Mâu thuẫn tại sở làm đâu đâu cũng có. Đôi khi chỉ vì năng lực hiểu biết xã hội chưa tới, kinh nghiệm công sở còn ít, nên rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, không chịu nổi áp lực cạnh tranh khắc nghiệt tại chỗ làm.

Thời đầu, An và Trân là những đồng nghiệp thân thiết. Hai người có nhiều sở thích giống nhau, thậm chí còn cố ý sắp lịch làm việc tương tự nhau để cùng đi ăn tối sau khi hết giờ hoặc đi nghỉ mát cùng nhau.

Một ngày, quản lý nói với cả hai rằng công ty sẽ chọn ứng cử viên phù hợp để thăng chức trong bộ phận mà họ đang làm việc, nhưng chiếc ghế này chỉ có một. Vì vậy, giữa họ bây giờ là mối quan hệ cạnh tranh và tình hình ngày càng xấu đi. Họ ứng xử với đối phương theo kiểu khẩu Phật tâm xà, khiến công sở trở thành nơi ‘nhân tâm khó đoán’.

Cạnh tranh khốc liệt nơi công sở
Cạnh tranh khốc liệt nơi công sở (Ảnh: Shutterstock)

Kỳ thực, có lẽ ai trong chúng ta, ít hay nhiều, cũng từng có lần nghe người khác than thở về các mâu thuẫn tại chỗ làm. Mẩu chuyện có thể được kể trong thang máy, phòng vệ sinh, quán cafe, quán cơm trưa, hay những buổi nhậu nhẹt sau khi hết giờ… Phần lớn, người kể sẽ phê phán, chỉ trích người vắng mặt, bất luận sự thật là thế nào, đều thao thao bất tuyệt nói không mệt mỏi, còn nói như xét về công về tư thì việc này đều có quan hệ đến bạn (là người đang nghe).

Bạn cũng không dễ dàng gì, cũng có nỗi lòng của mình. Tại sở làm, bạn cố gắng hết sức làm tốt công việc, một số đồng nghiệp thì chẳng làm gì mấy, lười nhác, buôn chuyện. Khó khăn mình bạn gánh, nhưng thưởng thì lại phải chia đều cho cả phòng. Vậy mà nào có yên, một số đồng nghiệp còn gây khó dễ, gây áp lực, vu cáo bạn, cản trở việc cung cấp tài nguyên, thuận tiện cho bạn để thực hiện công việc.

Dần dần, bạn phát hiện ra một sự thật là, làm người còn khó hơn làm việc, nhưng làm người lại là điều quan trọng hơn.

Bị tổn thương nơi công sở
Bị tổn thương nơi công sở (Ảnh: Shutterstock)

Bảo vệ lợi ích của mình vừa vặn làm tổn hại lợi ích người khác

Mặc dù sống chung trên một quả địa cầu, làm chung một công ty, nhưng mỗi người lại có những thế giới riêng của mình. Trong thế giới đó có một kịch bản, mà bản thân mỗi người luôn đóng vai chính, giống như các bộ phim “cung đấu” thời nay vậy. Nhân vật chính thì lúc nào cũng bị ghen ghét, đố kỵ, bị bao vây bởi những cuộc đấu đá kéo dài bất tận. Và tại công sở, lẽ dĩ nhiên nhân vật phản diện luôn luôn là đồng nghiệp hoặc cấp trên.

Thực tế là ngoại trừ những hành vi phạm tội ra, không có ai “cố ý” làm thương tổn ai cả. Mọi người cũng chỉ là muốn bảo vệ lợi ích và vị trí của cá nhân mình mà thôi, nhưng điều đó lại vừa vặn làm tổn hại đến lợi ích của người khác. Ai cũng yêu bản thân mình nhất mà. Một số người chọn cách chỉ trích người khác để chứng minh mình vượt trội hơn họ, để che đậy khuyết điểm của mình. Giống như tại cuộc họp, trưởng phòng này sẽ chỉ trích phòng ban kia. Khi quản lý kiểm tra bên kia, thì bên đây chẳng phải sẽ được an toàn hay sao? Cũng có những thầy cô giáo này chê bai cách dạy của những thầy cô giáo khác. Điểm lại thử xem, chúng ta có từng chê bai người khác không?

shutterstock 1057029317 image
Tại công sở, một số người chọn cách chỉ trích người khác để chứng minh mình vượt trội hơn họ, để che đậy khuyết điểm của mình. (Ảnh: Shutterstock)

Nhưng liệu hành vi đạp lên người khác để mình cao hơn này có thực sự cải biến làm mọi thứ tốt đẹp hơn không? Sự tình sẽ không vì chúng ta oán thán mà trở nên tốt hơn, cũng không diễn biến thuận lợi theo cách thâm tâm chúng ta mong đợi.

Người chỉ trích người khác sau lưng đang làm công việc là kéo người bị nói xấu đó vào kịch bản trong thế giới nơi anh ta/cô ta đóng vai chính mà không được sự cho phép của nạn nhân, bởi vì họ cảm thấy bị ảnh hưởng, bị đe dọa, rằng nạn nhân thật sự làm lung lay đến sự tồn vong của họ. Còn người lắng nghe những tâm sự đó, thường đóng vai trọng tài, nhà phê bình, đưa ra phán xét ai tốt, ai xấu, ai đúng, ai sai, ai giỏi, ai dở, từ đó chứng tỏ giá trị của mình và làm cho bản thân trông giống như một người trung lập.

Tuy nhiên, những người có năng lực thật sự sẽ không hạ thấp người khác để làm nổi bật bản thân, những bông hoa xinh đẹp sẽ tự nhiên được tìm thấy dù cho có mọc giữa bụi rậm.

Xây dựng năng lực cần thiết

Người ta thường sẽ không dành thời gian để chỉ trích những người kém cỏi hơn mình, bởi vì nó có thể biến thành hành vi bắt nạt người khác do sự thiếu hiểu biết về nhận thức xã hội của bản thân. Chỉ có người năng lực yếu kém mới đi chỉ trích người khác để đạt được lợi ích. Người bị nói xấu ấy chắc hẳn có năng lực so sánh được với họ hoặc ưu việt hơn họ.

Khi bạn đối diện với những lời phê bình, chỉ trích và buôn chuyện của người khác với một thái độ cởi mở hơn, có khi nó còn biến thành một nguồn động lực tích cực cho bạn. Vì sao phải hợp tác đóng vai trong vở diễn bi kịch mà người khác muốn lôi bạn vào, phải không?

tự tin
Dù sao thì tại công sở, chúng ta cũng cần xây dựng khả năng cần thiết để tránh gặp rắc rối. (Ảnh: Shutterstock)

Một mặt khác là khi đối mặt với tình huống khó khăn, thông thường bạn ở vào bên yếu thế hơn đối phương, vậy mới có cơ hội nhìn rõ được bản chất của họ, từ đó rút ra được cách làm việc thuận lợi hơn cho mình sau này. Dù sao thì tại công sở, chúng ta cũng cần xây dựng khả năng cần thiết để tránh gặp rắc rối.

Triết gia Friedrich Nietzsche từng nói: “Độc lập là đặc quyền của người mạnh.” Bạn liên tục tích lũy năng lực cho bản thân, không phụ thuộc vào người khác, đồng thời có đủ khả năng suy nghĩ độc lập, học cách nhìn vào 2 mặt của một vấn đề. Thay vì oán trời trách đất, hãy xem như đây là một cơ hội để tự nhìn lại chính mình.

Những gì bạn có thể làm lúc này là kiểm tra lại xem “tài sản” nhân sinh của mình còn có những ai có cùng sở trường với mình, có khả năng học hỏi qua lại hoặc có ai có kinh nghiệm có thể cùng giao lưu, kiến lập nên tình hữu hảo thêm sâu không.

Dĩ nhiên, không có ai được mọi người hoàn toàn yêu mến, bởi vì ai cũng không hoàn hảo. Trên thế giới này, không có ai làm gì cũng suôn sẻ, chưa từng bị làm khó dễ hoặc chưa từng bị phê bình chỉ trích. Quan hệ giữa người với người tại sở làm thường là như vậy. Chỉ khi tâm thái của chúng ta thay đổi, mới có thể tác động đến hành vi, từ đó cải biến hiện trạng này mà thôi.

Chúng ta có thể tiếp tục đóng vai nạn nhân, tự rắc muối liên tục lên vết thương của mình, hoặc có thể chọn rèn giũa bản thân như vàng qua lửa đỏ, trau dồi kinh nghiệm, năng lực để trở nên mạnh mẽ hơn.

Minh Lan biên tập lại
(Theo sách “Chốn công sở sẽ làm tổn thương bạn” của Tiểu An)