Chuyên gia về tài chính cá nhân và cũng là cây bút chuyên viết về giới siêu giàu – cô Tanza Loudenback ở Los Angeles đã chia sẻ một mẹo đơn giản để tối ưu quá trình tiết kiệm của bạn. Dưới đây là những kinh nghiệm cô rút ra được.

tai khoan tiet kiem image
(ảnh minh họa, Shutterstock)

Tôi dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về tiền bạc. Một phần công việc của tôi là viết về nó, và có lẽ giống như bạn, tôi liên tục cố gắng tiết kiệm nhiều hơn: Còn cách nào khác tôi có đủ tiền cho một kỳ nghỉ hay ngôi nhà mơ ước vào một ngày nào đó?

Vì vậy, tôi đã rất vui mừng khi kiểm tra một trong những tài khoản tiết kiệm của mình trong tuần đầu năm 2019 và phát hiện số dư đã tăng gấp đôi kể từ tháng 1 năm 2018, mà tôi thậm chí còn không biết về điều đó.

Tôi đã nhận ra ngay đó là nhờ vào hai chiến lược đơn giản: tự động hóa khoản tiết kiệm của mình và để tài khoản đó ở một ngân hàng khác.

Gần hai năm trước, tôi đã mở một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao tại Ngân hàng Ally, bởi nó khá danh tiếng và có dịch vụ điện tử rất tốt.

Tôi đã truy cập cổng thông tin online để theo dõi tiền lương của mình và thiết lập tính năng tự động chuyển một số lương cố định hàng tháng vào tài khoản tại ngân hàng Ally. Điều này chỉ tốn chưa đầy 5 phút.

Cứ theo định kỳ, số dư tài khoản tiết kiệm của tôi lại tăng lên số tiền tương tự, cộng với tiền lãi. Hãy chọn một ngân hàng có chương trình tiền gửi tiết kiệm với mức lãi suất tốt.

Với việc tiết kiệm tự động, tiền sẽ tự động trích ra từ phiếu lương của tôi trước khi tôi nhìn thấy nó, vì vậy tôi thậm chí không biết được tiền đã đi đâu. Tôi cho rằng số tiền đó là không được động đến và tôi chỉ có thể chi tiêu những gì có trong tài khoản thanh toán của mình.

Chính chiến lược này đã giúp ích cho tôi và bởi vì tài khoản tiết kiệm của tôi ở Ngân hàng Ally, nhưng tài khoản thanh toán của tôi lại ở một ngân hàng khác, tôi không biết số tiền tiết kiệm của mình tăng gấp đôi cho đến tận bây giờ.

Hóa ra, tôi đã vô tình thực hiện một chiến lược tuyệt vời của James Clear, một chuyên gia về hiệu suất đồng thời là tác giả của cuốn “Atomic Habits”. Clear cho rằng cách tốt nhất để bỏ thói quen xấu (tiêu tiền, trong trường hợp này) là tăng thêm “độ khó”, từ đó, sẽ làm cho việc thực hiện chúng trở nên khó khăn hơn.

Cách tốt nhất để phá bỏ một thói quen xấu là làm cho nó trở nên không thực tế, Clear cho hay. “Tăng độ khó cho đến khi bạn không thể thực hiện được nữa.”

>> Trẻ, giàu và tằn tiện: Những nhân viên muốn nghỉ hưu ở tuổi 30

Bằng cách lập một tài khoản tiết kiệm tại một ngân hàng khác, mỗi khi kẹt tiền trong tài khoản thanh toán, tôi cũng không thể dễ dàng chuyển tiền về từ tài khoản tiết kiệm.

Clear còn nêu ra một vài ví dụ về việc tăng thêm “độ khó” cho thói quen xấu như: tháo pin ra khỏi điều khiển từ xa để ngăn việc xem TV hay để điện thoại của bạn ở một phòng khác, như thế, bất cứ khi nào bạn muốn dùng Instagram hoặc nhắn tin vu vơ cho mọi người, bạn sẽ phải đứng lên và đi tìm điện thoại của mình.

Còn cách tốt nhất để phát triển những thói quen tốt, như tiết kiệm tiền, là gì? Chính là làm cho nó trở nên dễ dàng hơn. Tôi không thể nghĩ ra cách nào dễ dàng hơn là tiết kiệm tiền một cách tự động.

Như Clear đã nói, “Khi áp dụng theo hướng có ích, việc tự động hóa này có thể khiến những thói quen tốt của bạn trở nên bất khả kháng và những thói quen xấu trở nên bất khả thi.”

Theo Business Insider
Phan Anh