Phong thủy (風水), được hiểu ngắn gọn là “Gió Nước”, là một học thuyết Trung Quốc cổ xưa về việc sắp xếp các yếu tố vật chất và năng lượng trong một môi trường, nhằm mục đích đạt được sự hài hòa và cân bằng, giúp cải thiện năng lượng và tâm trạng cho những người sống trong không gian đó.

shutterstock 1715602882
Về cốt lõi, phong thủy là tái tạo sự cân bằng được tìm thấy trong tự nhiên để đạt được một môi trường hài hòa nuôi dưỡng tâm hồn. (Ảnh: Durukans/ Shutterstock)

Mặc dù phong thủy thường bị hiểu sai là một “công cụ ma thuật” phức tạp giúp người ta đạt được sự giàu có và may mắn, nhưng các nguyên tắc cơ bản nhất của phong thủy lại hợp lý và dễ áp ​​dụng. Bản năng con người là có thể nhận thức được những gì mang đến cảm giác yên tâm, an toàn, mặc dù trong cuộc sống hiện đại chúng ta có thể đã làm mất kết nối với giác quan đó.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến con người quay lưng lại với lối sống và lối suy nghĩ truyền thống. Công nghệ ngày càng phát triển khiến sự cân bằng và hài hòa hầu như bị lãng quên, dẫn đến gia tăng sự căng thẳng và bệnh tật ngày càng phổ biến hơn. Phong thủy có thể giúp chúng ta hòa hợp và tôn trọng các yếu tố tự nhiên xung quanh, giúp cải thiện trạng thái tổng thể của chúng ta. 

Sự khởi đầu khiêm tốn của phong thủy

Trong các nền văn hóa cổ đại, con người thường dựa vào trực giác để quan sát địa thế nhằm tạo ra một môi trường sống tốt. Còn các nguyên tắc phong thủy cụ thể được cho là xuất hiện cách đây khoảng 4.000 năm ở Trung Quốc, chủ yếu dùng trong nông nghiệp. Người nông dân thường quan sát cẩn thận các đặc điểm của tự nhiên để có thể ứng phó tốt hơn với các điều kiện thời tiết không thuận lợi. 

Sau đó, phong thủy dần được ứng dụng vào tâm linh như tìm vị trí đắc địa để chôn cất người quá cố. Các kỹ thuật trở nên chính xác hơn với việc phát minh ra la bàn dưới thời nhà Hán. Và vào khoảng năm 2.000 trước Công nguyên, phong thủy đã được sử dụng trong cả quy hoạch và kiến ​​trúc đô thị.

Vì phong thủy xoay quanh mối quan hệ giữa con người với các yếu tố tự nhiên nên ngày nay nó được áp dụng rộng rãi trong kiến ​​trúc xanh, lĩnh vực sinh thái và tính bền vững.

shutterstock 643125967
Phong thủy giống như tạo ra thế giới thu nhỏ của riêng bạn, với tất cả các yếu tố của tự nhiên được cân bằng một cách hoàn hảo. (Ảnh: AshokG/ Shutterstock)

Các trường phái phong thủy

Có 2 trường phái phong thủy chính: phái Hình thế và phái Lý pháp. Ngoài ra còn có một vài trường phái phong thủy khác như phái “phong thủy Phi tinh” – một hệ thống phức tạp sử dụng số học hay phái “phong thủy Mũ đen” – một cách giải thích hiện đại sử dụng các hướng tượng trưng và tập trung vào mục đích. Ở đây chúng ta sẽ tuân theo truyền thống để phân tích.

Phong thủy Hình thế

Phong thủy Hình thế xem xét mối quan hệ giữa các yếu tố vật lý, bao gồm địa hình và các khía cạnh môi trường của một không gian ngoài trời; hoặc bản chất và vị trí của các đồ nội thất khác nhau trong không gian trong nhà.

Phong thủy Hình thế liên quan đến việc sắp xếp không gian để mang lại sự yên tâm thoải mái, giúp giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe. Cảm giác sợ hãi và không thoải mái góp phần gây ra sự căng thẳng mãn tính – một gánh nặng đối với hệ thống miễn dịch

Các nguyên tắc cơ bản của phong thủy Hình thế bao gồm: Sự bảo vệ, sạch sẽ, sự cân bằng và giảm thiểu tối đa sự hiện diện của các vật sắc nhọn gây cảm giác đe dọa.

