Bài viết dưới đây của tác giả Annie Holmquist tuy đề cập đến chuyện kỹ năng viết lách trong tiếng Anh, nhưng bài học nó nêu ra hoàn toàn có thể áp dụng cho mọi ngôn ngữ khác.

Bài viết năm 1897 giải thích vì sao ngày nay chúng ta viết lách kém
Bức tranh “Cô gái viết lách bên chú chim sẻ cánh vàng” của Henriette Browne. (Public Domain)

Tại Mỹ, cứ 4 năm một lần, Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra kiến thức học sinh và định hướng giáo dục theo các lĩnh vực: đọc, viết, toán học, xã hội, khoa học tự nhiên, địa lý, kinh tế và lịch sử. Bộ câu hỏi sát hạch, “Nation’s Report Card” được Bộ Giáo dục phát về các trường.

Kết quả được công bố vào tháng 11 năm 2018 cho thấy một sự thật phũ phàng: Chỉ có không quá 40% số học sinh lớp 4 và lớp 8 đang học tập tại quốc gia này thành thạo về khả năng đọc hiểu và toán học.

Đó là những con số rất đáng quan ngại, nhưng thống kê liên quan đến kỹ năng viết lách thì thậm chí còn khủng khiếp hơn: Chỉ có 27% số học sinh lớp 8 và lớp 12 của Mỹ thành thạo về kỹ năng này.

Tại sao học sinh Mỹ lại viết lách tệ đến như vậy?

Một số lời giải đáp cho thắc mắc này đã được liệt kê vào năm 1897 – một bài viết của Tiến sĩ Edwin Lewis trong tác phẩm: “A First Book in Writing” (tạm dịch: Cuốn sách luyện viết cơ bản).

Cuốn sách của Tiến sĩ Lewis Lewis được khuyến nghị dành cho sinh viên năm nhất và năm hai, ngoài ra cũng được sử dụng ở những nơi như trường trung học Ann Arbor vào đầu thế kỷ 20.

Thực tế là, các trường học, học sinh và thậm chí cả người lớn ở Mỹ (và nhiều nơi khác) cũng thường xuyên vi phạm ba nguyên tắc mà Lewis cho là cần thiết trong quá trình viết lách, cụ thể đó là:

Họ không đọc các tác phẩm văn học chất lượng cao

Có một sự thật đáng buồn là, ngày này các trường học thường thiếu danh sách tác phẩm văn học chọn lọc – có chất lượng cao, từ vựng phong phú, câu từ trau chuốt và nhiều yếu tố khác. Lewis đã chỉ ra rằng, một chương trình đọc toàn diện và có độ khó cao, chính là một trong những chìa khóa để có kỹ năng viết tốt.

“Một trong những cách nhanh nhất để học tốt tiếng Anh là đọc bằng miệng. Đối với người tập viết lách, việc đọc sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và công sức, nhờ đó, chúng ta có thể viết tốt hơn. Đọc to mỗi ngày một vài đoạn văn xuôi với cảm xúc thăng hoa chính là một thói quen tuyệt vời.

Đây là phương pháp tốt nhất giúp người ta dễ dàng để tâm và ghi nhớ từ vựng mới, cũng như nắm bắt ngữ điệu vô cùng đa dạng của văn xuôi, và cảm nhận được ngữ điệu của một câu văn hay. Sự lên xuống của ngữ điệu không chỉ đơn thuần là vấn đề giọng nói; đó còn là vấn đề về tư duy…

“Nếu sinh viên đọc to các tác phẩm văn học được viết một cách tự nhiên, không gò bó, độc đáo, anh ta sẽ dần dần thấy được ý tưởng của mình rõ ràng hơn, cảm nhận cảm xúc của chính mình sâu sắc hơn.”

>> Không chỉ cần đọc sách, bạn cần rèn luyện 4 đức tính này để trở thành ‘người có văn hóa’

Họ đọc lướt

Thời đại phát triển nhanh chóng của Internet đã làm cho tất cả chúng ta, cả người lớn và trẻ em, đều trở thành những người đọc lướt (skim). Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm khả năng suy nghĩ và sự hiểu biết, hai khía cạnh cần thiết để có thể viết tốt.

“Để học được từ vựng mới và hiểu ý tưởng mới, học sinh bắt buộc phải đọc chậm. Chỉ vì sự thiếu kiên nhẫn, muốn nhanh chóng tìm hiểu xem câu chuyện hay bài thơ kết thúc như thế nào, nhiều thanh niên đã có thói quen đọc quá nhanh đến nỗi bỏ lỡ phần nội dung hay nhất mà tác giả muốn truyền tải.

Tư duy (ẩn chứa) không thể hiển thị nhanh chóng như câu chữ. Để có thể thực sự hiểu được ý nghĩa của tác phẩm, học sinh cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và suy ngẫm khi đọc. Mỗi từ phải được hiểu một cách thấu đáo; ý nghĩa chính xác của nó trong từng câu phải được nắm bắt rõ.”

Bài viết năm 1897 giải thích vì sao ngày nay chúng ta viết lách kém
Khi còn nhỏ trẻ đọc thể loại nào thì khi lớn lên sẽ viết ra thể loại đó. Bức tranh “bài tập đọc” của Mary Cassatt. (Public Domain)

Họ không học thuộc lòng

“Drill and Kill” (thuật ngữ giáo dục chỉ việc luyện tập một cách máy móc – ND) và học thuộc lòng đã trở thành 2 vấn đề nổi cộm bị từ chối trong thời đại mà người ta quá tôn vinh sự sáng tạo và cảm xúc. Nhưng thật ra việc không chú trọng học thuộc lòng đang tước đi nguồn tư liệu viết có giá trị cho trẻ em, liệu có phải như vậy?

“Nhờ thói quen ghi nhớ, nhiều người không chỉ có được tư duy bay bổng, mà còn giúp họ nhuần nhuyễn các từ vựng.

Mức độ mà các nhà văn hiện đại mô phỏng phong cách của các tác giả lớn là rất nhiều. Ví dụ, các câu nói của Shakespeare được vận dụng trong các bài thuyết trình rất nhiều. Các nhà văn như Charles Lamb mang dấu ấn của Shakespear trên từng trang sách.

Nó hình thành các phong cách độc đáo như của Bunyan, Ruskin và Abraham Lincoln. Hầu hết các giáo viên đều cho rằng thói quen học thuộc Kinh thánh có hiệu quả vô cùng to lớn đối với trình độ tiếng Anh của một sinh viên.”

Liệu khả năng viết của học sinh có thể tăng lên nếu 3 yếu tố này được cải thiện trong lớp học hay không? Câu trả lời có lẽ rất rõ ràng.

Theo IntellectualTakeout.org
Phan Anh