Đây là một câu chuyện có thật. Vào một ngày nọ khi đi trên đường, tôi nhìn thấy hai đứa trẻ học sinh tiểu học đáng yêu, cậu anh đột nhiên đánh em trai một cái.

Sau đó, người đi bên cạnh là mẹ của hai bé bắt đầu “xử lý” vụ đánh nhau.

Cách xử lý của người mẹ gây “ấn tượng” rất sâu sắc với tôi.

“Nào, mẹ là ‘quan tòa’ của hai đứa,” Người mẹ đưa hai tay ra kéo hai anh em và nói: “Mẹ là công bằng nhất”.

Đầu tiên người mẹ xoay sang cậu anh hỏi: “Trước hết, tại sao con lại đánh em?”

Cậu anh kể lể rất nhiều lý do…

Điều khiến tôi đặc biệt chú ý đó là người đánh người hẳn sẽ đẩy lý do về phía em trai, nhất định là em trai đã làm gì đó nên anh mới tức giận như vậy. Thế nhưng lý do mà cậu bé nói ra đều là bài tập của mình quá nhiều, áp lực quá lớn, hôm nay mệt quá, cảm thấy không vui…

“Tốt, mẹ đã nghe xong rồi!”. Người mẹ gật đầu ra vẻ hiểu.

Sau đó, người mẹ gọi cậu anh sang bên cạnh để phạt.

Đến lúc này thì mọi chuyện vẫn còn ổn.

Thế nhưng điều kỳ lạ đã xảy ra.

Tiếp đó, người mẹ xoay sang cậu em và bắt đầu “dạy dỗ”.

Người mẹ vừa chỉ vào cậu em vừa nói:

– “Con ấy à, con, anh đã không vui rồi, con còn đứng bên cạnh làm cái gì?”

– “Anh cần giải tỏa, sao con không nhường anh một chút?”

– “Con bị đánh là đáng lắm! Đều là do con không biết ‘tránh bão’!”

Tôi đứng bên cạnh nghe thì thấy làm lạ lắm.

Lúc này, người mẹ lại hét lên với cậu em: “Đến đây, con cũng vậy, qua đây chịu phạt!”

Vốn dĩ tôi đang cúi đầu nghe lén, nghe đến câu này, tôi không thể không bàng hoàng ngẩng đầu lên.

Thật sự quá kinh ngạc.

Tôi không nghe lầm chứ hả?

Cậu em không đánh ai, tại sao cũng phải chịu phạt?

“Thưa mẹ, tại sao con phải chịu phạt ạ?”, cậu em cũng hỏi câu hỏi hệt như tôi đang nghĩ: “Con là người bị đánh mà?”

Không ngờ người mẹ lại tỏ ra lý lẽ lắm.

“Hai đứa đều có lỗi trong sự bất hòa này!”. Người mẹ tức giận nói: “Nếu con không đứng đó khiêu khích thì sao anh lại đánh con chứ?”

Cậu em òa khóc.

“Con không có khiêu khích, là anh vô duyên vô cớ đánh con”. Cậu em nói: “Là anh đánh con, anh đánh con mà! Tại sao con lại bị phạt chứ?”

Thế nhưng người mẹ mặc kệ.

“Phiên tòa” này đã phán xong rồi.

Nghe thấy tiếng khóc của cậu em, trong lòng tôi cảm thấy rất xót xa.

Cậu anh kể lể lý do mình nổi giận một cách rành mạch như thế là biết đây chắc chắn rằng không phải là “lần đầu tiên” của cậu bé, hay nói cách khác, mỗi lần cậu anh nổi nóng, chỉ cần nói ra lý do thì việc bạo lực sẽ được “hợp lý hóa”, sau đó, cậu chỉ cần chịu phạt khá nhẹ là xong.

Rồi thì người nổi nóng không sao, còn người bị hại (là cậu em) thì lại cũng bị cho rằng có trách nhiệm phải “trốn” cơn nổi nóng, không trốn được thì bị đánh – ít nhất là có vẻ như người mẹ này dùng logic như vậy để dạy con.

Con trẻ lớn lên, bước vào xã hội, một ngày nào đó bỗng nhiên đánh người rồi có thể cũng lý sự ở sở cảnh sát rằng:

– “Tâm trạng tôi không vui”.

– “Mấy người kia thấy ghét”.

– “Áp lực công việc lớn quá, tô chỉ đơn giản là muốn giải tỏa”.

– “Bọn họ khiêu khích tôi trước”.

Có vẻ như nói ra những lời này thì có thể giảm được một chút tội, tuy bản thân vẫn có tội, nhưng ít nhất thì những “nạn nhân” có vẻ như cũng có một chút không đúng.

Trong xã hội ngày nay, thử hỏi có chuyện gì mà kẻ gây sự chẳng đổ tội lỗi lên đối phương? Một tên giết người hàng loạt nào đó cũng có thể dùng hành vi lệch lạc của mình để gán tội cho người bị hại?

Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ đã làm “quan tòa” trong việc trẻ bạo lực như thế này.

“Quan tòa” này phán ra sao sẽ ảnh hưởng đến việc đứa trẻ liệu có lặp lại việc tương tự trong tương lai hay không. Cha mẹ cần phải biết rằng, trong gia đình, người bị hại là cậu em vẫn còn chịu chia một phần tội, ra ngoài xã hội thì sẽ không có người bị hại nào chịu chia sẻ bất cứ tội nào cho con trẻ đâu.

Bạo lực không đáng sợ lắm, mà sau đó tìm lý do oán trách, đổ tội cho người khác mới là mầm mống tai họa trong tương lai.

Mỗi cha mẹ đều có trách nhiệm, tuyệt đối đừng làm “quan tòa đáng sợ” đưa ra những “phán quyết đáng sợ” giữa các con khi gặp mâu thuẫn, bạo lực; hãy lý trí và tỉnh táo – có như vậy con trẻ mới có thể phát triển một cách lành mạnh và toàn diện về nhân cách.

Thanh Trúc (sưu tầm và biên dịch)

Xem thêm: