Một bộ phim tài liệu ra mắt vào năm 2018 – “The Devil We Know”, đã tiết lộ bí mật kinh ngạc được giấu kín đằng sau chiếc chảo chống dính hơn nửa thế kỷ qua. Liệu giờ đây chảo chống dính có nguy cơ gây ung thư? Có các lựa chọn thay thế nào cho chảo chống dính?

đồ dùng trong nhà, chảo chống dinh
Bản thân lớp chống dính Teflon không độc, nhưng trong quá trình sản xuất, một số công ty vô lương tâm có thể sẽ sử dụng trái phép chất PFOA khiến chảo chống dính có nguy cơ gây ung thư. (Ảnh: Shutterstock)

Năm 1980, một cậu bé tên là Bucky Bailey được sinh ra tại một bệnh viện ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cậu bé Bucky khiến tất cả mọi người có mặt lúc đó đều khiếp sợ khi chỉ có một lỗ mũi, mí mắt lởm chởm ở một mắt và đồng tử hình lỗ khóa ở mắt còn lại, cậu bé cũng không thể thở bình thường.

Mẹ của Bucky vô cùng sợ hãi, nhưng thay vì từ bỏ con trai mình, bà đã cố gắng hết sức để cứu cậu bé. Kết quả là Bucky tiếp tục phải phẫu thuật, chịu đựng nỗi đau quá lớn và những ánh mắt kỳ lạ từ những người khác.

Tại một trang trại gần nhà Bucky, những chuyện kỳ ​​lạ lần lượt xảy ra, người nông dân Tennant phát hiện thấy cá dưới sông và nai bên sông chết hàng loạt bất thường. Những con bò trong trang trại cũng trông thật kỳ dị: Những chiếc móng bị dị tật, một số con bò có mắt bị đỏ, một số con cong lưng, túi mật phì đại, … Không những thế, về sau số bò này lần lượt bị chết, tổng cộng hơn 150 con.

Cũng có một ông lão tên là Ken Walmsley bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và phải cắt bỏ toàn bộ trực tràng và một phần ruột kết. Các đồng nghiệp của ông, một số được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu và một số bị ung thư, họ đều đã qua đời ở độ tuổi 40 và 50. 

Đến năm 1998, luật sư Robert Bilott đã đến để điều tra cái chết bất thường của đàn bò trong trang trại của ông nông dân Tennant.

Kết quả phát hiện ra rằng Tập đoàn hóa chất DuPont đã thêm PFOS và PFOA vào lớp phủ Teflon khi sản xuất chảo chống dính. PFOA là chất gây ung thư và có liên quan mật thiết đến ung thư tuyến tụy, ung thư tinh hoàn, ung thư gan và các bệnh ung thư khác.

Dù biết rằng PFOA là chất gây ung thư nhưng vì lợi ích, Tập đoàn DuPont đã bất chấp những việc trái đạo lý và luôn khẳng định PFOA là vô hại, thậm chí còn dùng nhiều cách khác nhau để che giấu sự thật. Họ đã đổ hàng ngàn tấn nước thải độc hại xuống một bãi rác cạnh trang trại của ông Tennant, cùng với nước thải, khí thải đổ xuống ở Parkersburg, Chesapeake, Ohio.

Mà không chỉ nước hay không khí, hóa chất độc hại này đã đi vào từng gia đình thông qua các đồ gia dụng, như chiếc chảo chống dính. Khi sự thật được phơi bày, Tập đoàn DuPont đã bị lên án mạnh mẽ, nhiều nước trên thế giới cũng bắt đầu cấm PFOA.

Kể từ sau sự kiện này, khi nhắc đến chảo chống dính, người ta luôn tự động gắn nó với căn bệnh ung thư.

Hiện nay chảo chống dính vẫn có nguy cơ ung thư?

Trước đây, chảo chống dính có nguy cơ gây ung thư do Tập đoàn DuPont thêm PFOA vi phạm quy định vì lợi nhuận. Còn nay, dụng cụ nấu nướng chống dính hiện đại thường được coi là an toàn. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ tuyên bố rằng không có nguy cơ đã được chứng minh đối với con người từ dụng cụ nấu ăn chống dính mới không chứa PFOA. Vì vậy, về việc liệu nó có gây ung thư hay không thì chủ yếu phụ thuộc vào việc nó có đạt tiêu chuẩn hay không.

Lớp chống dính Teflon là một loại Polyme, được tạo thành từ Tetrafluoroethylen, có thể chống nóng, lạnh, axit và kiềm, đồng thời có thể chống lại sự ăn mòn của hầu hết mọi chất Plastic King. Bản thân Teflon không độc.

