Thường chỉ vào mùa hè, chị em sẽ chú ý bôi kem chống nắng để bảo vệ làn da. Tuy nhiên, có một sự thật là các tia tử ngoại gây cháy nắng, ung thư da, lão hóa luôn hoạt động mạnh quanh năm.

Vào mùa thu có cần sử dụng kem chống nắng?
Tiết trời mát mẻ liệu có cần dùng kem chống nắng? (Ảnh: Lyubov Levitskaya/ Shutterstock)

Bước vào tiết trời mát mẻ như thu đông, mặc dù ánh nắng mặt trời sẽ yếu hơn các mùa khác nhưng tia cực tím UVA và UVB vẫn hoạt động. Gần 90% các tia này có thể xuyên qua được các đám mây, kính, phản chiếu trên nước…. Vì thế, nếu thời thiết dịu mát khiến bạn lơ là việc bảo vệ làn da, thì nguy cơ làn da đen sạm, bị tổn thương và các bệnh lý về da rất dễ xuất hiện.

SPF và PA

Thông thường trên các sản phẩm kem chống nắng sẽ được ký hiệu bằng chữ SPF và PA, vậy ý nghĩa của chúng là gì?

Giá trị SPF: SPF còn được gọi là chỉ số chống nắng, nó là tên viết tắt tiếng Anh của từ “Sun Protection Factor”. SPF đề cập đến khoảng thời gian bảo vệ da trước tác động của tia cực tím. Nói chung, các sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao thì khả năng bảo vệ da càng lâu.

Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ sinh ra khoảng thời gian phản ứng. Ví dụ, thời gian phản ứng trên da của người da vàng là 15-20 phút, tức là da có thể chịu được tia UV ít nhất là 15 phút mà không bị bắt nắng. Khi chọn giá trị SPF của sản phẩm kem chống nắng, bạn cần nhân nó trên cơ sở 15 phút.

Ví dụ sản phẩm kem chống nắng có chỉ số là SPF30 thì thời gian bảo vệ da của sản phẩm vào khoảng (30 * 15phút = 450phút).

Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ da thực tế còn tùy thuộc vào cường độ hoạt động đổ mồ hôi và cường độ của ánh nắng mặt trời. Do vậy nên thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 tiếng hoặc sau tiếp xúc với nước hoặc ra mồ hôi nhiều.

Giá trị PA: Giá trị PA thể hiện mức độ làm chậm quá trình sạm da. Nếu không muốn bị cháy nắng hoặc rám nắng, bạn có thể chọn sản phẩm kem chống nắng có chứa cả hai yếu tố SPF và PA.

Các sản phẩm kem chống nắng thường tồn tại ở 3 cấp độ: PA + (hiệu quả bảo vệ thấp), PA ++ (hiệu quả bảo vệ trung bình) và PA +++ (hiệu quả bảo vệ cao). Mỗi dấu “+” thường có nghĩa là các sản phẩm kem chống nắng có thể trì hoãn thời gian sạm da từ 2 đến 4 lần.

Vào mùa thu có cần sử dụng kem chống nắng?
Nếu không muốn bị cháy nắng hoặc rám nắng, bạn có thể chọn sản phẩm kem chống nắng có chứa cả 2 yếu tố SPF và PA. (Ảnh: Shutterstock)

Chú ý 3 điểm này để lựa chọn kem chống nắng 

Các sản phẩm kem chống nắng thường có kết cấu dạng kem và dạng xịt, cảm nhận của 2 loại sau khi sử dụng khá khác nhau. Dạng xịt có thể thấm nhanh hơn sau khi sử dụng và không bết, trong khi sản phẩm chống nắng dạng kem lại có cảm giác dễ chịu hơn. Vậy chúng ta nên chọn như thế nào?

1. Nhìn vào phân loại

Kem chống nắng có thể được chia thành 3 loại: kem chống nắng vật lý, kem chống nắng hóa học và kem chống nắng kết hợp hóa lý.

Một số bạn không biết sự khác biệt giữa kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học, nhưng thực ra nó rất đơn giản:

Kem chống nắng vật lý: Là một lớp các hạt vô cơ trên bề mặt da, nó hoạt động thông qua các phương thức vật lý, giống như một tấm gương, chắn các tia cực tím bằng cách phản xạ để đạt được hiệu quả chống nắng. Kem chống nắng vật lý thường chứa oxit kẽm và titanium dioxide. Chỉ cần chứa 2 thành phần này thì nó là kem chống nắng vật lý. Nhưng kem chống nắng vật lý có một khuyết điểm, đó là khi bôi lên dễ khiến cho da trông có vẻ trắng bệch không tự nhiên.

