Mọi người có xu hướng né tránh các cuộc tranh luận bởi nó có thể dẫn đến sự tức giận cho cả hai phía. Tuy nhiên, với cách tiếp cận tích cực, tranh luận lại trở thành cơ hội để bạn phát triển bản thân, thậm chí còn giúp bạn củng cố các mối quan hệ. 

kém cỏi
Đối với một cuộc tranh luận, thái độ cởi mở và lắng nghe là một cách tiếp cận hiệu quả hơn so với việc khăng khăng giữ quan điểm của mình. (Ảnh: Fizkes/ Shutterstock)

Tranh luận có thể khiến sự việc trở nên phức tạp và làm tổn thương cả hai bên, bởi vì chúng động chạm đến niềm tin của mỗi người. Thật khó khăn để duy trì một thái độ cởi mở nhưng đó là một phần quan trọng cho một cuộc tranh luận tích cực. Có rất nhiều lý do khiến một cuộc tranh luận bị chệch hướng và trở nên xấu đi, nhưng nếu bạn hành xử theo nguyên tắc bình tĩnh nhẫn nại, chân thành và thiện lương thì chắc chắn sẽ thu được rất nhiều lợi ích.

Hãy xem xét các yếu tố chính trong một cuộc tranh luận và cách bạn có thể điều khiển nó đi đúng hướng.

Tại sao chúng ta lại tranh luận?

Những người có nền tảng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau đương nhiên sẽ có những quan điểm khác nhau. Bản chất xã hội quy định rằng chúng ta sẽ tương tác và trao đổi những quan điểm khác nhau, như vậy chắc chắn sẽ có lúc quan điểm bạn đưa ra gặp phải sự phản đối. 

Nếu một trong hai bên tự tin vào hiểu biết của mình về lĩnh vực được thảo luận, anh ta có thể sẽ đưa ra hàng loạt lý do tại sao nên nhìn mọi thứ theo cách của anh ta. Nếu người còn lại cũng chọn tham gia tranh luận và cố gắng thuyết phục anh ta theo quan điểm của mình, thì một cuộc tranh cãi sẽ nổ ra. Điều này chỉ khiến cho cuộc tranh luận trở nên phí công vô nghĩa, không đạt được gì ngoài sự tức giận và rạn nứt. 

Nhiều người tranh luận với mục đích “giành phần thắng”, nhưng trên thực tế không nhất thiết phải tranh đấu như vậy. Bạn muốn thay đổi suy nghĩ của người khác về điều gì đó, nhưng khiến họ cảm thấy tồi tệ lại là cách ít có khả năng thành công nhất. 

tranh cai 1
Bạn muốn thay đổi suy nghĩ của người khác về điều gì đó, nhưng khiến họ cảm thấy tồi tệ lại là cách ít có khả năng thành công nhất. (Ảnh: Shutterstock)

Một cuộc tranh luận thành công là khi cả hai phía đều đi đến thống nhất mà không phải là chiếm được ưu thế với quan điểm của mình. Lý tưởng nhất là mỗi bên đều tham gia với tâm thái cởi mở, sẵn sàng trao đổi và thu nhận thông tin mới. Mục đích đúng nên là để hiểu rõ hơn vấn đề hoặc tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề đó. 

Khi thể hiện quan điểm của bản thân, để thu được hiệu quả, bạn cần khiến người nghe quan tâm đến chủ đề của mình. Hãy trình bày quan điểm của mình một cách rõ ràng hợp lý, và thể hiện lợi ích của việc hiểu mọi thứ theo cách này. 

Khả năng lập luận là một kỹ năng có giá trị, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và thấu hiểu. Rất ít người bẩm sinh đã có kỹ năng tranh luận tích cực, nhưng ai cũng có thể làm tốt trong việc thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau và ngăn chặn xung đột tình cảm. 

Khi nào thì tranh luận là cần thiết và hữu ích

Trước khi bạn tham gia vào một cuộc tranh luận, hãy cân nhắc xem nó có đáng để bạn gặp rắc rối hay không? Một số người chỉ thích trêu chọc người khác để giải trí, trong khi một số khác lại có thể hiếu chiến và không sẵn sàng chấp nhận quan điểm khác. Việc tham gia vào kiểu tranh luận này hiếm khi có hiệu quả. Trong trường hợp như vậy, bạn có thể ngẩng cao đầu bỏ qua mà không cần phải mất thời gian với một người thiếu nghiêm túc.

Trong trường hợp mà cuộc tranh luận có thể lợi ít hại nhiều, hoặc nếu vấn đề được đề cập không quá quan trọng, hoặc nếu người kia quá nhạy cảm với chủ đề này, hoặc nếu bạn đã biết rằng người đó rất bảo thủ, thì tốt hơn là nên để yên quan điểm của họ như vậy.

Tuy nhiên, trao đổi về các vấn đề quan trọng – như những vấn đề ảnh hưởng đến bạn và gia đình bạn, hoặc làm thế nào để đạt được kết quả tối ưu – lại rất cần thiết để duy trì các mối quan hệ lành mạnh và phát triển nó. Có thể có đôi chút khó khăn, nhưng với sự chuẩn bị và thực hành trước, bạn vẫn có thể đảm bảo được tất cả các lập luận của mình đều mang tính xây dựng và hiệu quả.

