Chỉ bằng một cú hích, ước mơ cả đời tôi đã được thực hiện. Ở độ tuổi 68, tôi tốt nghiệp đại học – với tấm bằng danh dự.

thực hiện ước mơ, ước mơ
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Đó là một thành tựu vẻ vang, nhưng không kém phần ngọt ngào cay đắng. Tôi đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, luôn đầy ắp những chuyến du lịch cùng con cái và bạn bè. Rồi chồng tôi qua đời. Trước đây tôi chưa bao giờ tự mình làm được điều gì. Chưa bao giờ.

Tôi nhận thấy, hoặc mình có thể ngồi nhà và khóc than với nỗi đau mất mát, hoặc mình có thể thực hiện điều gì đó mà mình ao ước cả đời. Tôi có thể đăng ký vào trường đại học.

Chưa bao giờ tôi có một quyết định dễ sợ như vậy.

Nhưng quyết định là một chuyện, còn thực hiện nó là một chuyện khác. Ngày đầu tiên đến trường tôi rất lo lắng. Không chỉ thế, tôi còn sợ hãi nữa. Tôi có thể tìm được hành lang tới lớp không? Tôi có gây khó chịu cho mọi người không? Các giáo sư nghĩ tôi chỉ vào học chơi chơi phải không? Tôi có khả năng học nổi hay không? Nếu mọi người đều thông minh hơn tôi thì sao?

Đến cuối ngày học đầu tiên, tôi mệt bã người.

Nhưng tôi cũng cảm thấy phấn chấn. Tôi biết mình có thể học nổi. Niềm vui được học hỏi những điều mới lạ giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Niềm đam mê nghệ thuật dẫn dắt tôi đến với môn học lịch sử hội họa. Thật sung sướng khi ngày nào cũng được nghe các nhà chuyên môn giảng dạy.

Một trong những niềm vui bất ngờ là tôi được học chung với các sinh viên khác. Sự khác biệt tuổi tác không thành vấn đề, mặc dù lúc đầu tôi có hơi sốc khi bọn trẻ cứ gọi tôi bằng tên. Chúng rất vui nhộn. Chúng tôi cùng thảo luận, cùng học tập, và cùng đi dạo với nhau. Thậm chí có một cậu còn dạy tôi cách dùng máy vi tính. Điều tuyệt vời nhất là không ai nói năng về cholesterol.

thực hiện ước mơ, ước mơ
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Tôi cũng được nhiều sự quan tâm từ các thầy cô (đa số đều đáng tuổi con tôi). Tôi cho rằng họ ít thấy một sinh viên nào lại háo hức với bài giảng của họ như vậy. Thời gian tiếp tục trôi qua, nhiều thầy cô xem tôi như một nguồn cung cấp thông tin. Ví dụ như trong giờ lịch sử, không ai biết cuộc sống gian khó như thế nào trong suốt thời kỳ Khủng hoảng Kinh Tế. Tôi biết. Và tôi được yêu cầu kể lại.

Những người quen lại nghĩ rằng tôi điên. Đôi khi tôi cũng nghĩ mình như vậy. Kiểm tra, thi cử, nghiên cứu, hết lớp này lại vội vã đi sang lớp khác cho kịp giờ, thể xác kiệt quệ. Tuy nhiên, những điều đó không thể ngăn cản tôi hoàn tất mọi yêu cầu của chương trình học, kể cả môn giáo dục thể chất. Tôi quyết tâm làm bất cứ việc gì để đạt mảnh bằng tốt nghiệp.

Các con gái của tôi hỗ trợ việc học tập của tôi rất nhiều. Chúng giúp đỡ tôi làm bài tập, chúng an ủi khi tôi than phiền về vị giáo sư khó tính, và chúng khuyên tôi đừng quá lo lắng về điểm số.

Ngoài việc học tập trong lớp, tôi còn tham gia các chuyến đi tham quan của nhà trường vào mùa hè. Một chuyến đưa chúng tôi đến các nước ở vùng Đông Âu (trước khi chủ nghĩa Cộng sản tan rã), một chuyến khác đưa chúng tôi đi tham khảo về hội họa ở Ý. Tôi thường đi du lịch với chồng rất nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi đi một mình. Chuyến đi một mình đầu tiên làm tôi sợ. Tuy vậy, tôi đã gặp những con người tuyệt vời, dang rộng đôi cánh vững vàng ra để che chở tôi. Từ đó, tôi vượt thêm một bậc nữa trong cuộc sống tự lập.

Tôi không hề biết rằng trường đại học sẽ cung cấp cho tôi những kiến thức không đến từ sách vở.

Hồi tưởng lại, tôi nhận thấy việc đi học giữ cho tôi tuổi trẻ. Tôi không bao giờ buồn chán. Tôi được tiếp cận với tư tưởng và quan điểm mới mẻ. Nhưng quan trọng nhất, tôi có được sự tự tin, tôi biết tự mình có thể hoàn thành được mọi việc.

Vào ngày trước khi chồng tôi qua đời, ông ấy hỏi tôi có muốn quay lại trường đại học hay không. Ông ấy bảo tôi cứ tiếp tục cuộc sống và hoàn thành ước mơ. Bốn năm sau, trong ngày lễ tốt nghiệp, tôi bước lên bục sân khấu và nhận bằng tốt nghiệp. Tôi có thể cảm thấy ông ấy đang đứng dậy vỗ tay chúc mừng tôi.

Trích Hạt Giống Tâm Hồn

Xem thêm: