Khi đến một đất nước khác, việc đầu tiên bạn phải làm là tìm hiểu văn hóa của nước đó. Người dân địa phương sẽ khó có thể thông cảm cho cách cư xử không hợp văn hóa dù bạn là người nước ngoài.

1. Hôn má

Ở Italia và Tây Ban Nha, chào hỏi xã giao thường bao gồm 2 nụ hôn phớt lên má. Đầu tiên là hôn bên phải, sau đó đến má trái.

Tại các nước thuộc Mỹ Latinh, người dân thường chào hỏi bằng cách hôn lên má, nhưng chỉ được áp dụng khi giới tính khác biệt, hoặc giữa phụ nữ với nhau mà thôi.

Ở Trung Đông và một vài quốc gia ở Bắc Phi – như Israel và Ai Cập, hôn má lại là cách đàn ông chào nhau, trong khi nam nữ hôn nhau nơi công cộng có thể xem là phạm pháp.

Tại Pháp khi chào hỏi người ta thường hôn nhẹ lên má phải của người đối diện (tùy thuộc vào các vùng miền mà số lượng nụ hôn tăng lên hay ít đi).

nét văn hóa
(Ảnh: Shutterstock)

Thống kê số nụ hôn lên má trong mỗi lần chào hỏi ở một số quốc gia:

  • Hôn má 1 lần: Colombia, Argentina, Chile, Peru và Philippines.
  • Hôn má 2 lần: Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Đức, Hungary, Romania, Croatia, Bosnia, Brazil (có thể khác ở một số vùng, như trường hợp của Pháp) và một số nước Trung Đông (không hôn nếu khác giới).
  • Hôn má 3 lần: Bỉ, Slovenia, Macedonia, Montenegro, Serbia, Hà Lan, Thụy Sĩ, Ai Cập và Nga (đi kèm một cái ôm nồng hậu).

Ở Việt Nam hay Nhật Bản, Trung Quốc thì khi chào hỏi người ta không hôn lên má nhau, đây được coi là hành động khá tế nhị, thậm chí là bất lịch sự.

2. Ngồi ăn ghép bàn

Ghép bàn đơn giản là bạn sẽ phải ngồi ăn chung bàn với những người xa lạ. Hãy làm quen với việc đến các quán ăn địa phương, nhất là những quán nổi tiếng ở Hong Kong, bạn sẽ khó có được không gian riêng để thưởng thức đồ ăn.

Ở Nhật Bản, chuyện phải ngồi ghép bàn cũng diễn ra rất thường xuyên, đặc biệt là trong thời điểm quán ăn đông khách.

Ở Việt Nam, các nhà hàng lớn không có việc ghép bàn nhưng tại các quán ăn nhỏ lẻ thì mọi người vẫn ngồi chung với nhau mà không quá khó chịu.

Ở các nước phương Tây (như nước Anh), việc vào ngồi chung bàn với một người xa lạ sẽ được xem là bất lịch sự. Kể cả với các nhà hàng, quán bar có bàn ngồi chung, họ vẫn cần giữ khoảng cách nhất định.

Ngoi an image
(Ảnh: Shutterstock)

3. Cho tiền bo (tiền tip)

Thuật ngữ tiền tip bắt nguồn từ các nước phương Tây. Ban đầu nó là khoản tiền nhỏ với mong muốn chia sẻ gánh nặng với những người lao động, phục vụ có thu nhập thấp. Tiền tip được biết đến nhiều nhất trong các ngành dịch vụ. Nhiều quốc gia thậm chí còn có những luật lệ riêng liên quan đến khoản tiền này.

Thế nhưng ở Trung Quốc, cho tiền tip là một điều bất thường. Hầu hết các nhà hàng, khách sạn nhà nước bị cấm nhận tiền tip từ khách du lịch. Hay như trong quan niệm của người Nhật, họ được trả tiền dựa trên công sức của mình. Nếu bạn đưa thêm tiền, họ sẽ cảm thấy khá xúc phạm, giống như mình đang không được trả công đầy đủ nên mới cần thêm tiền bo.

nét văn hóa
(Ảnh: Shutterstock)

Tại Singapore, theo quy định chung, nhân viên phục vụ ở mọi bộ phận không được nhận tiền tip. Các nhà hàng, khách sạn sẽ cộng thêm 10% phí phục vụ vào mỗi hóa đơn. Tuy nhiên, nhân viên mang vác hành lý tại các khách sạn có quyền được nhận tiền thưởng của khách.

Tại một số quốc gia ở châu Đại dương – như Úc, New Zealand và Samoa, nhân viên phục vụ cũng thường không yêu cầu tiền bo. Nhiều nơi thậm chí còn cấm khách tặng tiền cho nhân viên.

Mỹ và Pháp là hai quốc gia mà khách hàng không bao giờ quên thưởng tiền cho nhân viên phục vụ, thậm chí còn bo rất nhiều (10% – 15% giá trị hóa đơn nếu dịch vụ trung bình, 15% – 20% nếu dịch vụ tốt và trên 20% cho dịch vụ hảo hạng).

4. Ăn uống làm khách

Ở một số quốc gia, ăn sạch sẽ thức ăn trong đĩa được cho là dấu hiệu của việc bạn rất thích đồ ăn. Như ở Ấn Độ và Nhật Bản, việc ăn không hết lại mang ý xúc phạm, cho thấy đồ ăn không ngon. Còn ở Trung Quốc, để lại một ít thức ăn trên đĩa là thể hiện việc đầu bếp đã hào phóng cho bạn rất nhiều thức ăn mà bạn không thể ăn hết được.

Về việc uống, ở Ấn Độ, bạn không thể tự rót đầy nước cho mình. Nếu cốc nước của bạn đã gần uống hết, sẽ có người rót thêm cho bạn, nhưng không phải là bạn tự rót cho mình. Thay vì thế, hãy rót cho người khác và họ sẽ rót lại cho bạn.

nét văn hóa
(Ảnh: Shutterstock)

5. Dùng chung bát đũa

1 an uong image
(Ảnh: Shutterstock)

Các quốc gia Á Đông rất trọng văn hóa chia sẻ nên thường ăn chung trong những đĩa lớn với cả bàn. Nhưng những người phương Tây sẽ ăn theo suất ăn riêng. Họ cũng tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc về cách dùng dao, nĩa, thìa, khăn ăn, đồ uống. Mỗi món ăn sẽ yêu cầu một bộ dụng cụ ăn khác nhau và đảm bảo phù hợp với món ăn đó. Bộ đồ ăn để ăn cá hơi dẹt để khơi được từng mảnh cá nhỏ, bộ đồ ăn thịt phải sắc để cắt được thịt. Ăn xà lách, ăn tráng miệng, dùng bơ hay dùng bánh ngọt có bộ dao nĩa riêng. Nếu dùng hải sản có vỏ cứng như tôm, cua, ốc họ còn cần đến bộ kìm, móc vô cùng phức tạp. Ngay cả ly, chén, dĩa cũng phải thay đổi liên tục theo món, không dùng lại chén dĩa của món trước cho món sau.

Minh Minh

Xem thêm: