bị kiểm soát bởi cảm xúc, có thể bình tĩnh suy nghĩ, lúc đó bạn mới thực sự trưởng thành.

Đối nhân xử thế
(ảnh: Marvent/Shutterstock)

Chuyển hướng

Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng cùng nhau xuống núi hóa duyên. Trên đường đi, lão hòa thượng hỏi rằng: “Nếu tiến thêm một bước thì tử, lùi một bước thì vong, con sẽ làm gì?”

Tiểu hòa thượng không hề do dự đáp: “Thì con sẽ đi sang phía bên cạnh.”

“Đi sang phía bên cạnh”! Quả là một câu trả lời đầy trí huệ. Đạo lý này có lẽ ai ai cũng hiểu, nhưng trong cuộc sống khi thực sự xảy ra việc, lại rất ít người có thể ngộ ra.

Có người thi không đỗ từ đó chẳng thể dấy khởi tinh thần, mà mất đi vô vàn cơ hội trong tương lai. Làm ăn thất bát, chẳng có dũng khí đối mặt, lại càng có ít người dám quyết tâm làm lại từ đầu.

Khi gặp khó khăn có người oán trách số phận bất công. Kỳ thực cuộc sống không phải là một con đường thẳng tắp, hãy thử chuyển hướng khi gặp đường cùng.

Có người nói rằng, đời người có hai pháp bảo, một là thẳng tiến, hai là chuyển hướng. Thẳng tiến cần dũng khí, chuyển hướng lại chỉ cần trí huệ.

person standing on pathway 2682462
(Ảnh: Andrew Neel /Pexels)

Từ nhỏ chúng ta đã được dạy rằng “kiên trì là thắng lợi”, “vĩnh viễn không đầu hàng”, “đi tới tận cùng của con đường”… Nhưng nhiều khi chúng ta cần học cách buông bỏ đúng lúc: Buông bỏ những người không phù hợp, buông bỏ những việc không hiệu quả, buông bỏ những hướng đi sai lầm.

Khi gặp hảo sự, cứ thuận theo tự nhiên, dốc tâm mà hành. Khi gặp việc xấu, chớ dùi sừng bò, hãy để thân tâm thư giãn. Việc chẳng thuận hãy chuyển hướng, lấy bất biến ứng vạn biến.

Người thông minh, ngoài bầu nhiệt huyết ra, còn cần phải có dũng khí hơn người. Nhưng điều quan trọng hơn là cần có trí huệ. “Sai một li, đi ngàn dặm”, người không biết chuyển hướng, càng tiến về phía trước, càng xa rời thành công.

Buông bỏ

Khi sự tình xảy ra, chúng ta đã trầm tĩnh đối mặt, cũng tích cực chuyển hướng, và thử nghiệm rất nhiều biện pháp, nhưng kết quả vẫn chẳng như mong muốn, lúc này nên làm thế nào? Hãy học cách buông bỏ.

Đối nhân xử thế cần học cách buông bỏ
(Ảnh: Pixabay)

Buông bỏ là không hoài niệm về việc đã qua, không vương vấn về người đã xa, không tiếc nuối vì việc chẳng thành, không tự trách vì thứ chẳng đắc.

Kiếp người vốn vô thường, sự đời luôn khó đoán. Chìm đắm trong quá khứ, chẳng thể nghĩ thông nhìn thấu với những người, những việc đã qua; mãi đau đáu vết thương lòng, chẳng thể vượt thoát, sẽ khiến bạn bị dồn nén tới ghẹt thở.

Phải minh bạch rằng, nhiều chuyện chẳng thể tốt lên nhờ sự tiếc nuối hay oán hận. Đời người không có “giá như”, chỉ có kết quả và hậu quả. Nếu bạn buồn đau vì tuột mất ánh mặt trời huy hoàng, vậy thì bạn cũng sẽ bỏ lỡ ngàn vì sao lấp lánh.

Có câu nói rất hay rằng “sống là vì tương lai, chứ không phải vì quá khứ.” Buông bỏ đúng sai, đón chờ hy vọng; buông bỏ oán hận, sống đời tự tại; buông bỏ được mất, nghênh đón thời cơ.

Chấp nhận hiện thực, mỉm cười với quá khứ, không chỉ là biểu hiện của một tâm hồn khoáng đạt, mà còn là phong thái và hàm dưỡng của bậc trí giả.

Núi có đỉnh, biển có bờ, đường dài đằng đẵng, ắt có lúc phải quay đầu. Dư vị đắng chát, ắt có ngày ngọt trở lại. Nếu gặp hãy trân quý, bỏ lỡ hãy buông tay, mỉm cười bước tiếp trên hành trình nhân sinh phía trước.

Người thông minh hành sự trầm tĩnh, nắm vững thời điểm cần thay đổi của sự tình. Khi đi vào ngõ cụt, chớ dùi sừng bò mà đập đầu vào tường, đến lúc cần chuyển hướng thì hãy chuyển hướng, mới có thể nhìn thấy trời đất bao la, rộng mở. Khi kết quả chẳng như mong đợi, hãy học cách buông bỏ, bỏ qua cho bản thân, cho người khác, sống đời tĩnh tại, thong dong. Đây chính là nguyên tắc đối nhân xử thế của một bậc trí giả vậy.

Lê Minh