Trong giờ sinh học, thầy giáo đặt câu hỏi với cả lớp: “Các em có biết loài sâu qua sông bằng cách nào không?”

Một cậu học sinh lanh lợi ngay lập tức giơ tay và tự tin đưa ra câu trả lời.

“Thưa thầy, con sâu đi qua cầu để sang sông ạ”.

Thầy giáo nghe câu trả lời cùng giọng nói hồn nhiên của trò thì cười và nói: “Không có cầu bắc qua sông”.

“Con sâu nằm trên chiếc lá để qua sông ạ”, cậu học trò lại đáp.

Thầy giáo đáp: “Chiếc lá bị nước cuốn trôi đi rồi”.

“Thế thì con sâu bị một con chim nuốt vào trong bụng bay qua sông”.

“Như vậy thì con sâu đã chết rồi, và việc qua sông cũng không còn ý nghĩa gì nữa”.

Đến lúc này trong lớp không ai còn câu trả lời nào nữa. Những cô bé cậu bé ngồi im lặng chờ đợi câu trả lời từ thầy giáo.

“Các em biết không, con sâu nếu muốn qua sông thì chỉ có một cách, đó là biến thành bươm bướm. Nhưng từ sâu thành bướm là một quá trình vô cùng gian nan, là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của nó. Nó ở trong cái kén tù túng, chật chội, ban ngày cũng như ban đêm, không ăn không uống. Nỗi khổ này phải trải qua trong một thời gian rất dài”.

Vạn vật trên trời đất phàm là con người hay hoa lá, cỏ cây muốn sống trên đời thì ắt hẳn đều phải trải qua những ngày tháng vất vả vươn lên để sinh trưởng và phát triển. Chúng ta cũng như những chú sâu vậy, nếu muốn qua sông cần đủ thời gian hội tụ và đủ nghị lực vượt qua khó khăn mà không bao giờ bỏ cuộc thì một ngày mới hóa thành bướm…

Để sang được sông, khi nằm trong cái kén chú sâu đã không ngừng thử thách, biến đổi chính mình để sau đó tự mình thoát được cái kén, hóa thành bướm và khi đó không chỉ bay được qua sông mà nó còn được thỏa sức bay lượn khắp mọi nơi, tới bất cứ đâu mà nó muốn.

Theo Blog Nguyễn Ngọc Bích Trâm

Xem thêm: