Con cái là của để dành của cha mẹ, ai cũng mong con mình lớn lên sẽ trở thành người ưu tú. Tuy nhiên, sự khác biệt trong giáo dục của mỗi bậc cha mẹ góp phần mang đến sự khác biệt cho tương lai của trẻ.

nuôi dạy con
(Ảnh: anek.soowannaphoom/Shutterstock)

Cha mẹ cần có tầm nhìn xa, biết lúc nào là nên nghiêm khắc quản giáo con cái, để con biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm; sẵn sàng buông bỏ đúng lúc để con học cách bước đi và dũng cảm đối mặt với sóng gió. Đây mới chính là tình yêu thương tốt đẹp nhất mà cha mẹ dành cho con.

Khi giáo dục con cái, cha mẹ nên thực hiện 3 “có” và  5 “không” này để tương lai con có cơ hội phát triển tốt hơn, ưu tú hơn.

3 “có’”

1. Để con có thể tự làm một số việc trong khả năng

Cha mẹ muốn trau dồi năng lực tự chăm sóc bản thân cho con thì trước hết cần để con tự làm một số việc trong khả năng của mình. Cha mẹ hãy buông tay, để cho con tự làm, con tự khắc sẽ trưởng thành.

2. Để con có thể lựa chọn

Người lớn không ngừng lựa chọn phương hướng cùng con đường riêng cho mình thì trẻ cũng muốn như thế. Cha mẹ nên cho con quyền tự do lựa chọn và dạy cho con cách lựa chọn từ khi còn nhỏ.

Khi con học được cách lựa chọn mặc gì và làm gì thì khi lớn lên, lúc phải đối mặt với những lựa chọn như công việc và hôn nhân, con có thể lắng nghe trái tim mình và đưa ra những lựa chọn đúng đắn phù hợp nhất.

3. Để con có thể cất giữ những bí mật của riêng mình

Hãy để cho con được phép giữ những bí mật và sự riêng tư. Khi cha mẹ cần hiểu hơn về con, hãy thông qua sự thấu hiểu và cách giao tiếp, đi sâu vào trái tim con, tránh theo dõi và can thiệp vào sự riêng tư của con.

Đối với chúng ta, bí mật thường gắn liền với trách nhiệm, và phải chịu trách nhiệm một cách độc lập. Vì vậy, hãy cho phép trẻ có những bí mật nhỏ của riêng mình, không gian riêng tư của riêng mình.

xoa dịu trẻ
Nếu cha mẹ cần hiểu hơn về con, hãy thông qua sự thấu hiểu và cách giao tiếp, đi sâu vào trái tim con, tránh theo dõi và can thiệp vào sự riêng tư của con. (Ảnh: Fizkes/ Shutterstock)

5 ‘không’

1. Không để trẻ sống không có quy tắc

Học giả Mạnh Tử giảng: “Bất dĩ quy củ, bất năng thành phương viên“, ý nghĩa là nếu không được giáo dục về quy củ, lễ nghi thì chẳng nên người và không làm nên đại sự. Đây là một phương châm giáo dục được chú trọng từ xưa tới nay. Đừng nghĩ rằng đứa trẻ còn nhỏ là có thể nóng nảy, giận dữ. Bây giờ đã quen, lớn lên thì sẽ khó mà kiềm chế được.

Ban đầu có thể không dễ dàng để dạy trẻ hiểu các quy tắc xã hội và chỉ rõ cho con biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm, nhưng sẽ rất hiệu quả nếu chúng ta kiên trì làm điều đó.

2. Không để trẻ vô lễ với người lớn tuổi 

Trẻ con thường được coi là bảo bối trong nhà, có trẻ bị nuông chiều đến mức trở nên hư hỏng, từ nhỏ đã dám có thái độ vô lễ với người già, không có kính sợ, không biết tôn trọng. Đây là một điều vô cùng tệ hại, cha mẹ tuyệt đối không thể nuông chiều.

Kính già yêu trẻ là đức tính truyền thống tốt đẹp, là lễ phép căn bản nhất. Ở nhà, một đứa trẻ không tôn trọng người lớn tuổi thì khi ra ngoài xã hội cũng sẽ không biết cách cư xử lễ phép với người khác, như vậy trẻ sẽ bị người khác ghét bỏ và xa lánh.

3. Không để trẻ lười việc nhà 

Những thói quen tốt cần được trau dồi ngay từ khi còn nhỏ. Cha mẹ đừng nên nuông chiều con một cách mù quáng và không cho con động tay động chân vào bất kể việc gì. Điều này không chỉ khiến chỉ số hạnh phúc của trẻ bị hạ thấp mà còn làm xuất hiện những vấn đề sức khỏe không tốt như mập mạp thừa cân, ù lì, lười vận động, gây ảnh hưởng bất lợi cả đời cho trẻ.

Cha mẹ nên rèn luyện cho con thói quen làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ, để con biết tự chăm sóc bản thân, đồng thời cũng là rèn luyện đức tính chăm chỉ của con, điều này rất có lợi cho việc học tập, cuộc sống và công việc sau này.

dạy con làm việc nhà
Cha mẹ nên dạy con thói quen làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ, để con biết tự chăm sóc bản thân và rèn luyện đức tính chăm chỉ. (Ảnh: Oksana Kuzmina/Shutterstock)

4. Không để trẻ hình thành tính ích kỷ

Cha mẹ xem con cái là trung tâm trong mọi việc, thì dễ sinh ra tính ích kỷ cho con.

Tính ích kỷ này khiến cho đứa trẻ luôn muốn giành thứ tốt cho riêng bản thân. Thậm chí trẻ còn cho rằng mọi người đều phải giành tất cả thứ tốt cho mình. Lâu ngày con sẽ có thói quen chỉ biết đòi hỏi mà không biết hồi đáp, càng không biết nghĩ cho người khác và không có lòng biết ơn, cảm kích. Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên sẽ không được mọi người yêu mến, thậm chí bị người đời coi thường.

Nếu cha mẹ muốn dạy con cách trao yêu thương thì càng phải để con biết cảm ân,. Một đứa trẻ biết cảm ân sẽ trân trọng tất cả những gì mình có được, cảm thấy vui vẻ hạnh phúc với những gì trước mắt. Lớn lên trẻ sẽ trở thành người con hiếu thảo, người bạn ấm áp, người chồng có trách nhiệm hay người vợ biết yêu thương gia đình…

5. Không để trẻ khóc lóc, giở trò

Cha mẹ cần có nguyên tắc, không thể lúc nào cũng thỏa hiệp với con, kể cả khi con đang khóc lóc, giở trò. Bởi vì khi cha mẹ thỏa hiệp quá nhiều lần thì con sẽ hình thành một suy nghĩ rằng khi khóc thì có thể đạt được điều mình muốn, điều này đang khiến con sinh ra những quan niệm sai lầm.

Cha mẹ cần học cách kiên quyết từ chối những yêu cầu vô lý của con, để con hiểu được nguyên tắc và chừng mực, lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần thì lần sau con sẽ hiểu được rằng những đòi hỏi vô lý sẽ không được đáp ứng.