La ban
Bát quái đồ là một sơ đồ cổ xưa thường được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho mọi thứ, từ các vấn đề cá nhân đến quy hoạch thành phố. Hiện vật này là từ vụ đắm tàu ​​Belitung, được trưng bày tại Bảo tàng ArtScience ở Singapore. (Nguồn: Jacklee/ Wikimedia Commens, CC BY-SA 3.0)

Phong thủy Lý pháp

Phong thủy Lý pháp xem xét mối quan hệ giữa ngũ hành (五行): Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và ảnh hưởng của chúng đối với các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống con người.

Trường phái này dựa trên bát quái (八卦), một đồ hình bí ẩn, cổ xưa, mô tả dòng năng lượng tự nhiên liên quan đến tất cả các lợi ích của con người. Bát quái được cho là một món quà Thần ban, do Hoàng đế Phục Hy phát hiện lần đầu tiên trên mai một chú rùa nổi lên từ sông Lạc Hà. 

Giải mã các dấu hiệu của bát quái cho thấy mối liên hệ vũ trụ sâu sắc giữa thiên nhiên và con người, trời và đất. Phong thủy Lý pháp thúc đẩy sự cân bằng và hài hòa thông qua việc điều chỉnh sức mạnh của các yếu tố liên quan đến không gian theo từng hướng của la bàn.

Áp dụng các nguyên tắc cơ bản của phong thủy

Các nguyên tắc cơ bản nhất của phong thủy liên quan đến việc giải quyết các nhu cầu cơ bản của con người. Sự an toàn, sạch sẽ, nuôi dưỡng và cân bằng sẽ làm cho bất kỳ không gian nào cũng cho cảm giác như ở nhà.

Sự an toàn

Con người muốn có được sự thoải mái và thư giãn thì trước tiên cần phải cảm thấy an toàn. Chúng ta có xu hướng cảm thấy an toàn hơn khi quay lưng vào tường hoặc vật thể vững chắc khác, vì như vậy sẽ quan sát được bất kỳ mối nguy hiểm nào đang đến gần. Điều này có thể được áp dụng trong việc bố trí chỗ ngồi, sắp xếp chỗ ngủ và thậm chí cả vị trí nhà ở – vị trí tốt nhất là trên một ngọn đồi hướng ra ngoài. 

Các vật sắc nhọn được coi là mang tính đe dọa. Dao và những hình thù sắc nhọn gây cảm giác khó chịu – ngay cả việc chỉ một ngón tay vào người khác cũng bị hầu hết các nền văn hóa coi là thô lỗ. Để tạo cảm giác thư thái, hãy để dao và các vũ khí khác ở nơi khuất tầm nhìn. Các nét mềm mại, tròn trịa và hoa văn trên đồ nội thất và đồ trang trí được ưu tiên hơn so với các cạnh sắc nét và thiết kế hình học.

Nhưng nếu bạn yêu thích thực vật thì không cần phải vứt bỏ những cây lá nhọn có gai của bạn. Bạn có thể đặt chúng một cách chiến lược như là sự bảo vệ chống lại những năng lượng tiêu cực, ví dụ đặt ở bệ cửa sổ để tránh năng lượng xấu từ ngoài vào. 

Sự sạch sẽ

Giữ nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp không chỉ giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và virus, mà còn giúp bạn có trí óc minh mẫn và nội tâm an tĩnh hơn. Dọn dẹp sạch sẽ trong và ngoài nhà có thể tạo ra một nguồn năng lượng bùng nổ khi bỏ đi những đồ vật không cần thiết đã đè nặng tâm trí và làm cạn kiệt năng lượng của chúng ta.

Những người rất nhạy cảm từ lâu đã hiểu rằng mọi vật đều có sự sống. Các nhà khoa học cũng đã công nhận rằng các vật thể khác nhau có các trường năng lượng rung động khác nhau, chúng tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Chẳng hạn, một căn phòng từng xảy ra những chuyện không tốt có thể mang năng lượng xấu cần được hóa giải để người khác có thể ở được một cách suôn sẻ.

Có nhiều cách làm sạch không gian như sử dụng ánh sáng, âm thanh, mùi hương hoặc thiền định để xua tan năng lượng tiêu cực còn sót lại. Hãy chọn cách bạn thấy phù hợp cho bất kỳ căn phòng nào mà bạn cảm thấy có sự khó chịu không giải thích được.

shutterstock 309930356
Một không gian sạch sẽ và gọn gàng có thể được đánh giá cao bởi bất cứ ai. (Ảnh: Edvard Nalbantjan/ Shutterstock)

Nuôi dưỡng 

Để có một không gian khuyến khích sự phát triển và hiệu suất thì không chỉ cần mang lại cảm giác an toàn mà còn cần nuôi dưỡng tâm hồn. Một căn phòng đơn giản, tẻ nhạt thoạt nhìn có vẻ mới mẻ, nhưng nếu không có một số điểm nhấn cá nhân để kích thích niềm vui và trí tưởng tượng thì nó sẽ sớm giống như một phòng giam hơn. 

Các đồ vật từ thiên nhiên luôn làm cho ngôi nhà trở nên thoải mái hơn. Thực vật, vỏ sò, đá, nước và hình ảnh phong cảnh đều có tác dụng xoa dịu tinh thần và mang lại nguồn cảm hứng.

Việc sử dụng các vật liệu tự nhiên thay vì nhân tạo để bài trí nhà giúp chúng ta cảm thấy thoải mái và được kết nối với thiên nhiên. Các vật liệu như gỗ và đá mang lại nhiều lợi ích thiết thực; chúng bền, dễ bảo trì, trông bắt mắt và tạo sự thoải mái hơn so với hàng nhân tạo. Các loại vải tự nhiên cũng được ưa chuộng hơn polyester để giảm thiểu vi hạt nhựa trong môi trường sống.

shutterstock 1340603723
Thực vật, vỏ sò, đá, nước và hình ảnh phong cảnh đều có tác dụng xoa dịu tinh thần và mang lại nguồn cảm hứng.(Ảnh: FotoHelin/ Shutterstock)

Sự cân bằng

Sự mất cân bằng rất dễ phát hiện và dễ khắc phục theo nhiều cách: Khi cảm thấy lạnh, chúng ta mặc thêm quần áo; nếu âm thanh tivi quá to, chúng ta giảm bớt âm lượng; khi trời quá tối để đọc sách, chúng ta bật đèn lên… Tuy nhiên phong thủy giải quyết sự mất cân bằng không chỉ ở lĩnh vực vật chất mà còn ở lĩnh vực tinh thần.

Hai chữ 風 (gió) và 水 (nước) tạo nên từ “phong thủy” có thể coi là đại diện cho đặc điểm của năng lượng – luôn thay đổi và lưu thông. Khi có sự mất cân bằng, năng lượng bị bế tắc khiến cảm giác lo lắng và căng thẳng nảy sinh. 

Để nhận biết và điều trị sự mất cân bằng về tinh thần thì cần có hiểu biết cơ bản về ngũ hành. 

Kiến thức cơ bản về ngũ hành

Theo quan niệm của Trung Quốc cổ đại, năm yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tạo nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Chúng là một phần của chu kỳ sáng tạo và hủy diệt, có thể nhận biết và cải thiện được. Học cách nhận biết các yếu tố này trong môi trường xung quanh giúp bạn có thể cân bằng lại năng lượng của chúng và cải thiện sự hài hòa trong cuộc sống.

Vòng tương sinh của ngũ hành đi từ thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim và kim sinh thủy. Mỗi yếu tố đều bổ trợ hoặc nuôi dưỡng yếu tố kế tiếp trong vòng tròn này.

Vòng tương khắc không phải là chạy ngược lại với vòng tương sinh như nhiều người tưởng tượng. Thay vào đó, quan hệ tương khắc xảy ra giữa hai yếu tố nằm xa nhau nhất trong trong sơ đồ ngũ hành. Theo trình tự này thì thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ và thổ khắc thủy. 

Để thấy mọi thứ được tạo thành từ năm yếu tố này như thế nào, chúng ta cần mở rộng nhận thức của mình về chúng. 

Ví dụ, “Mộc” không chỉ là đề cập đến cây cối và các tấm gỗ; nó cũng bao gồm tất cả các loại thực vật sống và không sống, cũng như các sản phẩm tự nhiên được làm từ chúng. Yếu tố mộc được đại diện bởi màu xanh lá cây và hình dáng cao, thẳng đứng. 