Lớp phủ chống dính của chảo có phân hủy chất độc hại khi đun nóng không?

Để kiểm chứng vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã làm thí nghiệm cho thấy Teflon bắt đầu phân hủy khi nhiệt độ trên 300℃. Nhiệt độ khác nhau, các sản phẩm phân hủy khác nhau, độc tính cũng khác nhau.

Với nhiệt độ tăng dần, độc tính đạt cực đại khi Teflon bị phân hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, thông thường chúng ta nấu ăn, khi nhiệt độ dầu thích hợp để nấu, nhiệt độ trong nồi chỉ khoảng 120°C.

Đến khoảng 200°C, dầu ăn trong nồi bắt đầu bốc khói, tức là đã đạt đến “điểm bốc khói” của dầu ăn. Khi gần đến 300℃, mùi khói đã rất hắc, hơn nữa, nhiệt độ quá cao cũng sẽ khiến dầu tiết ra các chất độc hại.

Do đó, việc sử dụng chảo chống dính thông thường trong sinh hoạt hàng ngày sẽ không làm cho Teflon bị phân hủy nên khi sử dụng chảo chống dính bạn không phải lo lắng quá nhiều về việc thải ra các chất độc hại nhé.

Chúng ta nên bảo dưỡng chảo chống dính như thế nào?

1. Nên sử dụng đồ dùng bằng gỗ, silicone hoặc nhựa để bảo vệ an toàn cho lớp chống dính. Các đồ dùng bằng kim loại, các vật sắc nhọn như muôi hoặc xẻng nấu ăn có thể khiến bề mặt chống dính bị xước.

2. Đừng làm nóng chảo trống không. Những chiếc chảo không có gì bên trong có thể lên tới nhiệt độ cao trong vòng vài phút, có khả năng gây ra hiện tượng giải phóng khói polyme. Hãy đảm bảo rằng bạn có một số thức ăn hoặc chất lỏng trong chảo trước khi làm nóng.

3. Nấu ở nhiệt độ trung bình hoặc thấp và tránh nướng, vì kỹ thuật nấu này yêu cầu nhiệt độ cao hơn nhiệt độ được khuyến nghị đối với dụng cụ nấu ăn chống dính.

4. Sau khi sử dụng lòng nồi chống dính, nhiệt độ trong lòng nồi vẫn còn tương đối cao, không nên tráng lại bằng nước lạnh ngay, nếu không sẽ gây giãn nở và co nhiệt, làm hỏng thành trong, bong tróc lớp phủ chống dính.

5. Nhẹ nhàng rửa chảo bằng một miếng bọt biển và dầu rửa bát cùng nước ấm. Tránh sử dụng miếng thép cọ rửa vì chúng có thể làm xước bề mặt.

Các lựa chọn thay thế cho chảo chống dính

Bản thân Teflon không độc, nhưng trong quá trình sản xuất, một số công ty vô lương tâm có thể sẽ sử dụng trái phép chất PFOA khiến chảo chống dính có nguy cơ gây ung thư.

Theo Healthline, bạn có thể thử một số lựa chọn thay thế không có Teflon dưới đây:

1. Thép không gỉ: Thép không gỉ là vật liệu tuyệt vời để áp chảo và làm chín thực phẩm. Nó bền và chống trầy xước. Nó cũng an toàn với máy rửa chén, giúp bạn dễ dàng làm sạch.

2. Dụng cụ nấu ăn bằng gang: Khi được “tôi chảo” (bằng dầu ăn) thích hợp, gang sẽ không dính một cách tự nhiên. Nó cũng giữ được lâu và có thể chịu được nhiệt độ cao hơn nhiệt độ được coi là an toàn cho các loại xoong, chảo chống dính.

3. Đồ đá: Đồ đá đã được sử dụng hàng ngàn năm. Chất liệu này giúp nóng đều, dụng cụ dày dặn thì không gây dính. Nó cũng chống xước và có thể được nung ở nhiệt độ rất cao.

4. Dụng cụ nấu nướng bằng gốm: Dụng cụ nấu nướng bằng gốm sứ là một sản phẩm tương đối mới. Nó có đặc tính chống dính tuyệt vời, nhưng lớp phủ có thể dễ bị trầy xước.

5. Dụng cụ nấu ăn bằng Silicon: Silicon là một loại cao su tổng hợp được sử dụng chủ yếu trong đồ nướng và đồ dùng nhà bếp. Nó không chịu được nhiệt trực tiếp, vì vậy nó thích hợp nhất để dùng trong lò nướng.

Mộc Lan (t/h)