Chính sách một con nghiêm ngặt được ĐCSTQ áp dụng vào năm 1979 đã đẩy hàng loạt cặp vợ chồng phải đưa ra quyết định cay đắng – từ bỏ những đứa con gái của mình.

chính sách một con
(Ảnh minh họa: TheVisualsYouNeed/Shutterstock)

Giống như nhiều phụ nữ ở Trung Quốc vào thời điểm đó, Song Chunxia đã phá thai vào những năm 1990 khi siêu âm cho thấy cô đang mang thai một bé gái.

Cô Song, hiện 46 tuổi và đang làm công việc quét dọn ở Quảng Châu, suy nghĩ về đứa con gái đã mất cách đây gần 30 năm sau khi chính phủ cho biết các cặp vợ chồng giờ có thể sinh 3 con.

“Nếu các biện pháp kiểm soát (sinh đẻ) được nới lỏng sớm hơn, tôi có thể đã không phải từ bỏ con gái của mình”, cô nói.

Chính sách một con chỉ kết thúc cách đây 5 năm, khi các cặp vợ chồng được phép sinh hai con. Giới hạn ba con dự kiến ​​sẽ được ban hành vào cuối tháng này ở Trung Quốc, theo SCMP.

Câu chuyện của cô Song không hề hiếm nếu không muốn nói là rất phổ biến trong xã hội Trung Quốc. Theo Jiang Quanbao, giáo sư viện nghiên cứu dân số và phát triển thuộc Đại học Tây An, khoảng 20 triệu bé gái đã “mất tích” trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến năm 2010 mà nguyên nhân chủ chốt là do nạo phá thai hoặc nhiễm trùng, xuất phát từ chính sách một con của chính phủ.

Theo số liệu điều tra dân số mới nhất được công bố vào tháng 5/2021, chính sách một con khắc nghiệt đã dẫn đến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng tại Trung Quốc – nước này hiện nam giới nhiều hơn nữ giới 34,9 triệu người – tức khoảng 105,1 nam/100 nữ.

Tỷ trọng dân số khi sinh là 111,3 nam/100 nữ, giảm 6,8 điểm so với năm 2010. Đây là chỉ số nhân khẩu học được sử dụng phổ biến nhất về thành phần giới và thường nằm trong khoảng từ 103 đến 107 theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc.

Ông Jiang nói: “Hậu quả trực tiếp của tỷ số giới tính khi sinh cao là sự mất tích của hàng triệu bé gái theo sau đó là tình trạng thiếu cô dâu nghiêm trọng.”

Cô Song cuối cùng đã có một cô con gái, đứa con thứ ba sau hai đứa con trai – và trước đó cô phải nộp phạt rất nặng vì có hai con. Cô cho biết không quá hối tiếc về việc phá thai lần đầu. “Thế hệ của chúng tôi không có sự lựa chọn, chúng tôi chẳng thể làm gì”, cô nói.

tỷ lệ sinh tại Mỹ
Rất nhiều bà mẹ đã buộc phải từ bỏ đứa con gái mới sinh của mình bởi chính sách 1 con khắc nghiệt của ĐCSTQ. (Ảnh minh họa: karnavalfoto/Shutterstock)

Han Juxian, một bác sĩ sản khoa đã nghỉ hưu ở Hà Nam, cho biết bà đã thực hiện hàng trăm ca phá thai trong những năm 1990.

“Tôi không thể nhớ con số chính xác nhưng hầu hết mọi người không muốn có con đầu lòng là một bé gái, việc có con thứ hai khi ấy bị phạt rất nặng. Vào thời điểm đó, phá thai rất đơn giản – chỉ cần một mũi tiêm. Bây giờ thì ngược lại – mọi người bắt đầu muốn có con gái và họ nghĩ rằng có quá nhiều áp lực trong việc nuôi dạy con trai”, bà Han Juxian nói.

Mất cân bằng giới tính đã trở thành một vấn đề lớn. Cô Song và chồng cô đã chuyển đến Quảng Châu gần hai thập niên trước với tư cách là công nhân nhập cư. Cô cho biết rất mong có cháu nhưng cả hai người con trai của bà vẫn chưa tìm được bạn đời.

“Tôi không muốn ở lại Quảng Châu làm việc nữa. Tôi muốn về quê sống bên người thân, trông mấy đứa cháu, nhưng không biết bao giờ con trai tôi mới tìm được vợ”, cô Song thở dài.

Dù Bắc Kinh đang tích cực đưa ra các chính sách “sửa chữa” nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính được cho là sẽ tiếp tục tồi tệ hơn trong 10 năm tới, khi các bé trai sinh khoảng năm 2000 – thời điểm mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức nghiêm trọng nhất – đến độ tuổi bắt đầu muốn kết hôn. Tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc thời điểm đó đạt mức 121,1 nam/100 nữ so với mức 108,5 nam/100 nữ hồi những năm 1980.

chinh sach mot con 1
(Ảnh: Fotokon/Shutterstock)

Hoài Anh

Xem thêm: