Nếu muốn thành công trong sự nghiệp, bạn không thể chỉ đọc sách và nghe những bài thuyết giảng một cách thụ động. Bạn cần đặt mục tiêu cụ thể và lên kế hoạch hành động.

Rất nhiều người nghĩ rằng thành công đồng nghĩa với sự giàu có hoặc nổi tiếng. Nắm bắt được suy nghĩ đó, các thư viện và nhà xuất bản liên tục phát hành hàng nghìn cuốn sách, bài nghiên cứu, bài báo có nội dung hướng dẫn về cách thức làm giàu. Các diễn giả tấp nập tổ chức hội thảo chia sẻ bí quyết kiếm tiền, người tham gia thì ôm mộng tưởng đổi đời chỉ sau vài ngày. Mọi người đã quên mất thực tế rằng, tiền không tự tìm đến người mua sách hoặc người tham dự hội thảo, mà là đến tác giả và người thuyết trình.

thành công di dôi với hành dông cuộc họp kỹ năng thành công kỹ năng kinh tế 1753371560
Từ suy nghĩ đến hành động để thành công cần một sự kiên trì, nỗ lực khắc phục khó khăn liên tục không ngừng nghỉ. (Ảnh: Gorodenkoff/Shutterstock)

Bạn không thể có được sự giàu có bằng cách đọc hay nghe một cách thụ động, bạn bắt buộc phải hành động. Tri thức chỉ có ích khi bạn vận dụng chúng và biến thành hành động. Đó là Hành động – chứ không phải suy nghĩ – mới là yếu tố tiên quyết giúp bạn phát triển một ngành công nghiệp mới (như Elon Musk) hoặc đầu tư thành công (như Warren Buffett).

Không có đường tắt dẫn đến sự giàu có, vì thế bạn không có cách nào khác ngoài liên tục học hỏi và rèn luyện. Dưới đây là 4 điều bạn cần biết nếu muốn xây dựng một cơ ngơi giàu có. Những lời khuyên này không khó thực hiện nhưng chúng đòi hỏi bạn phải chủ động và kiên trì.

1. Sự tập trung

Cuộc sống hàng ngày đầy rẫy những điều khó chịu không mong muốn. Một số trong đó thực sự nghiêm trọng, và một số thì chẳng đáng để quan tâm.

Vì thế bạn hãy gạt bỏ những việc không cần thiết để tập trung vào mục tiêu quan trọng và những điều nhất định phải được xử lý. Hành trình gây dựng một sự nghiệp huy hoàng và một tài khoản ngân hàng rủng rỉnh sẽ “ngốn” của bạn hàng năm, thậm chí cả cuộc đời.

Thật vậy, bạn cần rèn luyện sự tập trung và kiên nhẫn. Tập trung vào một mục tiêu rõ ràng, cụ thể sẽ giúp bạn không bị mất thời gian, sức lực và vốn liếng. Paul Samuelson, người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel kinh tế, khuyên chúng ta rằng: “Đầu tư cũng giống như việc chờ sơn khô hoặc xem cỏ mọc. Nếu bạn muốn cảm nhận sự phấn khích, hãy bỏ ra 800 USD và bay đến Las Vegas”.

shutterstock 1873267309
Tập trung vào mục tiêu quan trọng, loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực và không cần thiết. (Ảnh: Bastian Weltjen/Shutterstock)

2. Kỷ luật tự giác

Đây là những đức tính quan trọng giúp bạn đạt được thành công. Nhiều người đã định nghĩa “kỷ luật” theo cách dễ hiểu là “khả năng trì hoãn sự hài lòng”. Nếu muốn bước chân vào giới đầu tư, trước tiên bạn phải biết cách tiết kiệm một phần thu nhập để chuẩn bị cho ngày mai.

Ví dụ như bạn cần tập thói quen không mua sắm bừa bãi hôm nay để dùng tiền cho việc có ích hơn vào ngày mai. Những người không thể kiểm soát chi tiêu hiếm khi kiếm được hoặc giữ được tài sản.

Hầu hết những người thành công hiện nay không phải là người có năng khiếu xuất chúng hay có chỉ số IQ thiên tài, mà là những người bình thường biết cách liên kết hành động của ngày hôm nay với kết quả của ngày mai. Tính kỷ luật tự giác sẽ giúp bạn không phải tiêu tiền vào những thứ không cần thiết để gây ấn tượng với những người bạn không thích.

3. Chuyên môn

Rất nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn khái niệm kiến thức với chuyên môn. Bạn có được kiến thức từ việc đọc và trải nghiệm, còn chuyên môn là khả năng sử dụng kiến thức để đạt được các kết quả cụ thể.

Ví dụ bác sĩ y khoa và bác sĩ phẫu thuật đều là bác sĩ nhưng họ vẫn có sự khác biệt. Bác sĩ y khoa không giỏi các kỹ năng chuyên môn trong phong phẫu thuật còn bác sĩ phẫu thuật lại thiếu các kỹ năng chẩn đoán chung của bác sĩ y khoa.

Họ cần nắm chắc chuyên môn cụ thể của nghề thì mới có thể làm tốt được công việc. Các nhà đầu tư thành công cần có kiến thức về các lĩnh vực kế toán, tài chính và phân tích các chứng khoán thông qua nghiên cứu. Sau đó, trình độ chuyên môn của họ sẽ phát triển thông qua việc áp dụng kiến thức một cách nhất quán, khách quan, hay còn gọi là “thực hành có chủ đích”.

Các chuyên gia sinh ra nhờ việc luyện tập, không phải do thiên bẩm. Vì thế, nếu khởi điểm hoặc sau một thời gian bạn vẫn không thể làm tốt, hãy kiên nhẫn luyện tập thêm.

shutterstock 1789108016
Những kỹ năng, kiến thức chuyên môn đi cùng với sự tiến bộ trong công việc sẽ giúp bạn đi đến thành công. (Ảnh: Daria Lukoiko/Shutterstock)

4. Quản lý rủi ro

Không ai có thể đoán trước được tương lai nên một nhà đầu tư giỏi cần biết học cách quản lý rủi ro. Nếu muốn đầu tư thành công, bạn phải thấu hiểu, tính trước được các loại rủi ro để giảm thiểu khả năng xảy ra (tần suất) và giảm tổn thất khi chuyện thực sự xảy ra (độ lớn). George Soros từng nói: “Điều quan trọng cần quan tâm không phải là bạn đúng hay sai, mà là bạn kiếm được bao nhiêu tiền khi bạn đúng và bạn mất bao nhiêu khi bạn sai”.

Các nhà đầu tư có thể giảm nguy cơ thua lỗ bằng cách:

– Định ra mức rủi ro chấp nhận được: Khi đầu tư, mỗi người sẽ tính toán mức lời và lỗ khác nhau. Nếu mức độ rủi ro vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, chấp nhận được thì nhà đầu tư vẫn sẽ thấy thoải mái. Nhưng một khi rủi ro vượt quá mức cho phép thì họ có thể bị bùng nổ cảm xúc tiêu cực. Những khoản đầu tư khiến bạn lo lắng bất an đến mất ăn mất ngủ là khoản đầu tư nên tránh.

– Đảm bảo lợi nhuận tiềm năng luôn vượt quá tổn thất có thể xảy ra: Khi tham gia đầu tư, bạn nên rót tiền vào nơi có thể sinh ra lợi nhuận, mang về cho bạn tài sản thực sự, chứ không chỉ dừng lại ở mức hòa vốn. Nếu bạn đầu tư với tâm thế chỉ cần không lỗ là được thì hãy cân nhắc lại khoản đó.