– Kem chống nắng hóa học: Giúp hấp thụ tia UV, chuyển hóa chúng thành nhiệt, sau đó giải phóng ra ngoài để đạt được hiệu quả chống nắng, để tránh làm tổn thương da. Kết cấu kem chống nắng hóa học thường là mỏng nhẹ, không nhờn dính, thoáng khí, sảng khoái nhưng đối với da thì có thể gây ra một vài cảm giác khó chịu.

– Kem chống nắng kết hợp vật lý và hóa học: Sự kết hợp này giúp cho khả năng bảo vệ da được toàn diện hơn.

2. Nhìn vào chỉ số

Trên nhãn sản phẩm kem chống nắng sẽ hiển thị giá trị của chỉ số chống nắng SPF và mức bảo vệ PA. Nói chung, giá trị SPF và mức bảo vệ PA càng cao thì hiệu quả chống nắng càng tốt. 

Tuy nhiên, kem chống nắng có SPF cao chưa chắc phù hợp với làn da của bạn. Kem có chỉ số SPF quá cao có thể gây nên tình trạng kích ứng hoặc nổi mẩn đỏ. Hơn nữa, thời gian lưu trên da lâu hơn dễ khiến bít tắc lỗ chân lông, gây mụn và lão hóa sớm.

Ví dụ, sản phẩm kem chống nắng SPF15, PA +, thì sẽ phù hợp với người hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian đi làm. Sản phẩm có chỉ số chống nắng SPF20, PA ++, thì sẽ phù hợp với người có nhu cầu vận động ngoài trời.

Kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 đến 50 là vừa đủ. Đối với da nhạy cảm, bạn nên ưu tiên chọn kem chống nắng vật lý SPF 15 – 30 tránh gây kích ứng. 

Vào mùa thu có cần sử dụng kem chống nắng?
Khi đi nghỉ mát, vui chơi bên bờ biển, hoạt động ngoài trời, bạn cần lựa chọn sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF30 trở lên và PA +++. (Ảnh: Shutterstock)

3. Nhìn vào da

Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy lựa chọn sản phẩm kem chống nắng dựa vào đặc điểm làn da của bạn. Nếu là da khô thì có thể chọn chống nắng dạng kem, có độ ẩm cao, dưỡng da cơ bản trước khi dùng kem chống nắng. Còn da dầu thì bạn có thể chọn chống nắng dạng nước. Nói chung, mỹ phẩm chống nắng dạng nước và dạng xịt phù hợp để sử dụng cho nhiều loại da khác nhau.

Cách sử dụng kem chống nắng

1. Nên thoa kem chống nắng khoảng 30 phút trước khi ra ngoài. Lượng kem sử dụng mỗi lần khoảng bằng đồng xu, sẽ có thể phát huy tác dụng chống nắng tốt nhất. Lưu ý là không nên bôi quá nhiều vì dễ làm cho da trông trắng giả.

2. Đối với dạng kem: Khi thoa kem lên da thì nên vỗ nhẹ, không xoa qua lại, nếu không chất chống nắng dạng kem trong sản phẩm sẽ dễ bị ép vào lỗ chân lông, gây bít lỗ chân lông và khó rửa sạch.

3. Đối với dạng xịt: Lắc chai xịt chống nắng nhiều lần trước khi sử dụng, và xịt trong 3-5 giây ở khoảng cách cách da khoảng 10cm, tránh vùng mắt, mũi, miệng và các bộ phận khác để không hít phải chúng.

4. Bởi vì khả năng bảo vệ của các sản phẩm kem chống nắng có thời hạn nhất định, vì vậy nếu ở ngoài trời trong thời gian dài thì cần phải thoa lại các sản phẩm chống nắng kịp thời.

5. Khi thoa kem chống nắng, không chỉ chú ý vùng da mặt mà cả những phần lộ ra ngoài như vai, cánh tay..v.v. để đạt được hiệu quả chống nắng thực sự.

6. Kết hợp nhiều phương pháp chống nắng cùng lúc. Hãy đảm bảo mỗi khi ra đường, bạn đã trang bị đầy đủ phụ kiện chống nắng như mũ, áo chống nắng, găng tay… Ngoài việc tránh nắng, chúng cũng giúp bảo vệ cơ thể bạn tránh khỏi những tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài như bụi bẩn, khói, ô nhiễm…

Thanh Mộc (t/h)