Tương tự như vậy, “Hỏa” không chỉ giới hạn ở ngọn lửa mà bao gồm nhiều nguồn nhiệt và ánh sáng khác nhau như điện, năng lượng mặt trời, và dĩ nhiên là nhiên liệu đốt. Màu đỏ và hình tam giác hoặc hình nón tượng trưng cho yếu tố này.

“Thủy” có ở nhiều dạng — từ đại dương và sông ngòi đến bể nuôi cá hay bể tắm cho chim. Các vật dụng làm bằng thủy tinh cũng được phân loại thuộc yếu tố Thủy do bề mặt phản chiếu sáng bóng là đặc trưng của nước. Màu xanh lam và hình dạng cong hay tự do là đại diện cho yếu tố Thủy. 

“Kim” bao gồm bất kỳ các vật dụng làm bằng kim loại, bao gồm vòi nước bằng thép không gỉ, đồ trang sức bằng vàng, chuông gió, tiền xu… Yếu tố này được đặc trưng bởi hình tròn và các màu sáng như xám, bạc và trắng.

“Thổ” là một yếu tố được tạo thành từ khoáng chất. Cát, đá, tinh thể, gốm sứ, gạch và xi măng đều tạo thành nguyên tố Thổ. Tuy nhiên mảnh đất mà trên đó trồng nhiều cây lại được coi là nguyên tố Mộc. Các hình dạng tinh thể như hình khối, hình vuông, và tông màu nâu đất đại diện cho yếu tố Thổ này. 

ngu hanh
Ngũ hành tương sinh tương khắc. (Ảnh: Kiakaku/ Wikimedia Commons,  CC-BY-SA-4.0)

Áp dụng phong thủy vào thực tiễn

Với các thông tin cơ bản trên, chúng ta có thể đánh giá yếu tố nào chiếm ưu thế hơn trong một không gian bất kỳ và giúp nó trở về trạng thái cân bằng. 

Ví dụ, một phòng ngủ có đồ nội thất và sàn bằng gỗ có thể được hưởng lợi từ yếu tố Kim. Một chiếc đèn bằng đồng đặt trên bàn, một tấm gương lớn hoặc 1 chiếc bát hát Tây Tạng sẽ giúp cân bằng yếu tố Mộc mà nếu quá nhiều có thể gây ra cảm giác tức giận. 

Một căn với yếu tố Thủy là chủ yếu, chẳng hạn như phòng tắm, sẽ được cân bằng bởi các yếu tố Thổ. Có logic phong thủy đằng việc thiết kế phòng tắm lát gạch và chậu sứ. Sợ hãi là cảm xúc liên quan đến nước, vì vậy nếu bạn mắc chứng lo âu, bạn có thể coi việc sưu tầm đá hoặc đồ gốm là một sở thích.

Ngược lại, nhà bếp có thể có nhiều nguyên tố Thổ, với khu bếp thường được lát đá và bát đĩa bằng gốm. Các loại cây cảnh trong chậu, khăn lau bát đĩa bằng vải, tủ hoặc thớt gỗ tự nhiên có thể cải thiện trải nghiệm nấu nướng của bạn bằng cách giảm bớt lo lắng — cảm xúc liên quan đến việc dư thừa yếu tố Thổ.

Một nhà để xe chứa ô tô, xe máy, xe đạp và các dụng cụ thiết bị khác sẽ có quá nhiều kim loại, yếu tố liên quan đến nỗi buồn. Để cân bằng, hãy thêm nhân tố “Hỏa” với ánh sáng dồi dào và nguồn hơi ấm. 

Hỏa, đại diện cho niềm vui, khó có thể lấn át bất kỳ căn phòng nào trừ khi bạn có một căn phòng màu đỏ với lò sưởi và TV màn hình lớn; trong trường hợp đó bạn có thể cân bằng lại với các yếu tố Thủy. Liên quan đến yếu tố Hỏa trong mọi không gian,  đủ ánh sáng được biết đến là rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất, nhưng ai biết đó cũng là phong thủy?

Trên thực tế, phong thủy có thể phức tạp hơn nhiều nhưng thường được sử dụng như một phương tiện để đạt được những lợi ích bên ngoài. Còn lợi ích tinh thần của phong thủy có thể được tạo ra bằng những phương pháp đơn giản mà ai cũng có thể áp dụng được.