Cách giữ cho một cuộc tranh luận mang tính xây dựng

Để giữ cho một cuộc tranh luận không trở nên xấu đi, bạn cần phải hòa hợp với đối phương trong cuộc thảo luận của mình. Mặc dù bạn có thể không đồng ý với họ, nhưng bạn nên thể hiện sự đánh giá cao quan điểm của họ. Thể hiện sự đồng cảm có thể giúp bạn tạo ra sự khác biệt rất lớn trong tất cả các cuộc tranh luận.

1. Tiếp cận tranh luận với thiện tâm

tranh luan 1
(Ảnh: Chaay_Tee/ Shutterstock)

Nên nhớ rằng, niềm tin của bạn hình thành trên kiến thức và kinh nghiệm học được, thì người tranh luận với bạn cũng đã trải qua quá trình tương tự để xác định quan điểm của họ là đúng đắn. 

Niềm tin của chúng ta phát triển dần trong quá trình sống, bắt đầu từ sự chấp nhận cho đến trở nên vững chắc như một tảng băng lớn. Không thể dùng lực đập vỡ tảng băng ấy, cách duy nhất để thay đổi nó là dùng hơi ấm. 

Nếu bạn muốn tác động được đến niềm tin của người khác, bạn cần chứng tỏ rằng bạn hiểu và tôn trọng họ, bằng cách lắng nghe lập luận của họ. Rốt cuộc, bạn khó có thể mong đợi người khác cởi mở với quan điểm của mình nếu bạn khép kín với họ. Hãy đồng ý một số lập luận của họ là đúng trước khi chỉ ra điều gì không đúng.

2. Dự đoán phản ứng cảm xúc

Không ai cảm thấy thoải mái khi quan điểm của mình bị cho là sai. Hãy nhạy cảm với đối phương, để ý các dấu hiệu kích động và lùi lại một chút nếu họ đang tỏ ra khó chịu. Một số cuộc tranh luận được thực hiện tốt hơn theo từng bước – cho phép mỗi bên có quá trình hòa hoãn để xử lý thông tin và cảm xúc. 

Hãy đảm bảo giữ vững lý trí và không để những cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng đến lập luận của bạn. Sự phát triển bản thân đòi hỏi bạn phải bước ra ngoài vùng an toàn và vượt qua cảm xúc tiêu cực.

3. Chuẩn bị sẵn sàng

Hấp tấp không phải là cách phù hợp để bắt đầu một cuộc tranh luận nghiêm túc. Ngoài việc hiểu rõ ràng quan điểm của mình và những lý do hợp lý cho nó, bạn nên làm quen với quan điểm của đối phương trước khi phản bác lại quan điểm đó. Nếu bạn hiểu cách họ nghĩ, bạn sẽ biết dùng những dẫn chứng nào mà họ dễ dàng chấp nhận. 

Bạn cũng cũng nên coi chừng một số kiểu ngụy biện. Ví dụ như ngụy biện kiểu “người rơm”, trong đó đối phương tìm cách đánh lạc hướng chủ đề để tránh tranh luận.

Đối phương cũng có thể dựa vào các câu chuyện đã xảy ra để làm bằng chứng thay vì trích dẫn dữ liệu cụ thể. Mặc dù nó cũng có thể giúp minh họa cho một phần nào đó nhưng không thể đại diện cho toàn bộ sự thật. Hãy tìm hiểu và thu thập số liệu thống kê hoặc bằng chứng đáng tin cậy khác để hỗ trợ lập luận của bạn. 

Còn kiểu ngụy biện khác là “công kích cá nhân”, công kích tính cách, đặc điểm của một người như một lý do để bác bỏ ý kiến ​​của anh ta là không hợp lệ. Hai từ “xin hỏi” thường hay được sử dụng trong cách ngụy biện này.

Khi bạn đã học cách nhận ra những kiểu ngụy biện, bạn có thể giữ cho cuộc tranh luận đi đúng hướng bằng cách tránh những chiến thuật như vậy và chỉ ra chúng khi bạn nhìn thấy. Hãy giải thích quan điểm của bạn một cách chắc chắn, kéo nó trở thành một cuộc tranh luận đúng nghĩa.

tranh luan 2
(Ảnh: Ann Rodchua/ Shutterstock)

4. Trung thực và công bằng

Một người lập luận có phẩm hạnh sẽ thúc đẩy sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, tạo tiền đề cho các lý lẽ hợp lý. Mặc dù một kẻ lý luận xảo quyệt có thể thành công, nhưng chiến thắng bằng sự lừa dối không phải là chiến thắng. Nó không chỉ làm suy giảm phẩm hạnh của bản thân mà còn có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho người khác.

Cần tôn trọng đạo đức khi tranh luận và chịu trách nhiệm về những gì chúng ta đang nói. Nếu trong quá trình đó, bạn nhận thấy rằng lý luận của mình bị sai thì hãy cứ vui mừng vì khám phá đã giúp bạn tiến gần hơn đến sự thật.